Theo dõi trên

Để du lịch Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch quốc gia

09/10/2018, 08:55

BT- Sau 23 năm phát triển, ngành du lịch Bình Thuận đang giữ vững thương hiệu và ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Với tiềm năng dồi dào, các chính sách phù hợp và sự quan tâm đầu tư của địa phương đã giúp thương hiệu du lịch của tỉnh ngày càng phát triển và hoàn thiện, dần trở thành một đô thị du lịch quốc gia.

Một minh chứng chứng minh bình quân hàng năm lượng du khách đến Bình Thuận tăng từ 12 - 14%, doanh thu tăng từ 19 - 20%. Chỉ tính trong năm 2017, Bình Thuận đã khai thác tiềm năng, lợi thế để đưa vào hoạt động nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, trong đó có nhiều sản phẩm gắn với du lịch thể thao biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Khách quốc tế đến với Bình Thuận ngày càng tăng, ước bình quân mỗi năm tăng từ 17 - 20%, chiếm tỷ trọng cao là khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc. Cùng với thương hiệu du lịch đã được khẳng định sau 23 năm hội nhập và phát triển, du lịch Bình Thuận đang hướng tới tương lai bằng sự đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện môi trường của một điểm đến mang tầm cỡ quốc gia và khu vực. Một trong những cơ sở quan trọng để Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia chính là quy hoạch chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong đó Hàm Tiến - Mũi Né được xác định là một trung tâm du lịch quốc gia để tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, quy hoạch chiến lược phát triển và xúc tiến quảng bá thương hiệu.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) cũng đã nêu rõ: “Phát huy các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh các biện pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, triển khai thực hiện tốt Đề án trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia; xây dựng và giữ vững thương hiệu quốc gia Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né”. Cùng với việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, Bình Thuận còn phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch của địa phương, hình thành các tour, tuyến tham quan du lịch giữa các vùng miền để phát huy các tiềm năng, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn mang tính chuyên biệt. Tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các tỉnh bạn cũng như nước ngoài, để khai thác và phát huy lợi thế về du lịch. Lợi thế nữa của Bình Thuận là đã trở thành khu du lịch trọng điểm của quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao, du lịch tín ngưỡng, du lịch MICE... thu hút ngày càng mạnh đối tượng du khách trong nước có thu nhập cao và khách quốc tế. Du lịch phát triển đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. GRDP du lịch tăng hàng năm là 5,5%/năm, giúp giải quyết nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển.

Để phát triển du lịch bền vững, bên cạnh những giải pháp về phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn thân thiện, việc hợp tác, liên kết du lịch là một trong những giải pháp quan trọng được Bình Thuận quan tâm. Với ý nghĩa góp phần xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam trên bình diện toàn cầu. Trong triển lãm quốc tế du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 (ITE 5), Ban tổ chức ITE 5 đã thống nhất chọn Bình Thuận làm “điểm nhấn” của du lịch Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm, từng bước hướng tới một thương hiệu du lịch Bình Thuận đặc trưng, kết hợp các hoạt động quảng bá có trọng điểm. Các khu du lịch tập trung đầu tư theo hướng lợi thế có bờ biển đẹp và gắn với môi trường sinh thái. Tạo ra một nơi lý tưởng nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển và rừng kết hợp, các loại hình du lịch thể thao trên biển, du lịch văn hóa lịch sử, các làng nghề đặc trưng…

Phải nhìn nhận rằng, du lịch của Bình Thuận ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo đó ngành du lịch của Bình Thuận trong những năm qua đã có những hoạt động với mức tăng trưởng cao về số lượng du khách, thời gian lưu trú, doanh thu, giá trị tăng thêm và thu nộp ngân sách. Cơ sở kinh doanh du lịch ngày càng hoàn thiện hơn, số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, số lượng buồng phòng khách sạn, cơ sở lưu trú cũng như chất lượng phục vụ tiếp tục được nâng lên.Lượt khách đến du lịch ngày càng nhiều cho thấy ngành du lịch của tỉnh đang trên đà phát triển, năng lực hoạt động tăng nhanh.

Để tiếp tục khẳng định thế mạnh, vai trò, vị trí của ngành du lịch Bình Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương qua 23 năm hội nhập và phát triển (24/10/1995 - 24/10/2018), đồng thời nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm của địa phương, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp du lịch và nhân dân trong công tác bảo đảm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội để phát triển du lịch Bình Thuận bền vững rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Theo đó, để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 23 năm Ngày du lịch Bình Thuận, UBND tỉnh đã thống nhất một số hoạt động như tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian, tổ chức tập huấn và phát động học sinh, sinh viên làm tình nguyện viên hỗ trợ khách du lịch,không gian ẩm thực, đặc sản Bình Thuận. Tổ chức giải golf mở rộng, phát động ra quân làm sạch môi trường, hội thảo về quản lý điểm đến du lịch Bình Thuận, lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân du lịch tiêu biểu năm 2018 và giải bóng đá thiếu niên và nhi đồng tỉnh Bình Thuận Cúp BTV năm 2018. Đây là những hoạt động thiết thực để tạo ra hiệu quả và sức lan tỏa trong công tác giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận. Huy động sự hưởng ứng tham gia tích cực của các địa phương, cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trong và ngoài tỉnh cùng nhân dân địa phương.

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để du lịch Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch quốc gia