Theo dõi trên

Rừng Tà Cú sau “họa” cây bỗng dưng chết đứng

11/10/2018, 09:04 - Lượt đọc: 69

BT- Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, Hàm Thuận Nam đã phát hiện, xử lý 17 vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép, gây thiệt hại 10,18 m3 gỗ và 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp. Lập hồ sơ, xử lý 30 hộ dân trồng thanh long trái phép trong khu bảo tồn, với diện tích 17,37 ha. Nhất là tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại tiểu khu 302a trên địa bàn xã Tân Thuận ngày càng gia tăng và có nguy cơ trở thành điểm nóng. Qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện, xử lý 8 vụ vi phạm lâm luật tại tiểu khu 302a, trong đó có 3 vụ phá rừng với diện tích 0,52 ha, 5 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp, với diện tích 2,82 ha và hàng chục cây rừng bị chặt hạ, đục lỗ bỏ hóa chất làm cây chết đứng hàng loạt. 

                
   Các hộ dân ở xã Tân Thuận đã trồng thanh    long trên đất rẫy cũ trong Khu bảo tồn Tà Cú.

Mánh khóe phá rừng mới

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nằm cách biệt với các khu rừng khác, xung quanh là dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng còn nhiều. Các hộ dân có đất canh tác trong khu bảo tồn trước khi thành lập trên 676,1 ha, nên đã cố tình trồng cây không có nguồn gốc bản địa (thanh long) trên đất rẫy, gây khó khăn cho việc xử lý và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Riêng tiểu khu 302a thuộc xã Tân Thuận được quy hoạch rừng sản xuất, có diện tích 238 ha, nằm xen lẫn với diện tích đất rẫy cũ của các hộ dân, nên bị các đối tượng lén lút phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để mở rộng diện tích trồng cây thanh long. Có một số đối tượng đã lợi dụng lúc trời mưa, ban đêm, lén lút vào rừng cưa chặt hạ cây, đục lỗ bỏ hóa chất vào, làm cho cây rừng bị chết đứng hàng loạt. Nhưng đơn vị chủ rừng chưa xác định được đối tượng vi phạm để lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng diện tích rừng có cây bị chết đứng khoảng 0,39 ha, với 80 cây đã chết khô và 90 cây bị tác động rụng lá. Đường kính các cây bị chết đứng từ 0,06 m- 0,24 m, chủng loại cây là sến, cóc, vừng. Hiện đơn vị đã lập hồ sơ chuyển các cơ quan chức năng điều tra, xác minh những đối tượng sử dụng chất hóa học để làm cho cây chết đứng. Ngoài ra, đơn vị đã phát hiện, lập hồ sơ chuyển cho UBND các xã xử lý 6 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Cụ thể: hộ ông Lê Hữu Phước, thôn Hiệp Nghĩa, xã Tân Thuận lấn chiếm 2.900 m2 đất lâm nghiệp đã bị UBND xã Tân Thuận ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng và thu hồi đất lấn chiếm giao cho đơn vị chủ rừng quản lý; hộ ông Nguyễn Văn Thu, thôn Minh Thành, xã Hàm Minh lấn chiếm 950 m2 đất lâm nghiệp bị UBND xã Hàm Minh ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng và thu hồi lại đất lấn chiếm; hộ ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh lấn chiếm 400 m2 đất lâm nghiệp bị UBND xã Hàm Minh ra quyết định xử phạt 4 triệu đồng và thu hồi lại đất lấn chiếm. Riêng 2 vụ lấn chiếm 1.807 m2 đất tại xã Tân Thành chưa xác định được người vi phạm, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý. 

Siết chặt quản lý

Để ngăn chặn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã thành lập Ban chỉ huy chống phá rừng- PCCCR và lập kế hoạch tuần tra, truy quét hàng tháng, hàng quý, từng thời điểm. Tăng cường lực lượng cho Trạm bảo vệ rừng Tân Thuận đang xảy ra điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa đơn vị chủ rừng với UBND các xã, Hạt Kiểm lâm huyện trong công tác bảo vệ rừng, chống lấn chiếm đất lâm nghiệp. Củng cố kiện toàn 5 tổ phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn 5 xã, thị trấn, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Tiến hành đốt chần khu vực dọc tuyến đường Hàm Minh - Thuận Quý, với diện tích 26,5 ha, nhằm giảm các nguy cơ gây cháy rừng do các hộ dân phát dọn, đốt rẫy xung quanh khu bảo tồn hoặc khách du lịch bất cẩn sử dụng lửa gây cháy rừng.

Tiếp tục giao khoán 1.645,6 ha rừng tự nhiên cho 37 hộ đồng bào dân tộc Chăm xã Tân Thuận bảo vệ rừng và giao khoán cho 9 hộ dân bảo vệ 673 ha rừng trồng. Lực lượng bảo vệ rừng của xã được chia thành từng tổ từ 3- 5 người và giao cho trạm bảo vệ rừng của đơn vị quản lý, hướng dẫn tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân địa phương biết tầm quan trọng của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú gắn liền với phục vụ đời sống trong cộng đồng dân cư…

TUẤN Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng Tà Cú sau “họa” cây bỗng dưng chết đứng