Theo dõi trên

Sông nuôi nỗi nhớ

19/10/2018, 08:24

BT- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một dòng sông kỷ niệm. Dòng sông của ấu thơ của hoa mộng tuổi học trò.

Tôi sinh ra bên bờ Vu Gia đất Quảng, nhưng lại lớn lên bên dòng sông Dinh nơi miền thủy dương cát trắng (La Gi). Vu Gia với tôi là sự hoài niệm khắc khoải về nơi chôn nhau, cắt rốn. Sông Dinh là sự đằm thắm nhớ thương với những buồn vui kỷ niệm.

                
Sông Dinh chảy qua thị xã La Gi. Ảnh: Lê    Thanh

Tôi gọi sông Dinh là con sông gập ghềnh nỗi nhớ. Bởi sông quê tôi mùa khô nước chỉ róc rách chen qua từng lạch đá. Trên dòng sông, nơi nào cũng đá, đá mọc thành bờ dài, đá dựng thành cù lao, đá lô nhô, đá chồng chất. Tạo hóa lại khéo điểm trên nền đá ấy những mảng rù rì xanh dịu dàng. Rù rì, loài cây tôi cho là có sức sống phi thường bậc nhất. Không phi thường sao được, mùa lũ về, dù nước có ngập đến đâu, cây vẫn bám mình trong đá chịu đựng, lũ qua, cây lại vươn mình đứng thẳng. Mùa nắng dù hanh khô đến mấy cây vẫn nẩy lộc, đâm chồi. Cùng với rù rì mọc xanh trên đá, hai bên bờ sông chen lẩn trong rừng tre, cây bụi là những  gốc lộc vừng thả bông rực sắc.

Với dòng sông này, cả hai mùa mưa nắng tôi đều nặng nợ. Mùa mưa lũ, dòng sông cho tôi nhiều kỷ niệm của một thời vất vả mưu sinh. Sao quên được những ngày dầm mưa, lội sông tìm từng mụt măng về phụ giúp gia đình. Sao quên được những tháng năm, ngày hai bận bơi sông qua bên bờ Bắc cuốc đất tranh tăng gia sản xuất. Những lần chuột rút, trượt chân uống nước no nê. Hồi ấy, làng tôi sản xuất tập thể bên kia sông. Sớm mai thức dậy, nghe tiếng kẻng bon bon từ nhà ông Tập Đoàn Trưởng là trẻ, già, trai, gái cơm nước, cuốc rựa lên đường qua sông sản xuất. Bơi qua sông là cách duy nhất để rút ngắn quãng đường. Còn như lội bộ cả trên cây số xuống cầu Phước An rồi vòng lên, thời gian sản xuất sẽ không còn bao nhiêu. Bơi sông nguy hiểm nhưng vui, vui nhất khi dìu mấy cô nữ qua sông, nhiều cậu tinh nghịch cứ ưa “đụng” mấy chỗ nhạy cảm. Khi mấy cô lên bờ, nhìn càng thích, cái áo ướt dính sát da trông mờ mờ ảo ảo quyến rũ làm sao. Lúc đầu cô nào cũng e ngại, nhưng riết rồi quen, rồi cười, cười rộn cả dòng sông.

Mùa nước lũ cũng là mùa câu sông. Thú câu sông nó máu thịt với tôi từ lúc còn bé tẹo. Mà đâu chỉ mình tôi, cái làng Phước Bình  này từ trẻ em đến người lớn ai mà không đam mê câu sông, bận rộn mùa màng thôi, rảnh tay là vác cần ra sông ngồi lỳ cả buổi. Tôm cá câu được chẳng phải bán mua gì, chỉ là phụ thêm bữa ăn cho gia đình, hoặc một bữa nhậu của mấy bác nông dân. Cho đến bây giờ, tóc đã nhuộm bạc, khi mưa về, tôi vẫn tuần hai buổi ra sông Dinh ngồi câu cá. Câu được con nào về làm sạch kho lá nghệ ăn cơm. Câu cá trên sông Dinh với tôi có quá nhiều kỷ niệm.

