Theo dõi trên

Chuyện người Đông Tiến… giữ rừng

05/11/2018, 08:31

BT- Là xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số nhưng tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất chỉ còn là câu chuyện quá khứ ở xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là hiệu quả mà Chương trình UN-REDD Việt Nam và nhiều chương trình bảo vệ rừng khác mang lại… 

                
   Người dân Đông Tiến tuần tra bảo vệ rừng.

Đổi thay từ những gói hỗ trợ thiết thực

Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II được thực hiện ở xã Đông Tiến vào năm 2015 với mục tiêu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ 9.523 ha rừng hiện có thông qua công tác giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên. Nhằm giúp xã Đông Tiến thực hiện mục tiêu trên, Chương trình UN-REDD hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc hỗ trợ cải thiện sinh kế, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả. Ban quản lý Chương trình UN-REDD tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ người dân xã Đông Tiến trồng 10 ha điều ghép và 50 con dê sinh sản.

Để người dân phát huy tốt sự hỗ trợ của chương trình, Ban quản lý đã mở các lớp tập huấn liên quan đến kỹ thuật trồng điều ghép và chăn nuôi dê sinh sản. Đến nay, số điều và dê do Ban quản lý chương trình hỗ trợ đang sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, Chương trình UN-REDD còn hỗ trợ người dân lập Quỹ sinh kế. Từ nguồn quỹ này, người dân đã có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Ban quản lý chương trình còn hỗ trợ 6 nhà bạt, 4 bồn nước, 4 chòi tạm phục vụ cho việc lưu trú khi đi tuần tra rừng, 249 bộ trang phục và đồ bảo hộ đi rừng cho người dân xã Đông Tiến. Sự hỗ trợ này đã giúp người dân phần nào giảm bớt khó khăn khi tuần tra bảo vệ rừng.

“Hiện tại, ở xã Đông Tiến có nhiều chương trình, dự án với mục tiêu bảo vệ phát triển diện tích rừng của xã. Tuy nhiên, Chương trình UN-REDD đã có những gói hỗ trợ thiết thực, giúp người dân ổn định cuộc sống. Đặc biệt, khi tham gia Chương trình UN-REDD, bản thân tôi và người dân được tham gia nhiều lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh. Từ đó, kiến thức của bản thân được nâng lên, giúp tôi tuyên truyền tốt hơn cho người dân”, ông Mang Đội, cán bộ lâm nghiệp xã Đông Tiến cho biết. 

“Tuyên truyền viên” địa bàn

Ngay khi triển khai chương trình, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Bình Thuận đã thực hiện nhiều buổi truyền thông tuyên truyền về Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II và các biện pháp để bảo vệ rừng bền vững. Bên cạnh hoạt động tuyên truyền cho người dân, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Bình Thuận còn cử những người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia các lớp tập huấn với các tỉnh bạn. Từ những buổi tập huấn, nhận thức của người tham dự đã được nâng lên và biến họ trở thành những tuyên truyền viên cơ sở.

“Tôi đã được tham dự nhiều lớp tập huấn do Chương trình UN-REDD tổ chức. Khi tham dự các lớp tập huấn này, bản thân tôi và các thành viên ở tỉnh bạn được tham gia những bài tập sát với thực tế của từng địa phương. Cùng làm những bài tập đó giúp chúng tôi học tập được nhiều kiến thức về bảo vệ rừng, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với rừng. Với những cách làm hữu ích giúp tôi hướng dẫn tốt ở địa phương mình”, ông K’Văn Lình, một người dân xã Đông Tiến cho biết. Với những kiến thức đã được tập huấn, những người như anh Mang Đội, ông K’Văn Lình… đã sử dụng trong các buổi nói chuyện với người dân hay tuyên truyền về chính sách bảo vệ rừng diễn ra tại xã.

Không chỉ những hộ dân tham gia thực hiện REDD+ mới bảo vệ rừng mà tại thôn 2, xã Đông Tiến đã thành lập một câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ rừng. Tổ có 100 thành viên, thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền người dân bảo vệ rừng. Trong năm 2016, Ban Quản lý Chương trình UN-REDD Bình Thuận đã tổ chức cuộc thi kể chuyện qua ảnh “Tài nguyên rừng trong mắt trẻ thơ” tại Trường THCS Đông Tiến. Thông qua việc tìm đề tài, chụp những bức ảnh liên quan đến tài nguyên rừng để nâng cao nhận thức cho các em về giá trị của rừng.

Hiện nay, xã Đông Tiến có 249 hộ tham gia bảo vệ rừng. Số hộ này được chia thành 35 tổ, khi phát hiện có người phá rừng làm rẫy hay xuất hiện lâm tặc, họ sẽ gọi điện vào số đường dây nóng của xã để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ vậy mà nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn xã Đông Tiến không còn xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy…    

NguyỄn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện người Đông Tiến… giữ rừng