Theo dõi trên

Ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá cho nông nghiệp

18/10/2018, 09:14

BT- Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh ta đã có nhiều đóng góp tích cực, phục vụ thiết thực cho phát triển nông nghiệp, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh còn thấp (kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 0,4% của cả nước); việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm; nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có triển vọng chưa được tổng kết đánh giá kịp thời, tuyên truyền sâu rộng để nông dân tiếp thu và nhân rộng; lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ chưa được huy động tốt để phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Thực tiễn cho thấy, khoa học và công nghệ là khâu đột phá, góp phần thực hiện thành công “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp ngành nông nghiệp nước ta thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, khoa học công nghệ đóng góp từ 30% đến 40% trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua và ngày càng tăng lên thông qua sự đầu tư của các doanh nghiệp và một số tập đoàn lớn. Nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đã đạt mức 36,7 tỷ USD năm 2017 và dự kiến lên trên 40 tỷ USD năm 2018, với tỷ lệ tăng hàng năm khá ấn tượng (trên 2 con số).

Để xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu không còn con đường nào khác là phải tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.Từng địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá kết quả xây dựng mô hình, dự án, đề tài chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch… Từ đó, lựa chọn các mô hình, đề tài, dự án, cách thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật có kết quả tốt để phổ biến, nhân rộng; đồng thời tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp thiết thực để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất trên địa bàn.

Trong sản xuất nông nghiệp thì khâu giống là hết sức quan trọng. Một số cây trồng lợi thế của tỉnh như thanh long, điều, tiêu và một số vật nuôi khác hiện đang có dấu hiệu thoái hóa. Vì vậy, khoa học công nghệ phải tập trung vào cải tạo cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao trên cơ sở tăng cường hơn nữa năng lực nghiên cứu của đội ngũ khoa học, kỹ thuật trong tỉnh, kết hợp với chuyển giao công nghệ từ các trung tâm khoa học công nghệ trong nước và nước ngoài để chọn được những giống có hiệu quả cao nhất. Đưa nhanh công nghệ mới vào tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Nhà nước hoặc Nhà nước cùng doanh nghiệp kết hợp xây dựng một số khu công nghệ cao của tỉnh dựa vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Đây sẽ là nơi tập trung những tiến bộ khoa học - công nghệ mới, những sáng tạo mới, với cách thức tổ chức quản lý hiện đại. Sau đó, nhân rộng để tạo bước chuyển biến đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng kinh tế tri thức.

Để làm được điều đó, cần đổi mới cơ chế, chính sách quản lý đối với khoa học, kỹ thuật theo hướng tổ chức, huy động lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ về nông thôn, cùng với bà con nông dân, các doanh nghiệp, các tổ chức khuyến nông giải quyết các vấn đề về giống, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, phát triển công nghiệp và dịch vụ, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khuyến khích ký kết hợp đồng giữa các cơ quan khoa học, kỹ thuật và công nghệ với các chủ thể trong nông nghiệp. Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, giữa khoa học, kỹ thuật và công nghệ với sản xuất, kinh doanh bằng các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn.

Cùng với đó, tuyên truyền hướng dẫn để người sản xuất biết được cần làm gì, cần tìm ai, cần đầu tư bao nhiêu vốn và vật tư, trang thiết bị để đổi mới công nghệ, đổi mới cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng, thu nhập cao hơn. Điều đó cũng có nghĩa cần nâng cao nhận thức của người lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, trợ giá, ưu đãi tín dụng, miễn giảm thuế... cho các hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá cho nông nghiệp