Theo dõi trên

Khát vọng Trường Sơn

09/11/2018, 09:16

BT- Mượn cái tựa to tát và mang tầm khái quát, không phải do tôi đặt cho bài viết này, mà đó là tên một bài thơ nổi tiếng viết về nghĩa trang Trường Sơn của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” tôi đã được đọc đầu tiên ở dạng thơ dự thi, đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, trong một cuộc thi thơ, do tạp chí này tổ chức năm 1996. Lập tức gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ và sự xúc động sâu xa. Quả nhiên sau đó, nó đã đoạt giải cao nhất. Giải nhì (không có giải nhất).

Với tôi, bài thơ là một tượng đài thê thiết và bi tráng. Viết về cái chết, phận người và chiến tranh, nhưng không hề có hận thù giới tuyến hay lên án thô thiển. Nó tâm sự với cái “ta” bất hạnh. Nó là lời tự tình với “ta”. Là lời ru “ta” với bao hoài vọng và khát vọng khôn nguôi. Chỉ với “ta”. Không hề có bóng dáng “địch” ở đây. Lúc ấy, tôi chưa được đọc những bình luận và dư luận chung quanh bài thơ. Chỉ biết nó hay. Nó đến, neo vào lòng ta và gây ám ảnh. Thế là đủ. Lúc ấy, tôi cũng không biết cái nghĩa trang ấy ở đâu. Chỉ biết đâu đó ở tỉnh Quảng Trị. Còn cụ thể chỗ nào thì mơ hồ. Đất nước có biết bao là nghĩa trang...

Vậy mà có một ngày, tôi đã đến đó, cái nghĩa trang ấy, một cách hết sức tình cờ, ngoài chủ ý.

 * * *

Có đứa con gái ở xa về. Thương ba mẹ một đời vất vả. Bèn đăng ký một tour du lịch cho gia đình, ba mẹ và hai chị em đi chơi, thư giãn, thăm các địa điểm nổi tiếng ở các tỉnh miền trung: Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình…

Vào ngày thứ ba của tour, đoàn đang ở Huế. 7 giờ sáng lên xe ra Quảng Bình. Thăm động Thiên Đường, một điểm du lịch đang rất “hot” ở Việt Nam. Đó là chương trình chính của ngày hôm ấy.

Ra khỏi thành phố Huế, cậu hướng dẫn viên thông báo: Khi đến Quảng Trị, sẽ dừng nghỉ ở hai điểm. Mỗi nơi chỉ 30 phút. Là nhà thờ La Vang và Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nhà thờ La Vang còn gọi là Vương Cung Thánh Đường, một địa danh nổi tiếng lâu đời, nơi hành hương của đồng bào công giáo. Nhưng tôi lại chú ý đến địa chỉ thứ hai: Nghĩa trang Trường Sơn.

Sau 30 phút ở nhà thờ La Vang, xe lên đường. Đến Cam Lộ, rẽ vào quốc lộ 15, còn gọi là đường Hồ Chí Minh, hay đường Trường Sơn. Đường được tu sửa rộng rãi, không còn dấu vết những cung đường mòn giữa rừng núi Trường Sơn hứng chịu biết bao bom đạn của một thời chiến tranh khốc liệt. Lại chiến tranh! Xe càng lên phía bắc, nhà cửa càng thưa thớt, vắng vẻ. Hai bên đường là những cánh rừng. Bù lại, dày đặc những ký ức chiến tranh, qua lời thuyết minh của cậu hướng dẫn viên, qua nhiều căn nhà có miếu thờ, qua phụ lưu con sông Thạch Hãn, con sông đi vào thơ ca cùng bao chiến tích. Qua những địa điểm  ác liệt, với cụ thể những con số bom đạn đã trút xuống. Bao nhiêu cuộc giao tranh. Bao nhiêu lính Mỹ đã chết… Ở đất Quảng Trị, đi trên con đường này, quả thật không có gì để cậu ta thuyết minh, ngoài ký ức chiến tranh.

Quảng Trị, ngoài những lần tôi chỉ đi ngang qua ban đêm bằng tàu lửa, thì đây là lần đầu tôi đến trên con đường đặc biệt này. Để thấy thân thuộc và yêu thương. Đây không phải là lời khuôn sáo. Sự thân thuộc và yêu thương cũng xuất phát từ ký ức. Từ bé tôi đã biết xúc động vời bài hát “Bà mẹ Gio Linh” của Phạm Duy. Lớn chút nửa, tôi đã đọc những bút ký chiến tranh dữ dội về vùng đất này… Tất cả đã ghi dấu trong tôi, cho dù đến nay đã mấy mươi năm.         

