Theo dõi trên

Nạo vét cửa biển Hà Lãng (Thắng Hải): Sự “hào phóng” đầy nỗi nghi ngờ

30/11/2018, 10:30

BT- Trong khi chờ lập dự án nạo vét, cũng như được UBND tỉnh chấp nhận nên giao bãi vật liệu do nạo vét cho UBND xã Thắng Hải quản lý với số liệu thống kê rõ ràng.

Đơn xin nạo vét

Không nghi ngờ gì nữa cửa biển Hà Lãng, một cửa biển nhỏ, chảy ra từ sông Chùa ở xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân đang bị cạn. Hơn 100 con thuyền nhỏ, theo ông Nguyễn Văn Luy, Vạn trưởng ngư nghiệp thôn Hà Lãng thuộc xã, ngày ngày phải ra vào cửa một cách khó khăn. Có những lúc,  không ít con thuyền không vào được phải chờ thủy triều lên, và khi ấy những người vợ, con của ngư dân cứ phải đi bán cá trễ… Chính vì vậy, việc nạo vét, thông luồng cửa biển Hà Lãng là việc cần thiết. Tuy nhiên, câu chuyện nạo vét này có điều gì đó làm dậy lên nỗi nghi ngờ, cũng như câu hỏi: Có chăng một sự lợi dụng khai thác cát để san lấp mặt bằng… của những người nạo vét cửa biển? Trả lời câu hỏi này cũng chính là giúp cho việc nạo vét, thông luồng trở nên tốt hơn trong điều kiện có thể.

                
Cửa biển Hà Lãng, xã Thắng Hải, huyện Hàm    Tân.

Vào ngày 15/10 năm nay, ông Nguyễn Văn Luy, gởi đến UBND xã Thắng Hải đơn xin “Khôi phục cửa biển”  với rất nhiều chữ ký của người đi biển. Trong đơn này, ngoài yêu cầu nạo vét: Khoảng 25 m bề ngang (cửa biển), chiều dài từ sóng biển vào bờ cửa; có đoạn viết đại ý: Dân vạn đồng thuận nhờ Công ty TNHH TM và dịch vụ Huỳnh Gia Cát (HGC) hỗ trợ phương tiện nạo vét…, cũng như mong các cấp cho phép công ty  tận thu  cát nạo vét để san lấp (mặt bằng) cho dự án Lạc Việt (một dự án du lịch sinh thái biển 73 ha gần sát đó, theo mô tả là: Đông giáp sông Chùa; Tây giáp khu nghỉ dưỡng của Công ty CP Cổ Kim Mỹ Nghệ; Nam giáp bãi cát ven biển…) để bù chi phí nạo vét. Trong đơn này, ông Luy không nói rõ: HGC là 1 trong 2 đơn vị đang sang lấp mặt bằng cho dự án Lạc Việt, cũng như để làm việc này, HGC phải mua cát biển từ các nơi, chở bằng xà lan về nơi san lấp.

Sau khi nhận được đơn của ông Luy, một ngày sau đó (16/10/2018), UBND xã Thắng Hải gởi Tờ trình số 142/UBND đến UBND huyện Hàm Tân xin ý kiến đối với việc nạo vét nói trên. Trong tờ trình này có đoạn nhắc lại việc Vạn ngư nghiệp thôn Hà Lãng nhờ HGC nạo vét cửa biển; đề nghị cho tận thu cát nạo vét để san lấp cho dự án Lạc Việt “khấu trừ vào kinh phí thực hiện nạo vét”.

 Trả lời của huyện

Ngày 9/11, UBND huyện Hàm Tân có Văn bản số 3193/UBND-NN, ngày 9/11/2018 gởi xã Thắng Hải, thông báo: “Giao cho UBND xã Thắng Hải khẩn trương  nạo vét tạm thời cửa biển Hà Lãng đảm bảo cho ngư dân có nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kịp thời trong mùa mưa bão và ra vào đánh bắt hải sản. “Khối lượng bùn, đất bồi đắp nạo vét tập kết lên hai bên bờ (sông) và không được vận chuyển đi nơi khác”; huy động dân tham gia; vận động doanh nghiệp hỗ trợ phương tiện để nạo vét. Thời gian thực hiện xong trước ngày 30/11/2018. Văn bản này do Chủ tịch huyện Văn Quý Ngọc ký,  nhưng không ghi rõ  phải  nạo sâu, rộng bao nhiêu mét. Thế nhưng sau đó ít ngày, tại Văn bản báo cáo phương án nạo vét số: 259/UBND, ngày 15/11/2018, gởi UBND huyện Hàm Tân, do Chủ tịch UBND xã Lê Sanh ký thì quy mô (dự kiến)   nạo vét cửa biển rất rõ: Chiều dài từ cửa ra ngoài biển: 350 m; chiều rộng: 40 m; chiều sâu: 3 m; khối lượng nạo vét: 42.000 m3. Đây là khối lượng lớn. Để đạt khối lượng này, đơn vị nạo vét phải sử dụng nhiều giờ máy, cũng như lượng dầu không nhỏ. Phương thức nạo vét là: Vận động HGC hỗ trợ phương tiện. Kèm theo tờ trình này là một bảng  sơ đồ thuyết minh phương án nạo vét cửa biển. Đặc biệt nơi đổ vật liệu thì có sự khác với yêu cầu của huyện: “Khối lượng bùn, đất nạo vét được tập kết lên bờ dọc theo dòng sông về phía đất liền” và không hề có đoạn: “Không được vận chuyển đi nơi khác”. Nhân đây nói thêm: Khi trò chuyện với  phóng viên, ông Luy cho biết: Bảng  sơ đồ thuyết minh phương án nạo vét cửa biển là do “họ làm cho đầy đủ thủ tục”.  Ông không làm được sơ đồ.  Như vậy, sơ đồ do một  bộ phận nào đó làm  giúp để kế hoạch nạo vét được thông qua!

