Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Đào tạo nghề theo nhu cầu, nguyện vọng người học

08/10/2018, 08:22

BT- Từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc chủ động ký kết hợp đồng đào tạo nghề trực tiếp với các xã, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (gọi tắt là trung tâm) huyện Hàm Thuận Bắc đã nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu và đúng địa chỉ, đúng nguyện vọng người học.

                
Học viên thực hành lớp dinh dưỡng và kỹ    thuật nấu ăn.

Ông Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc trung tâm cho biết: Để công tác đào tạo nghề được triển khai chặt chẽ, đúng địa chỉ và theo nhu cầu của người lao động, ngay từ đầu năm, trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn, các hội đoàn thể và các thôn, khu phố tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, tuyển sinh. Bằng nhiều biện pháp tích cực, đến nay, trung tâm phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức khai giảng 18 lớp với 443 học viên, đạt tỷ lệ 96,3% kế hoạch năm. Trong đó, đã đăng ký với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện 16 lớp, còn 2 lớp đang hoàn tất hồ sơ để khai giảng. Cụ thể, trung tâm tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH may Thuận Tiến mở 4 lớp may công nghiệp; 7 lớp dinh dưỡng và kỹ thuật nấu ăn tại các xã La Dạ, Đông Giang, Đông Tiến, Thuận Hòa, Hàm Chính và Hồng Sơn; 2 lớp trồng rau an toàn tại xã Hàm Đức và thị trấn Ma Lâm; 2 lớp trồng và chăm sóc cây cà phê, cây ăn quả tại xã Đa Mi; 2 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm tại xã Thuận Minh và Hàm Phú với 54 học viên… Ước thực hiện đến hết năm 2018, trung tâm khai giảng 20 lớp với 479 học viên, đạt 104,13% kế hoạch năm.

Trong năm qua, việc tổ chức dạy nghề lưu động tại các xã, thị trấn bằng phương pháp cầm tay chỉ việc, ưu tiên nhiều cho các buổi thực hành đã phát huy hiệu quả cao. Sau khi hoàn thành khóa học, người lao động có cơ hội tìm được việc làm và làm tốt nghề được đào tạo. Thống kê của trung tâm cho thấy, năm nay lớp học về may công nghiệp, dinh dưỡng và kỹ thuật chế biến món ăn tiếp tục thu hút học viên theo học nhiều nhất. Bởi sau đào tạo, đa số học viên đều có việc làm, các nghề còn lại tự tạo việc tại cơ sở sản xuất của gia đình. Vì là huyện thuần nông, nên ngành nghề mà học viên chọn phần lớn gần gũi với công việc hàng ngày trong gia đình như trồng trọt, chăn nuôi... Riêng đối với những ngành như điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp… rất khó tuyển sinh. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, trung tâm chỉ tuyển sinh được 1 lớp với 16 học viên học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Hàm Liêm.

Theo ông Ánh, thời gian tới, để tạo thêm sự sinh động và gây hứng thú cho người học, nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bên cạnh việc tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trung tâm sẽ tiếp tục bổ sung sửa đổi, hoàn chỉnh chương trình, giáo trình giảng dạy phù hợp với thực tế. Đồng thời, xây dựng đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành. Tăng cường phối hợp với các hội đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn, thôn, khu phố đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên, hội viên và lao động. Thực hiện có chọn lọc việc ký kết hợp đồng giáo viên thỉnh giảng cho từng nghề, đồng thời quản lý chặt chẽ việc dạy của từng giáo viên. Song song, áp dụng những phương tiện dạy học hiện đại đi đôi với cải tiến phương pháp kỹ năng đào tạo nghề theo hướng tích hợp và tăng cường kỹ năng thực hành vào công tác giảng dạy. Tiếp tục ký kết hợp đồng đào tạo nghề với các doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề thực tế tại huyện, nhất là các xã điểm xây dựng nông thôn mới, chuẩn bị chỉ tiêu đào tạo nghề năm 2019.

T.HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Đào tạo nghề theo nhu cầu, nguyện vọng người học