Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Ngỡ chuyện bình thường

19/10/2018, 07:55 - Lượt đọc: 6

BT- Khi bài “Cứ hoài nghịch lý” vừa đăng trên Bình Thuận cuối tuần số 6126 ngày 12/10, chúng tôi nhận được phản hồi của nhiều bạn đọc quan tâm về việc giáo viên làm thêm như thế có gì gọi là nghịch lý? Trong đó, những cô giáo có đề cập trong bài viết lại phản ứng, hỏi tại sao chị em tâm sự chuyện đời riêng mà “tung lên” mặt báo?

                
Dạy thêm. Ảnh minh họa

Khi “điều có vẻ ngược với logic thông thường, nhưng vẫn đúng hoặc khó bác bỏ”(1). Nghĩa là việc làm, sự kiện đó diễn ra như một tất yếu không nằm trong sự mong muốn, lại kéo dài khó giải quyết, đi ngược lại với quy luật phát triển, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của cộng đồng… Một khi đã rơi vào nghịch lý thì làm cho quy luật phát triển diễn biến không bình thường.

Chúng tôi nói nghịch lý vì nghề nghiệp của thầy cô là đi dạy – nó là một nghề vừa thể hiện năng lực nghiệp vụ của mình với xã hội, với dân tộc (mà đó là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”), vừa là nghề để mưu sinh, sống bằng chính đồng lương của nghề. Nhưng thực tế hiện nay, không ít thầy cô người vừa đi dạy (xem như nghề tay phải), vừa làm thêm để thu nhập (xem như nghề tay trái), nhưng nghề tay trái nhiều khi là nguồn thu nhập chính để chi phí cho gia đình. Một khi đã xoắn cả hai tay vào hai công việc khác nhau cùng một lúc để lo mỗi chuyện mưu sinh dứt khoát sẽ chi phối lẫn nhau, không thể hiệu quả bằng toàn tâm sức lo cho một việc. Thầy cô đã rất rõ sau khi tốt nghiệp sư phạm, bước lên bục giảng, đều thấy trách nhiệm nghề dạy học của mình, không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn chức năng quản lý để phải quan sát, theo dõi; đóng vai nhà tâm lý để sẻ chia, giúp đỡ trong quá trình phát triển năng lực, tính cách của từng học sinh; mà năng lực trí tuệ, tâm hồn, tính cách của mỗi học sinh là một tiểu vũ trụ vô cùng phức tạp, hết sức phong phú, không em nào giống em nào. Từ đó mới định hướng cho mỗi em phát huy năng lực cá thể của mình để lựa chọn vào đời, biết cách ứng xử với tình huống, nung nấu, kích thích lòng đam mê, nhận thức được “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình.” (UNESCO đề xướng)…

Nếu đem toàn tâm sức làm đúng chức năng nghề nghiệp “cao quý” như thế thì phải đầu tư quỹ thời gian rất lớn, để gắn bó với từng học sinh, đến với từng gia đình, cùng phối hợp, hết sức nặng nề, lúc ấy đâu còn thời gian giao dịch cho nghề “tay trái”. Ngay cả những thầy cô dạy thêm, việc làm sát với nghề nghiệp, dẫu giỏi chuyên môn, dạy học trò rất thích, cũng không có thời gian để quan sát, theo dõi trợ giúp quá trình phát triển tính cách cho mỗi học sinh của mình trên lớp. Hiện tại, phần lớn giáo viên nếu không làm thêm nghề “tay trái” thì chuyện áo cơm bên bếp lửa cuộc sống đời thường réo gọi, thúc giục, nhiều khi vô cùng nghiệt ngã, bởi đồng lương “tay phải” không đủ chi phí khi ốm đau bệnh tật, giao tiếp, lo cho con cái nhiều thứ khác học hành. Sự việc ấy cứ thế diễn ra hết ngày này qua tháng kia, kéo dài năm này qua năm khác, và cứ thế mặc nhiên thừa nhận, xem đó là chuyện tất yếu, nó trở nên bình thường, không đúng với vị trí chức năng nghề nghiệp, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần cộng đồng. Vậy là nghịch lý - mà đã nghịch lý sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụy tai hại khác không lường hết.

Hiện thực ấy diễn ra sờ sờ trước mắt, có khuất lấp gì đâu, các quan chức đầu ngành ai cũng thấy. Họ còn đi tham quan, nghiên cứu, học tập sự phát triền giáo dục của nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Cụ thể như chuyến “công du” gần đây của đoàn chuyên gia giáo dục Việt Nam sang Bắc Âu do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu – đặc biệt là đến Phần Lan, một nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, nơi họ xem giáo viên là tài sản vô giá, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục mầm non(2). Họ thấy tất, nhưng đã có chiến lược, biện pháp cụ thể thiết thực nào để đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ trình độ vận hành đúng theo quỹ đạo chức năng nghề nghiệp hiệu quả chưa? Không lo vun trồng chăm bón tận gốc cái “tài sản vô giá đó” để làm nền tảng vững chắc quyết định cho sự phát triển, mà cứ loanh quanh chạy đi uốn nắn chắp vá từ trên ngọn. Như thế không nghịch lý là gì?...

Võ Nguyên

(1): “Từ điểm Tiếng Việt”, Trung tâm từ điển Ngôn ngữ, 1992; (2): GV chúng ta dẫu không đến Phần Lan, nhưng tìm đọc “Bài học Phần Lan 2.0” (Finnish lessonns của Pasi Sahlberg – Đặng Việt Vinh dịch), NXB Thế Giới, 2016, cũng thấy rõ điều đó.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Ngỡ chuyện bình thường