Theo dõi trên

Nguy hiểm nghề lặn biển

12/11/2018, 08:55

BT-  Ngư dân lặn biển không chỉ thiếu đồ bảo hộ chuyên dụng, trang thiết bị y tế cần thiết, mà còn thiếu cả kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu... đối mặt với nguy hiểm. Sau chuyến lặn biển kiếm thu nhập vài trăm ngàn, các ngư dân vào bờ trong sự an toàn mong manh. Rồi ngày mai lại ra biển và bắt đầu chuyến hành trình đầy lo âu.

 Nguy hiểm, lo âu

Mỗi ghe lặn thông thường có từ 12 - 15 người. Khi lặn, anh em chỉ mang kính lặn, ngậm vòi hơi, đeo dây chì và mang theo túi lưới, dụng cụ nhặt sò… Rồi nhảy xuống biển, cứ thế mà đi dưới đáy đại dương để bắt từng con sò. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản hiện nay gần như cạn kiệt. Thu nhập được tính theo tỷ lệ 5:5; nghĩa là chủ ghe hưởng 50%, thợ lặn và người phụ trên ghe 50%. Sau mỗi chuyến kiếm được vài trăm ngàn, anh em trên ghe an toàn là mừng. Dẫu biết là nghề đầy nguy hiểm, nhưng vẫn phải làm. Nếu không làm, lấy gì nuôi sống cả gia đình. Ông Nguyễn Văn Chín (Đức Long, Phan Thiết), chủ ghe với 17 năm hành nghề lặn sò, cho biết.

Còn thợ lặn Nguyễn Tấn T. (Phú Hài, Phan Thiết) giải bày nỗi lo âu: Lúc đầu đi biển, chưa biết lặn. Các anh, các chú đi trước dìu dắt, và học theo trở thành thợ lặn. Hôm nào, cảm thấy không được khỏe, thì thời gian và số lần lặn sẽ ngắn hơn so với ngày thông thường. Nguồn thu nhập phụ thuộc vào mùa vụ, khi có khi không! Nếu không may tai nạn xảy ra cho thợ lặn như tàn tật, tử vong thì thợ lặn phải chịu. Chỉ dám lặn ở độ sâu 15 – 20m, đôi khi nghĩ lại,  cảm thấy phập phồng lo lắng. Bởi có nhiều anh bị liệt hoặc mất đi mạng sống ở tuổi đời còn quá trẻ. Không riêng ông Chín, anh T., mà  hàng trăm thợ lặn khác chưa có kiến thức về nghề lặn, cấp cứu  khi bị tai biến do lặn; không được trang bị quần áo bảo hộ chuyên dụng... đối diện nguy cơ từ sự cố dây dẫn oxy hoặc máy phát điện…

 Tỷ lệ tai biến cao

Ước tính, Bình Thuận có khoảng 2.000 thợ lặn ở các xã, phường ven biển. Từ năm 2014 đến nay, có hơn 40 trường hợp tai biến do lặn biển xảy ra trong độ tuổi 20 – trên 40; chưa kể con số tử vong ngoại viện. Tuy nhiên, con số thực tế từ tai biến lặn cao hơn so với số thông kê. Nơi có nhiều ngư dân hành nghề lặn là La Gi, Hàm Tân, Phước Thể (Tuy Phong), Phú Quý, Phan Thiết. Trong số trường hợp tai biến, thì tỷ lệ liệt 2 chi dưới chiếm 86,84%, 13,16% liệt tứ chi;  lặn độ sâu 20 – 30m tai biến chiếm tỷ lệ 63,16% và 23,68% lặn sâu trên 30m. Các triệu chứng khi bị tai biến là tê chi, bí tiểu, đau lưng... Đa số bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh kèm theo trước đó.

Theo các chuyên gia, lặn càng sâu, tỷ lệ tai biến càng cao. Đặc biệt, ngư dân lặn thường dùng phương pháp giảm áp theo dân gian, hoặc không giảm áp khi bị tai biến. Cụ thể, lúc đầu lặn ở độ sâu 20m, khi trồi lên mặt nước có dấu hiệu tê, đau lưng, thợ lặn được giảm áp (quay trở lại xuống mực nước sâu như ban đầu 20m). Đây là kiểu giảm áp chưa đúng kỹ thuật. Khi tai nạn xảy ra mà không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp sẽ để lại di chứng và hậu quả xấu, không chỉ đối với người lặn mà cả với gia đình và xã hội. 

Trang bị kiến thức phòng tránh

Nhằm phòng tránh và hạn chế tình trạng tai biến lặn, Sở Y tế phối hợp Hiệp hội Pháp ngữ tương trợ và phát triển khoa học đời sống (AFEPS) tập huấn kiến thức lặn, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân lặn biển vùng ven biển Phan Thiết. Bên cạnh đó, AFEPS hỗ trợ 10 bộ trang thiết bị y tế (bình oxy, dây ngậm) cho ngư dân hành nghề lặn biển. Sau khóa tập huấn, những ngư dân này sẽ tiếp tục truyền đạt lại kỹ thuật lặn an toàn cho nhiều ngư dân khác tại Phan Thiết đang hành nghề lặn biển.

Ông Chín cho biết, phần lớn ngư dân đi biển sử dụng kinh nghiệm, chưa có kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu khi gặp nạn. Sau khi tham gia lớp huấn luyện này, anh em lặn sẽ áp dụng, xử lý tình huống sơ cấp cứu ban đầu khi không may có người trên thuyền gặp tai nạn.

    
    Theo Sở Y   tế, trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục   mở các lớp tập huấn bổ sung kiến thức phòng tránh tai nạn, xử lý các   tình huống thương tích khi đang đánh bắt trên biển,  nhằm giúp ngư dân   bảo đảm sức khỏe, yên tâm bám biển.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy hiểm nghề lặn biển