 Những nghi ngờ nổi lên

Ngay sau đó đã có một số nghi ngờ nổi lên trong dân, tập trung vào  những câu hỏi sau:  Thứ nhất, lý do gì HGC “hào phóng” giúp  nạo vét gần như hết chiều rộng cửa biển (40 m) với chiều dài gần nửa cây số (350 m), chưa nói đến độ sâu, với khối lượng khá lớn, trong khi  xã Thắng Hải, theo báo cáo các phương án phòng chống lụt bão mới đây: có 99 thuyền máy, từ 22 -24 cv, nghĩa là thuyền máy loại nhỏ!? Với loại thuyền máy này, chỉ cần con lạch không quá rộng đã có thể ra vào! Thứ hai, Văn bản số 259/UBND, ngày 15/11/2018, của xã Thắng Hải gởi UBND huyện Hàm Tân, báo cáo phương án nạo vét  ghi: “Khối lượng bùn, đất nạo vét được tập kết lên bờ dọc theo dòng sông về phía đất liền”, kỳ thực là trái một phần quy định của huyện. Nói khác đi là tập kết lên một phần đất của dự án Lạc Việt vì dự án này: Đông giáp sông Chùa; Nam giáp bãi cát ven biển. Đây cũng là nơi (dự án) HGC đảm nhiệm san lấp mặt bằng (ông Nguyễn Văn Luy  cho biết điều này khi làm việc với phóng viên). Thứ ba, có khi nào, HGC dùng bãi vật liệu đó để san lấp mặt bằng thay vì đi mua bởi Văn bản số 3193/UBND-NN của huyện Hàm Tân không hề giao đơn vị nào có trách nhiệm quản lý khối lượng cát nạo vét từ cửa biển lên? Thứ tư, có chăng, ai đó nhân cơ hội cửa biển Hà Lãng bị bồi lấp để liên kết tổ chức nạo vét và phía sau đó là mục đích riêng?

 Mấy đề  nghị

Như trên đã nói: Cửa biển đang  bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn. Việc nạo vét tạm thời là cần thiết, nhưng có nên giao việc nạo vét cho cấp xã quản lý khi mà đây là công việc liên quan đến môi trường, tác động đến môi trường, ảnh đến đời sống dân sinh kế - xã hội của dân nếu không được tổ chức tốt, cũng như cần có sự đánh giá cụ thể của cơ quan có thẩm quyền, bởi một mét khối cát lấy đi ở nơi này sẽ tác động đến nơi khác? Cụ thể ở đây là sẽ tác động đến đất của dự án Cát Vân, kè bảo vệ đất ven biển của Cát Vân bên kia sông Chùa.  42.000 m3 đất cát lấy đi ở cửa biển với chiều dài 350 m, rộng 40 m (phương án của xã) là khối lượng  không hề nhỏ, vì vậy, trong khi tạm thời nạo vét, cần lập một dự án có đánh giá tác động môi trường, cũng như đấu thầu nạo vét, nếu nhà nước không chi ngân sách. Tại Văn bản số 3193/UBND-NN của huyện Hàm Tân, vị trí bãi vật liệu không được xác định rõ ràng, cũng như không có đơn vị chịu trách nhiệm quản lý,  rất dễ xảy ra sơ hở, mất mát. Vì vậy, trong khi chờ các nhà đầu tư có năng lực, lập dự án nạo vét theo phương thức xã hội hóa, cũng như được UBND tỉnh xem xét chấp nhận, nên có sự giám sát nạo vét cửa Hà Lãng của cơ quan thẩm quyền vào thời điểm này, cũng như giao bãi vật liệu cho UBND xã Thắng Hải quản lý với số liệu thống kê rõ ràng. Nếu sau này do không quản lý tốt, xảy ra mất mát, xã Thắng Hải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Mong rằng, việc nạo vét cửa biển Hà Lãng sớm đi vào quy cũ, đặc biệt là không để dậy lên sự nghi ngờ của dân, của cán bộ.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nạo vét cửa biển Hà Lãng (Thắng Hải): Sự “hào phóng” đầy nỗi nghi ngờ