Theo dõi trên

Cần có quy định xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi

08/11/2018, 14:49

BTO- Chiều ngày 7/11, trong phiên thảo luận của kỳ họp thứ 6- Quốc hội khóa XIV về dự án Luật Chăn nuôi, bà Nguyễn Thị Phúc – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đã tham gia ý kiến về bảo tồn giống vật nuôi quí, hiếm, giống bản địa và phục hồi giống vật nuôi sau thiên tai, dịch bệnh. Theo đại biểu Phúc, việc nghiên cứu để tạo ra những dòng, giống vật nuôi mới, đáp ứng yêu cầu về năng suất, chất lượng và hiệu quả của vật nuôi cũng là một vấn đề cần phải có chính sách quan tâm đầu tư. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất tạo ra dòng, giống vật nuôi mới.

Ngoài ra, theo thực tế hiện nay, chính sách hỗ trợ chăn nuôi về phối giống nhân tạo đàn gia súc, con giống vật nuôi hiện đang thực hiện theo quyết định số 50 ngày 4/9/2014 chưa được tích hợp vào dự thảo luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Đại biểu Phúc cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ chăn nuôi về phối giống nhân tạo đàn gia súc, con giống vật nuôi vào dự thảo luật.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm được thể hiện trong dự thảo luật, đại biểu Phúc cho rằng hành vi cấm như thế là chưa đúng mức, chưa phù hợp và không bao quát. Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến sản phẩm chăn nuôi mới chỉ tập trung vào việc sử dụng sản phẩm chăn nuôi và nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, việc nghiêm cấm sản xuất sản phẩm chăn nuôi giả, sản phẩm chăn nuôi không bảo đảm chất lượng chưa được đề cập đến. Về thức ăn chăn nuôi cũng chỉ có một điều qui định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cũng không đề cập đến hành vi cấm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chất lượng thức ăn chăn nuôi không bảo đảm. Đây là vấn đề mà cử tri luôn bức xúc. Theo phản ánh của cử tri, nhiều trường hợp mua và sử dụng sản phẩm nhưng cả người mua và người bán đều không biết đó là sản phẩm giả, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, đề nghị bổ sung nội dung cấm sản xuất sản phẩm giả, không bảo đảm chất lượng sử dụng trong chăn nuôi vào dự thảo luật.

Ngoài ra, quy định cấm: "Chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã trừ nuôi động vật cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm", đề nghị bổ sung thêm "các thị trấn" vào dự thảo luật; vì hiện nay, các thị trấn cũng là khu đông dân cư, cũng diễn ra hoạt động chăn nuôi nếu không nghiêm cấm cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường ở khu vực này.

Về quy mô chăn nuôi, dự luật quy định quy mô trang trại chăn nuôi bao gồm chăn nuôi trang trại quy mô lớn, qui mô vừa và qui mô nhỏ. Trong đó, việc xác định đơn vị vật nuôi, mật độ chăn nuôi được qui định mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng sống. Theo đại biểu Phúc, quy định đơn vị vật nuôi như thế vẫn chưa hoàn toàn phù hợp đối với từng loại vật nuôi và sẽ khó khả thi khi áp dụng trong thực tế. Cụ thể đối với một số loài đặc biệt như con ong thì sẽ không thể xác định quy mô trên đơn vị vật nuôi là số lượng con sống, mà đơn vị tính là số lượng đàn ong. Vì vậy, việc xác định đơn vị vật nuôi cần phải xem xét, qui định cho phù hợp với các loài vật nuôi.

Về xử lý chất thải chăn nuôi, theo qui định của dự luật, xử lý chất thải ở cơ sở chăn nuôi trang trại, xử lý tiếng ồn từ chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ và nguyên tắc quản lý cơ sở sản xuất sản phẩm chăn nuôi, đại biểu Phúc cho rằng qui định như thế là chưa bao quát. Vì việc xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức nhưng dự thảo luật chỉ có một khoản ngắn gọn về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi là chưa phù hợp. Thực tế qua tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh nhiều về mùi hôi từ các cơ sở chăn nuôi phát tán ra, gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc xử lý vi phạm về mùi hôi theo Nghị định 155/CP năm 2014 là rất khó thực hiện, chưa có qui chuẩn qui định về mức độ mùi hôi để có cơ sở xử lý vi phạm. Vì vậy, đề nghị nên có qui định riêng cụ thể hơn việc xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có quy định xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi