Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Quan tâm chất lượng giáo dục mầm non

11/10/2018, 08:57 - Lượt đọc: 66

BT- Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, giúp trẻ phát triển về thể chất lẫn tinh thần trong các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là đối với trẻ thuộc vùng cao, miền núi được huyện Hàm Thuận Bắc quan tâm, thực hiện trong thời gian qua.  

Đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 23 trường mầm non (MN), mẫu giáo (21 trường MN công lập, 2 trường MN tư thục). Những năm gần đây, hệ thống giáo dục mầm non (GDMN) của huyện Hàm Thuận Bắc có nhiều đổi mới, tiến bộ nên chất lượng dạy và học được nâng cao rõ rệt. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư xây dựng theo lộ trình đạt chuẩn từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện và hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa. Nhờ đó, cơ sở vật chất GDMN ngày càng khang trang, đảm bảo cho việc học bán trú, 2 buổi/ngày.

Để giúp trẻ phát triển thể chất lẫn tinh thần, các cơ sở GDMN trên địa bàn huyện đã tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp theo hướng lồng ghép, tích hợp với các hoạt động giáo dục khác trong chương trình GDMN. Tăng tỷ lệ cơ sở GDMN có sân chơi, phòng học giáo dục thể chất, trang bị đủ thiết bị, đồ chơi phát triển vận động cho trẻ theo quy định. Đến nay, các trường đã mua sắm tương đối đầy đủ các trang thiết bị để phục vụ dạy học cho trẻ. Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong từng cơ sở GDMN, trong đó chú trọng tới việc phát triển chương trình phù hợp với thực tế “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Từ đó giúp trẻ tự tin, mạnh dạn trong các hoạt động và luôn vui vẻ, hứng thú đến trường. Nhờ vậy, việc huy động trẻ ra lớp ngày càng thuận lợi, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỷ lệ trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp hàng năm đều tăng so với trước.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số

Có thể coi GDMN là bước đệm đầu tiên giúp trẻ nói chung và trẻ em vùng dân tộc thiểu số nói riêng làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho chất lượng dạy và học ở những bậc học tiếp theo. Xác định được tầm quan trọng đó, thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã chỉ đạo Phòng GD & ĐT huyện tổ chức tập huấn cho các trường thực hiện đề án này. Nhờ đó chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ em trên địa bàn huyện được nâng cao. Đặc biệt, hiện 100% trẻ mẫu giáo ở 8 trường vùng DTTS trên địa bàn Hàm Thuận Bắc đều được tăng cường tiếng Việt.

Bên cạnh đó, Hàm Thuận Bắc đã kịp thời triển khai thực hiện nghị định về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non vùng đồng bào dân tộc khó khăn từ tháng 3/2018. Đến nay, toàn huyện có 1.075 trẻ được hưởng chính sách này, trong đó có 856 trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và  219 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, huyện còn triển khai kịp thời chế độ cho 35 giáo viên dạy lớp ghép từ 2 độ tuổi trở lên và dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, vùng  kinh tế đặc biệt khó khăn, với trợ cấp hàng tháng 450.000 đồng/người…

Mới đây, đoàn công tác của Bộ GD & ĐT do ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế ở một số trường mầm non trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc. Đoàn đã đánh giá cao những kết quả trong chương trình GDMN của huyện. Đặc biệt, đoàn dành nhiều lời khen ngợi trong công tác dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, bởi hầu hết trẻ giao tiếp tốt bằng tiếng Việt. Môi trường học tập GDMN vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Đội ngũ giáo viên có năng lực, tận tụy trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ…

Thanh ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Quan tâm chất lượng giáo dục mầm non