Theo dõi trên

Dưới chân Đá Chẹt

30/11/2018, 10:32

BT- Ngọn núi Đá Chẹt - điểm đầu phía Bắc của Tuy Phong, nơi tiếp giáp với Cà Ná là cửa ngõ hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc - Nam nổi tiếng không chỉ vì yếu tố lịch sử, mà còn là thắng cảnh tuyệt đẹp của dải đất Tuy Phong đầy nắng, gió…

Cửa ngõ trọng yếu

Tôi là người miền Trung, vào sinh sống tại Bình Thuận hơn 25 năm nay. Và tôi đã ngược xuôi Nam - Bắc hàng trăm lần bằng cả đường bộ lẫn đường sắt. Lần nào đi ngang cung đường dưới chân Đá Chẹt, tôi cũng phải ngắm nhìn ngọn núi và biển cả nơi này cho thỏa con mắt. Ở đây, dãy núi Đá Chẹt cong hình lưỡi liềm, ôm sát quốc lộ 1A ven biển dài khoảng 4 km, có đoạn nhô ra như một lưỡi kiếm đâm ra tận biển, tạo nên một vùng núi non với cảnh sắc sơn thủy rất đỗi hữu tình. Ðứng trên núi Đá Chẹt nhìn xuống phía đông là biển Ðông với đảo Lao Câu như chiến hạm vươn giữa biển khơi. 

                
Cung đường dưới chân Đá Chẹt.

Tôi gặp ông Lê Thái An (69 tuổi), một cựu chiến binh ở thị trấn Liên Hương. Thời kháng chiến chống Mỹ, ông An đã từng tham gia chiến đấu tại cung đường Đá Chẹt. Ông An kể, Đá Chẹt là cửa ngõ trọng yếu và duy nhất trên tuyến đường bộ lẫn đường sắt Bắc - Nam. Nơi này có địa thế rất hiểm trở, với dãy núi cao nằm sát biển, dưới chân núi là đường bộ, đường sắt, rất có lợi về mặt bố phòng quân sự, vừa kiểm soát, khống chế toàn diện tuyến biển, vừa là điểm chốt chặn trọng yếu trên tuyến đường bộ ở cửa ngõ vào Tuy Phong. Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, lực lượng bộ đội, du kích và tự vệ của ta đã tổ chức nhiều cuộc đắp mô chặn đường, phục kích bắn tỉa địch khi qua Đá Chẹt gây cho địch tổn thất nặng nề. Và Đá Chẹt trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch mỗi khi đi qua đoạn đường này.

Qua thời hoang vắng

Năm 1991, tỉnh Thuận Hải chia tách thành tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, khu vực giáp Cà Ná trở vào Nam thuộc huyện Tuy Phong. Cung đường Đá Chẹt vẫn là vùng hoang vắng, không có điện thắp sáng, nước sinh hoạt, trường học… Đa phần dân tứ xứ dạt đến đây là nghèo khổ, xuất thân từ các thành phần bất hảo trong xã hội, tạo thành địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự và tệ nạn xã hội. Một thời, cư dân ở vùng giáp ranh đa phần là gái mại dâm, trai giang hồ; người sống nghề phá rừng, hầm than; người bắt hải sản hay giết san hô bằng mìn. Và con cái của những người trôi dạt vì nghèo khó đến đây thì thất học. Thời đó, cung đường Đá Chẹt nổi tiếng với địa danh Cầu 41, xóm Đèn Dầu, bởi một số người ở đây dựng lên những chiếc lều bằng lá cây rừng, đêm đến dùng đèn pin, treo đèn dầu, ra quốc lộ 1A vẫy tay đón khách… hành nghề mại dâm, mua vui cho cánh tài xế xe tải Bắc Nam... Cùng với đó, dân anh chị giang hồ cũng “đục nước béo cò” gây nên nhiều vụ cướp bóc, trấn lột, trộm cắp, đâm chém tranh giành lãnh địa…

