Theo dõi trên

Bao giờ nhà hát khởi công?

02/11/2018, 08:27

BT- Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Nhà hát nhân dân (ngoài trời) bị đập bỏ, do xuống cấp. Cũng từng ấy thời gian đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Bình Thuận được đáp ứng một cách không trọn vẹn vì thiếu một công trình văn hóa có công năng tương tự như nhà hát đã tháo dỡ. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, các sự kiện văn hóa - thể thao và du lịch vẫn được các ngành chức năng quan tâm tổ chức nhưng sức hấp dẫn ít nhiều bị hạn chế, mức độ hưởng ứng của nhân dân cũng không còn háo hức như xưa. Thật khó hình dung, một tỉnh có thế mạnh về tài nguyên du lịch như Bình Thuận; một thành phố đã bắt đầu có tên trên bản đồ du lịch cả nước như Phan Thiết lại thiếu vắng những công trình văn hóa cơ bản như: Nhà hát, bảo tàng tổng hợp, khu vui chơi giải trí công cộng… Chỉ xét riêng việc không có nhà hát (nơi tổ chức biểu diễn), đã khiến cho Bình Thuận bất lợi cả về đối nội lẫn đối ngoại:

- Về đối nội: Không thể tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật một cách ổn định, bài bản, đảm bảo quy mô như mong muốn, đặc biệt là vào mùa mưa. Bởi vì, chủ yếu là lắp đặt sân khấu biểu diễn ngoài trời hoặc đưa vào Trung tâm hội nghị tỉnh, mà đây không phải là một thiết chế văn hóa. Do đó, mức độ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân vừa bị sút giảm (về tần suất), vừa đơn điệu (về nội dung) vì chủ yếu là sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

- Về đối ngoại: Không thể tiếp nhận các loại hình nghệ thuật chất lượng cao ở Trung ương và các tỉnh, thành bạn về biểu diễn ở tỉnh nhà; đồng thời không thể đăng cai các sự kiện văn hóa - nghệ thuật; thể dục thể thao và du lịch cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tự giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hóa; quê hương, con người Bình Thuận với du khách trong và ngoài nước chỉ đạt kết quả rất khiêm tốn.

Trước đây, khi Nhà hát nhân dân còn hiện hữu, đông đảo nhân dân tỉnh nhà được thưởng thức hầu hết các loại hình nghệ thuật, từ cải lương, ca múa nhạc, tuồng chèo cho đến kịch nói, kịch dân ca, xiếc nghệ thuật, tạp kỹ; thậm chí cả nhạc rock hiện đại của Liên Xô (cũ) cũng được nhân dân tỉnh nhà nhiệt tình ủng hộ. Tất nhiên, so với trước đây, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay đã phát triển mạnh mẽ. Các phương tiện nghe, nhìn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân nhưng không phải vì thế mà sự tồn tại của một nhà hát trở nên không cần thiết. Ngược lại, nhu cầu tương tác, tiếp cận, giao lưu trực tiếp giữa nghệ sĩ và khán giả đối với các loại hình nghệ thuật biểu diễn là không thể thay thế được. Mặt khác, nhà hát là nơi đáp ứng tốt nhất nhu cầu văn hóa tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân địa phương trong điều kiện mức thu nhập bình quân của đa số nhân dân lao động tỉnh ta chưa cao. Đó là chưa kể, khi công trình đi vào hoạt động sẽ thiết thực góp phần “giữ chân” du khách quốc tế khi đến quê hương Phan Thiết thông qua những chương trình nghệ thuật độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc của địa phương.

Được biết, năm 2015 Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thỏa thuận ghi vốn đầu tư cho công trình “Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận” là 150 tỷ đồng, vốn từ ngân sách tỉnh là 50 tỷ đồng. Đây được xác định là công trình văn hóa đa chức năng, trong đó có chức năng tổ chức biểu diễn; riêng khán phòng (ở tầng trệt) dành cho hoạt động biểu diễn có sức chứa hơn 1.500 chỗ ngồi. Bên cạnh đó là các không gian đáp ứng nhu cầu quản lý, tổ chức, sáng tạo hoạt động văn hóa nghệ thuật và triển lãm. Trình tự, thủ tục pháp lý của công trình đều đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Công trình đã được các chuyên gia đầu ngành, các kiến trúc sư ở Trung ương và địa phương tham gia thẩm định và góp ý, chỉnh sửa nhiều lần. Tuy nhiên, mãi đến nay, công trình “Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận” vẫn chưa thể khởi công xây dựng.

Là một người gắn bó với ngành VHTT (nay là văn hóa - thể thao và du lịch) gần 40 năm, tôi nhận thấy: Công trình văn hóa đa chức năng trên đây là hết sức cần thiết và không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn hiện tại. Hơn nữa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định: “Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế…”. Hơn ai hết, nhân dân Bình Thuận rất mong sớm được nhìn thấy công trình “Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận” đưa vào sử dụng trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh nhà. 

ĐỖ QUANG VINH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ nhà hát khởi công?