Mùa khô. Những chủ nhật, ngày lễ đám học trò hay rủ nhau ra Đá Dựng vui chơi ca hát. Ai một thời áo trắng Bình Tuy mà không có những kỷ niệm bên bờ Đá Dựng. Đá Dựng hồi ấy có vườn anh đào, có chùa Một Cột, có tượng sư tử bằng đá, có những chiếc cầu ván cong cong. Đêm trăng ngồi với Đá Dựng như ngồi giữa vườn cổ tích. Xa xa, dưới ánh trăng, những chiếc xuồng câu bé tí lững lờ trôi theo đìu hiu dòng nước. Rồi tiếng nước róc rách chảy trong trăng, tiếng trăng mơ hồ rơi mong manh trên vườn anh đào. Tất cả tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo.

Ở đoạn sông “gập ghềnh nỗi nhớ” sát làng tôi, ai đó còn đặt cho cái tên nghe rất mỹ miều: “Suối Tiên”. Thời niên thiếu chúng tôi ngày ấy, sông Dinh như mái nhà chung, không ngày nào chúng tôi để cho dòng sông yên tĩnh, không chặn dòng tát cá cũng lặn hụp mò ốc, bắt cua, bắt dạp dạp.

Tát cá thì vui không kể hết, nhất là khi vũng tát đã cạn, nước rặt hết chỉ còn bùn sền sệt, nhìn lũ cá trắng, cá rô nhoi đầu lúc nhúc, cá lóc, cá trê nhảy đành đạch mới sướng mắt làm sao. Cả đám trẻ trần trùng trục vật lộn trong bùn bắt cá, có đứa nào đó bị cá chui vào quần la toáng lên. Dòng sông như ngã nghiêng theo tiếng cười, tiếng hò hét của lũ trẻ.

Bắt dạp dạp ít sôi động hơn nhưng không kém phần thích thú. Dạp dạp hình thù giống con sò lông ở biển, chúng sống bám theo bờ sông, bãi cát pha bùn. Mùa nắng, sông Dinh cạn, bắt dạp dạp phải ngồi quỳ trong nước, dùng tay mò vào bờ đất, khi nghe tay đụng vào thân dạp dạp là nắm rút ra cho vào túi, đứa nào không có túi thì lận quanh lưng quần đùi. Dạp dạp ở sông Dinh nhiều, nên bắt không khó, chỉ vài chục phút có dư bữa nướng. Nướng dạp dạp ở sông Dinh là những kỷ niệm nhớ đời. Dạp dạp khi cho vào lửa bị nóng chúng cứ hé mình chảy nước xèo xèo. Khi nước hết xèo con dạp  dạp bắt đầu chín, vậy là gắp dạp dạp ra, banh rộng vỏ, cho tí muối ớt và… ăn. Ăn có khi nhai trộn cả bùn, ăn có khi đau bụng chạy rộp chân.

Tất nhiên tắm sông vẫn là thú đam mê số một của bọn trẻ. Mùa nước cạn, sông Dinh quê tôi không ngày nào vắng trẻ tắm sông, chúng như muốn ngâm mãi tuổi thơ trong dòng sông quê mát lạnh.

Và bây giờ.

Nếu có ai hỏi tôi - Quê hương bạn có gì yêu dấu nhất? Tôi không ngần ngại trả lời: - Sông Dinh. Sông Dinh là máu thịt, là nhịp thở, là phần hồn của quê hương, là cội nguồn tạo nên hương sắc, là mạch sống ươm xanh bãi bờ làng mạc. Sông nuôi dưỡng tuổi thơ, chắp cánh ước mơ, níu lòng người xa xứ. Sông chảy vào lòng người nỗi nhớ bất tận. 

NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh thăm chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông nuôi nỗi nhớ