Đó là những câu chuyện buồn ngày cũ. Bây giờ, dưới chân Đá Chẹt, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi. Dù không phải là dân gốc ở các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân hay các địa phương khác của huyện Tuy Phong, nhưng chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện cho họ có chỗ ở, việc làm, y tế, giáo dục, sinh kế của cư dân cũng được bảo đảm hơn. Đáng mừng là tiềm năng, thế mạnh của dải đất Đá Chẹt ven biển đang từng bước được đánh thức đã giúp người dân cải thiện cuộc sống rõ rệt và gần đây là các dự án du lịch, thương mại, công nghiệp đang được triển khai đã và đang giúp vùng đất vươn lên, đổi thay từng ngày. Chúng tôi lang thang theo triền biển, nghe thật nhiều câu chuyện kể về cuộc sống, thân phận của những mảnh đời phiêu dạt, đẩy đưa đến cung đường này, mới hiểu trong họ có điểm chung là sự khát khao về tình yêu thương, về cuộc sống tươi đẹp và muốn từ bỏ cái nghề mà xã hội lên án. Ông Nguyễn Văn Thể (61 tuổi) kể, ngày đầu đặt chân đến Đá Chẹt, vợ chồng ông đôi bàn tay trắng, để có cái ăn, ông phải lên núi đào gốc cây cảnh, xuống biển đục san hô để bán kiếm tiền. Thế rồi, ông đã từ bỏ cái nghề phá biển, phá rừng khi được các công ty ở cung đường Đá Chẹt nhận vào làm việc, có thu nhập để nuôi 3 đứa con. Giờ, đứa lớn làm công nhân Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, đứa giữa làm nhân viên nhà hàng, đứa út làm công nhân cho cơ sở nuôi tôm post, còn vợ chồng ông có quán nước nhỏ bên đường kiếm sống.

Theo năm tháng, những con người lầm lỡ  chấp nhận thay đổi để sống một cuộc đời trong sáng hơn. Giờ, nhiều người dưới chân Đá Chẹt đã mở quán ăn uống, đi làm công nhân cho công ty, nhà hàng… sinh sống bằng đồng tiền lương thiện. Có chuyện Hùng “gà”, một tay giang hồ trên cung đường Đá Chẹt cũng  “rửa tay gác kiếm” để sống bằng cái nghề bảo vệ trại tôm giống. Chuyện những cô gái xóm “Đèn Dầu” quyết tâm đi làm công cho nhà hàng, resort, thu nhập bằng mồ hôi, công sức của mình, trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học nên người.

Ông Nguyễn Văn Thể nói, thời cực khổ  qua rồi, nhờ trong hoạn nạn vẫn có tình thương yêu con người nên mới sống được. Đến giờ gia đình ông và hàng trăm cư dân dưới chân Đá Chẹt này luôn biết ơn và quý trọng vợ chồng ông bà Trần Năm và Ngô Thị Quyên - hai đảng viên là chủ quán Biển Vĩnh Hảo về chuyện làm từ thiện đem nước, đem chữ đến cho dân ngụ cư này. Chính vợ chồng ông Năm  bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của, thuê người đắp 11 con đập ngăn suối trên núi Đá Chẹt, rồi lắp đường ống dài 5.000 m đưa nước ngọt từ núi cao về quán Biển Vĩnh Hảo, ra khu giáp ranh Cà Ná, về Cầu 41, thôn Vĩnh Hưng (Vĩnh Tân) để cung cấp miễn phí cho hàng trăm người dân  sống trong khu vực. Không chỉ vậy, vợ chồng ông Năm còn mở trường học tình thương, thuê giáo viên đến dạy chữ miễn phí cho trẻ là con em của dân nơi này, tiếp thêm ngọn lửa văn minh và hành trang cho những đứa trẻ vào đời. Cũng ở quán Biển Vĩnh Hảo, vợ chồng ông Năm  nhận những đứa trẻ ở xóm Đèn Dầu vào làm việc ở quán, cho ăn học, gầy dựng chúng nên người.

 Tiềm năng, thế mạnh

Bước ra khỏi Cà Ná, vào địa phận Tuy Phong đã thấy ngay dãy núi Đá Chẹt cao sừng sững nằm cạnh biển với cái gió ù tai, rát mặt. Vùng đất “nắng chuyên cần, gió hào phóng” này giờ mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế.

