Theo dõi trên

Chủ động đón đầu cơ hội từ CPTTP

15/11/2018, 09:24

BT- Với tỷ lệ 96,7% đại biểu tán thành, chiều 12/11/2018 Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Việc phê chuẩn CPTTP là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định Việt Nam chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực và khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới.

Trước đó, CPTTP được thông báo có hiệu lực từ ngày 30/12 sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Cùng với Việt Nam, 4 nước khác cũng đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định này là Brunei, Chile, Malaysia và Peru.

Hiệp định CPTPP bao gồm một thị trường gần 500 triệu người, chiếm khoảng 13,5% kinh tế toàn cầu, với tổng kim ngạch thương mại trên 10.000 tỷ USD. Đây Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại.

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định CPTPP được dự báo sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích, trong đó tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất nhập khẩu là điều dễ thấy nhất. GDP dự báo tăng thêm 1,32%, xuất khẩu tăng thêm 4%, và nhập khẩu tăng 3,8%. Theo Ngân hàng Thế giới, hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiệp định sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại...

Bình Thuận có nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sẽ được hưởng lợi từ CCTPP như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… Lợi ích từ CPTPP đã được khẳng định, nhưng các nhà kinh tế cho rằng để tận dụng được nó, các doanh nghiệp cần có các động thái quyết liệt. Trước hết, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo hiệp định này đối với những mặt hàng Bình Thuận đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Đồng thời cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút nhiều hơn đầu tư trực tiếp vào tỉnh, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn, công ty lớn. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tỉnh nhà tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng trong các nước tham gia CPTTP cũng như phạm vi toàn cầu.

Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cần nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách bộ máy hành chính, thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu hội nhập của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và thu hút vốn đầu tư trong ngoài nước vào những lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về hiệp định, các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, của địa phương để doanh nghiệp nắm bắt, tích cực và chủ động đón đầu cơ hội từ CPTTP. 

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động đón đầu cơ hội từ CPTTP