Theo dõi trên

Làm gì để giữ rừng vùng giáp ranh?

23/10/2018, 09:34

BT- Tại khu vực rừng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng, tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ gỗ trái phép những năm gần đây diễn ra rất phức tạp…

 “Lâm tặc” đe dọa lực lượng bảo vệ rừng

Vùng giáp ranh giữa Bình Thuận và Lâm Đồng dài khoảng 190 km, trải dài trên ranh giới 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh với các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai (Lâm Đồng).Trong đó, phức tạp nhất là vùng giáp ranh giữa Bắc Bình với huyện Di Linh, Đức Trọng (Lâm Đồng), dài 90 km. Do vị trí địa lý và đặc thù sản xuất nên các đối tượng phá rừng (phần lớn là người dân tỉnh Lâm Đồng) thường xuyên sử dụng xe hoán cải, cưa máy, ngựa thồ để vận chuyển, khai thác lâm sản từ Bắc Bình về địa bàn các xã Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng (Đức Trọng) tiêu thụ. Lợi dụng việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trên diện tích liền kề rừng, không ít đối tượng còn tự mở nhiều tuyến đường bộ để tiếp tục phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

                
Hiện trường 1 vụ phá rừng giáp ranh giữa    Bắc Bình với huyện Đức Trọng.

Trọng điểm về phá rừng là tiểu khu 57, 68, 69 thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy. Tuy nhiên, hầu hết các vụ vi phạm đều không xác định được đối tượng, chỉ tịch thu tang vật nên việc xử lý không có tính răn đe. Đáng lưu ý, tình trạng chống người thi hành công vụ thường xuyên diễn ra với hành vi rất manh động, liều lĩnh. Ngày 1/3/2017, lực lượng bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy đã bắt quả tang Nguyễn Văn Dũng (trú tại thôn Chợ, xã Đà Loan) về hành vi khai thác lâm sản trái phép tại tiểu khu 73 (đối tượng này khai thác gỗ cho Đinh Văn Hải, ở xã Ninh Loan). Khi đưa đối tượng Dũng về Trạm bảo vệ rừng (BVR) Đại Ninh để lập biên bản thì có khoảng 15 đối tượng đi trên 2 xe ô tô 7 chỗ xông vào trạm uy hiếp, khống chế lực lượng bảo vệ rừng, sau đó ngang nhiên đưa đối tượng Dũng về huyện Đức Trọng.

 “Hiến kế” giữ rừng

Thượng tá Nguyễn Hồng Nhị - Phó trưởng Công an huyện Đức Trọng cho biết, theo quy định, án hoặc vi phạm xảy ra ở đâu thì địa phương đó xử lý. Do vậy, khi phát hiện có đối tượng ở Ninh Loan vào Đỉnh Xanh (khu vực rừng giáp ranh thuộc địa giới hành chính huyện Bắc Bình) để khai thác lâm sản trái phép, nhưng Công an Đức Trọng không thể vào Đỉnh Xanh để bắt giữ, mà phải chờ đối tượng quay về Ninh Loan mới xử lý được. Vì thế, điều cần thiết là phải nhanh chóng thành lập Trạm bảo vệ rừng khu vực này và xây dựng quy chế cụ thể để các lực lượng phối hợp hoạt động. Ngoài lực lượng chuyên trách, trạm cần có lực lượng công an các huyện Bắc Bình, Di Linh và Đức Trọng.

Thượng tá Trần Hữu Nhân - Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho rằng, cái gốc của vấn đề BVR là ở thôn, xã. Nếu địa phương nào để xảy ra phá rừng thì trước hết UBND xã phải chịu trách nhiệm.

Đồng thời phải xử lý trách nhiệm đối với kiểm lâm địa bàn, cần làm rõ có hay không sự bao che, dung túng cho “lâm tặc”. Trong công tác tuyên truyền, không chỉ xã và ngành kiểm lâm thực hiện mà phải xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; Hội Nông dân, Hội LHPN các cấp phải đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ này. Mặt khác, lực lượng Kiểm lâm phải xây dựng mạng lưới thông tin từ cơ sở, đối với những tin báo giá trị cần có hình thức khen thưởng, động viên phù hợp. Song song đó, tăng kinh phí về các xã vùng sâu, vùng xa để lực lượng tuyên truyền viên có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.  

Xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng phá rừng

Theo đánh giá của lãnh đạo 2 tỉnh, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng lực lượng BVR chưa đủ mạnh để tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; việc quản lý, xử lý các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng cầm đầu chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đã giao các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án thành lập Trạm BVR liên huyện Bắc Bình, Đức Trọng, Di Linh (trạm đặt tại Đỉnh Xanh, thuộc địa bàn hành chính xã Phan Sơn), để đưa vào hoạt động trong tháng 10/2018. Giao công an 2 tỉnh chỉ đạo công an các huyện vùng giáp ranh tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu, xử lý các băng, nhóm chuyên hoạt động phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại vùng giáp ranh và các đối tượng chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng. Phối hợp với chính quyền cơ sở vận động nhân dân tham gia BVR vùng giáp ranh, tố giác các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Giao UBND các huyện chỉ đạo lực lượng công an thống kê, xác định số xe ô tô hoán cải, xe độ chế trên địa bàn và kiên quyết xử lý đình chỉ lưu hành; trường hợp chủ xe cố tình vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định...

    
    Qua 4 năm   2014 - 2018, lực lượng bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa Bắc Bình với   huyện Đức Trọng, Di Linh đã tổ chức 859 đợt truy quét. Kết quả đã phát   hiện và đẩy đuổi hàng chục lượt xe ô tô hoán cải, xe múc vào rừng; tịch   thu nhiều loại phương tiện; đốt hủy 1 đầu xe ô tô hoán cải, thiêu hủy 30   xe máy độ chế, 1 lò than, 1 lán trại, 4 xe ngựa; giao các cơ quan chức   năng huyện Bắc Bình xử lý 122 m3 các loại, cơ quan chức năng huyện Đức   Trọng xử lý 10,921 m3 gỗ…

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để giữ rừng vùng giáp ranh?