Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Sợ thanh - kiểm tra

02/11/2018, 08:01

 Vui buồn câu chuyện thanh tra

BT- Thường bất cứ đơn vị nào nghe có thông báo sẽ được thanh - kiểm tra thì từ lãnh đạo cho đến nhân viên - dẫu đơn vị không có gì sai phạm cũng đều rất lo lắng, đôn đốc chuẩn bị cái này, bổ sung cái kia… nếu có những biểu hiện tiêu cực thì sốt vó, sợ cuống lên chuẩn bị đối phó! Nên chẳng mấy ai ưa bị thanh – kiểm tra. Bàn luận chuyện này thật vô cùng, ở đây chỉ ghi nhớ những chuyện vui buồn phạm vi hẹp một thời phụ trách chuyên môn gắn bó công việc thanh – kiểm tra dạy học, là hoạt động mà giáo viên chẳng ưa thích gì, bởi khi nghe thông tin đơn vị sắp kiểm tra, họ rất lo lắng. Có người bảo “mất ăn mất ngủ”. Sao lại như thế và hiệu quả tác dụng như thế nào là cả vấn đề của giáo dục.

                
Đoàn thanh tra về kiểm tra thu chi trong    năm học. Ảnh minh họa

Giáo viên “bị” đoàn kiểm tra dự giờ, thường hồi hộp, có khi mất bình tĩnh. Năm ấy về Trường THPT HTN, chúng tôi lên lịch dự giờ một cô giáo. Trường này lúc ấy mới xây dựng, chưa đủ phòng, có 2 phòng mượn nằm tách khu vực chính, phải băng qua 2 thửa ruộng. Khi kẻng đánh vào lớp, cô giáo băng qua bờ ruộng để đến lớp đã nhìn thấy tôi đứng trước cửa phòng rồi, thế là quýnh lên, lật đà lật đật làm sao té rơi xuống ruộng, rêu bùn vấy lên quần áo nham nhở. Lần khác dự giờ một ở Trường THPT HTB, khi bước vào, cô giới thiệu với lớp về người dự kiểm tra, rồi củng cố tinh thần học sinh: Các em cứ phát biểu bình thường như mọi khi nhé, không có gì sợ cả. Nhưng khi vào bài giảng, chính cô lại không bình thường. Hôm ấy trời cuối thu mát mẻ, nhưng mồ hôi cô giáo chảy ròng ròng, vừa giảng vừa đưa khăn lau bảng đang cầm trên tay lau mặt, mồ hôi và phấn nhễ nhại trên má. Học trò hoảng quá gọi nhỏ nhắc: cô, cô… nhưng cô chẳng để ý. Tiết học trở nên căng thẳng với học trò và cả người ngồi dự bên dưới. Hết tiết cô mới phát hiện ra khuôn mặt mình đầy phấn bảng. Biết thế, nên một lần đến trường, xem lịch báo giảng, tôi chọn tiết dự bất kỳ, khi ra hành lang đến lớp, một cô giáo đón tôi nói: Thầy dự tiết dạy của em. Nhìn cô đang mặc “áo che thai”, tôi giật mình, nghĩ lên lớp dự, lỡ cô mất bình tĩnh thì biết chuyện gì sẽ xảy ra với cái bầu ấy. Tôi cố tạo nụ cười thân thiện và nói: Thôi, không dự tiết này, chúc hai mẹ con lên lớp vui vẻ với học trò nhé. Cô cũng bật cười rạng rỡ gật đầu chào tôi để vào lớp. Chuyện ấy lại rỉ tai nhau đến các trường khác. Lần kiểm tra ở trường khác, chọn tiết dạy xong, một cô giáo đến gặp nói: Thầy ơi ! Em đang thời thai nghén, thấy mệt mỏi quá! Thế là tôi chọn giờ của giáo viên khác. Khoảng 4 tháng sau, trong kỳ chấm thi tuyển sinh tôi lại gặp cô, ngạc nhiên hỏi: Ủa, sinh con rồi hả? Trời đất, mới sinh, con mọn, sao hiệu trưởng lại cử đi chấm thi? Cô lúng túng ửng hồng hai má: Dạ, lúc ấy em sợ quá nên nói dối để khỏi bị dự giờ. Tôi chỉ biết nhe răng cười bái phục “tài ứng xử đối phó” bằng cách đưa cái thế mạnh thiên chức làm mẹ của phụ nữ ra, ai dám đụng. Ngược lại, những giáo viên có năng lực, tự tin, muốn được đoàn kiểm tra dự đánh giá để khẳng định chuyên môn của mình với đơn vị.

Mong ngày đặt cả niềm tin

Thanh - kiểm tra đúng nghĩa sẽ đem lại lợi ích thiết thực phục vụ cho các hoạt động dạy và học. Nếu chọn thành viên trong đoàn thanh - kiểm tra không có năng lực về chuyên môn, khi kiểm tra dự giờ, lấy cái “uy” của mình lên giọng bề trên hoạnh họe trong nhận xét đánh giá theo thiên kiến chủ quan cá nhân, cả khen lẫn chê cũng không chính xác, làm cho người được kiểm tra bị dị ứng, không phục. Trước mặt họ im lặng, nhưng trong bụng lại xem thường, mất niềm tin với công tác thanh - kiểm tra. Điều đó đã từng xảy ra. Một đồng nghiệp quản lý đơn vị trường học nói nhỏ với chúng tôi, khi đoàn rút đi rồi, mọi việc sẽ đâu vào đấy như cũ. Bởi 2, 3 năm mới đến trường thanh – kiểm tra một lần trong vài ba ngày, dự vài ba tiết, rồi đi. Thời gian 36 tuần còn lại trong năm học, ai là người kiểm tra, đánh giá, ngoài thầy cô và học sinh trên lớp. Vì thế, việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên chuẩn về năng lực chuyên môn và lòng tự trọng với nghề, để đến lúc không còn lực lượng nào bên ngoài được phép can thiệp vào giờ dạy của giáo viên mới là điều quyết định để phát triển sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Sợ thanh - kiểm tra