Xe gần đến, cậu hướng dẫn viên tập trung nói về Nghĩa trang Trường Sơn. Nghĩa trang nằm cạnh quốc lộ 15. Thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị, trên ba ngọn đồi cạnh thượng nguồn sông Bến Hải. Một nghĩa trang lớn nhất Việt Nam, an táng hơn 10.000 liệt sĩ. “Nơi đây có tiếng cực kỳ linh thiêng… Đêm đêm người ta thường nghe những khẩu lệnh, những bước chân hành quân rầm rập… Khi  đến đấy, xin quý vị giữ thái độ nghiêm cẩn,  tránh cợt nhã”.  Dừng một lúc, cậu hướng dẫn viên tiếp: “Nếu ngại nắng, lát nữa đoàn ta có thể cử một vài người đại diện vào thắp hương. Còn lại quý vị có thể nghỉ trên những ghế đá ngoài nghĩa trang”. Có tiếng lao xao, bàn tán. Tôi ngồi cuối xe. Không nghe được gì. “Nhiều người yêu cầu xe qua luôn, không dừng lại. Mọi người nhất trí không?” - cậu hướng dẫn viên bất ngờ hỏi. Tôi giật mình. Cũng thông cảm thôi. Đoàn 25 người, một số là Việt kiều ở Mỹ. Một cặp vợ Việt chồng Tây. Còn lại là phụ nữ và những cặp vợ chồng hay tình nhân trẻ tuổi. Hoàn cảnh và tâm trạng họ khác ta. Họ du lịch là để tìm cảm giác thư thái, thú vị. Đến những thắng cảnh, địa danh đẹp đẽ, mới lạ. Nơi chốn này, có lẽ, không thích hợp. Thông cảm, nhưng tôi vẫn đứng lên yêu cầu được thăm nghĩa trang. Chừng 20 phút cũng được…

Thế là mình tôi xuống xe. Tôi nói nhỏ với con gái, đi theo ba để chụp vài tấm ảnh lưu niệm. Hiểu tính khí ba, con gái tôi cũng vui vẻ xuống xe. Chúng tôi leo lên những bậc tam cấp, vào tượng đài chính ở trên đồi. Gần 10 giờ sáng. Thời tiết vẫn mát dịu. Vào ngày đầu tuần, nghĩa trang vắng vẻ, tĩnh lặng. Đứng trên cao, nhìn bao quát chung quanh. Hai bên và phía sau tượng đài là những ngọn đồi, nhấp nhô những nấm mồ. Phía trước, bên kia đường là một hồ nước phẳng lặng, in bóng cây rừng. Quang cảnh thật đẹp đến nao lòng. Những người quản trang có vẻ ngạc nhiên với sự xuất hiện đột ngột của hai cha con tôi. Chúng tôi thăm hỏi, trao đổi dăm câu ngắn ngủi vì không có thời gian. Đón bó nhang từ người quản trang, tôi chia một ít cho con gái, đến cắm vào lư hương lớn trước đài tưởng niệm. Rồi lần xuống chân đồi, vào các khu quy tập mộ. Chao ôi! Mộ là mộ. Lúc nãy, người quản trang hướng dẫn, mộ phần được chia thành các khu vực theo địa phương, quê quán liệt sĩ và một khu vực vô danh ở bên trái.  Tất cả  hiện ra  trước mắt tôi. Tất cả đều như nhau. Tất cả giống như những viên gạch lớn, đều đặn, ngay ngắn, thẳng hàng, thẳng lối, ngút ngàn, tít tắp. Nằm kề nhau/ Những nấm mồ giống nhau/Mười nghìn bát hương/Mười nghìn ngôi sao cháy /Mười nghìn tiếng chuông ngân  trong im lặng/Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn/… Một nghĩa trang quy tập 10.263 mộ phần, đúng là lớn nhất Việt Nam. Con số lớn quá, khiến tâm thức ta mông lung, choáng ngợp, nhất là về lĩnh vực tâm linh. Và cái nhất của nó chỉ khiến lòng ta trĩu nặng.

Trong tâm trạng đó, tôi đi loanh quanh giữa các ngôi mộ. Rồi dừng lại nhìn ngắm. Vẩn vơ những cảm xúc mơ hồ. Rồi lại đi. Từ khu này băng qua khu khác. Mỗi nơi cắm vài cây nhang tượng trưng, trên các nấm mồ ngẫu nhiên. Bỗng trước mắt tôi, trên một nấm mộ, có một tấm ảnh thiếu nữ rất đẹp, ở độ tuổi mười tám, hai mươi. Tấm ảnh màu, chắc do thân nhân, gia đình phục chế. Tôi chỉ nhìn lướt qua tấm ảnh, không có thì giờ đọc tên tuổi, ngày sinh, ngày mất. Lòng thoáng bâng khuâng. Nếu còn sống, họ đã thành bà. Nhưng họ nằm đó, và mãi mãi thanh xuân… Tôi thoáng nghĩ đến những người mẹ, người yêu của những linh hồn thanh xuân ấy. Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa/…

* * *

Khi tôi và con gái rời nghĩa trang, xuống dưới đường, thấy mọi người đã xuống xe, đang ngồi nghỉ trên các ghế đá ngoài nghĩa trang, với vẻ an nhàn, thư thái. Không ai khó chịu với sự quá thời gian của cha con tôi. Có lẽ họ cũng nhận ra sau mấy ngày ở những nơi sang trọng, hào nhoáng, náo nhiệt. Thì những giây phút nghỉ ngơi nơi đây, với thời tiết dịu mát, không khí trong lành, cảnh sắc tuyệt đẹp, giữa thiên nhiên yên ả, cũng là điều thú vị.

Đứng dưới đường, đưa máy lên, tôi chụp một tấm ảnh cuối, bao quát mặt trước nghĩa trang. Rồi lên xe.

Lòng thanh thản. Nhưng rồi một lúc, tâm trí lại vương vấn lao xao. Mười nghìn mộ phần đã được về đây. Nhưng còn bao nhiêu hài cốt vô danh, thất lạc? Còn bao nhiêu linh hồn vất vưởng đâu đó trên đất nước này? Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/ Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng…/Mười nghìn khát vọng được về bên nhau...  

Lương Minh Vũ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng Trường Sơn