Biển và núi Đá Chẹt đều xanh ngắt một màu, đẹp và thu hút đến lạ. Khám phá vùng biển này và ngắm dãy núi Đá Chẹt theo hướng nhìn từ ngoài biển vào sẽ nhận được  bao điều thú vị. Dãy núi đá và cây như cộng sinh với nhau để trường tồn giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Nhiều du khách ví von những tảng đá nối đuôi nhau trải dài ra biển như những con hải âu, có cặp có đôi, tung tăng đùa giỡn trên những cơn sóng ùa về trắng xóa. Tại cung đường này, đường xe lửa và quốc lộ 1A sánh đôi nhau như cuộc hẹn hò tự ngàn xưa. Kìa một đoàn tàu đang bò như con rắn quẩn quanh dưới chân núi, những chiếc ô tô đang lượn vòng sát bờ biển. Rồi những đám mây ôm ngang đèo, ngang núi, đẹp như trong cổ tích... Phía biển từ nhà hàng Cà Ná, nơi hiện diện cột mốc phân định ranh giới giữa tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận kéo dài cho đến khu lặn biển Scuba là bãi cát trắng mịn màng, nước biển trong vắt, đứng trên những mỏm đá nhìn xuống, thấy rõ từng cụm san hô mọc sát nhau, tạo thành một thảm san hô cực đẹp. Hàng năm, cứ độ tháng giêng, là mùa rêu biển về trải xanh những phiến đá đẹp chẳng khác gì mùa rêu biển ở Cổ Thạch Tự. Bãi tắm ở Đá Chẹt cũng khá đẹp. Có không ít “nàng tiên cá” xinh đẹp đang phô lộ làn da căng mịn, đầy sức sống… ở đó. Các cô là những khách du lịch nước ngoài và các nhóm “phượt thủ” trong nước. Thấy chúng tôi xách máy ảnh ra bãi biển, các “nàng tiên cá” liền vẫy tôi lại, yêu cầu chụp một bộ ảnh... cho họ làm kỷ niệm.

Cung đường biển gọi Đá Chẹt mê hoặc lòng người bởi sự hòa hợp đầy sáng tạo của thiên nhiên giữa biển cả, núi rừng và trời mây. Nói về tiềm năng du lịch, ông Nguyễn Hữu Sơn - Giám đốc Ban Quản lý du lịch huyện Tuy Phong hồ hởi khi đề cập đến cung đường Đá Chẹt, trong tương lai sẽ hình thành một điểm đến du lịch biển đặc trưng của Tuy Phong. Với  điều kiện tự nhiên cùng với vị trí tiệm cận khu di tích, danh thắng Cà Ná, hòn Lao Câu, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, cung đường Đá Chẹt sẽ là nơi lý tưởng để du khách nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, cũng như thưởng thức các món hải đặc sản tươi ngon, bổ dưỡng của vùng biển Tuy Phong.

Để Đá Chẹt thành điểm đến du lịch biển đầu tiên phía Bắc của huyện Tuy Phong và tỉnh Bình Thuận, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai nhiều dự án du lịch trên “cung đường bích họa” này, nhằm mang đến cho du khách những sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng, những sự trải nghiệm khác biệt. Đá Chẹt ngày nay có khá nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn như: Quán biển Vĩnh Hảo, nhà hàng Hưng Phát, khu lặn biển Scuba, khu nghỉ dưỡng Thái Bình Dương… Ở những resort xinh xắn, tiện nghi này, du khách có thể thưởng thức nhiều đặc sản tươi sống mang hương vị biển như: gỏi ốc, cháo cá mú, ghẹ luộc, tôm nướng, cá hấp… Không chỉ du lịch, dọc theo cung đường Đá Chẹt đến Vĩnh Hảo là những dự án công nghiệp, thương mại quy mô lớn như Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và rất nhiều dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió. Bên cạnh đó, nơi này có hàng loạt cơ sở nuôi tôm công nghiệp, là nơi nắm giữ thương hiệu tôm giống của Bình Thuận và cả nước. Và, xã Vĩnh Tân được quy hoạch phát triển thành đô thị… là những điều kiện tốt nhất để tạo nên sự phát triển năng động ở nơi đầu gió.

Trước khi chia tay, chúng tôi không quên leo lên ngọn núi Đá Chẹt một lần nữa để nhìn ngắm núi non cùng biển cả xanh. Và ước,  một ngày nào đó, dưới chân Đá Chẹt là điểm đến không thể tuyệt vời hơn về du lịch mà còn là thương mại, dịch vụ… trên con đường Bắc - Nam.

Ký sự: Võ Minh Chiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dưới chân Đá Chẹt