Theo dõi trên

“Cho câu kinh bước tới”

05/10/2018, 14:02 - Lượt đọc: 156

BT- Tôi biết Lê Thanh Phong với tư cách là võ sư Karatedo, một cây viết chính luận sắc sảo của Báo Lao Động với các bút danh: Lê Chân Nhân, Chân Tâm, Chân Ngôn… Những tác phẩm anh xuất bản trước đây mang tính báo chí nhưng mới đây, anh gửi tặng tôi tập bút ký “Cho câu kinh bước qua”, tôi nghĩ anh là nhà văn.

Đọc sách anh dày mấy trăm trang, tôi không cần quan tâm sách dày bao nhiêu, nhưng tôi thích lối viết nhẹ nhàng, ẩn sâu trong từng câu chữ là sự chiêm nghiệm mà làm độc giả như tôi bất ngờ, cần phải học hỏi. Trong tập bút ký này, anh thường tự nhận mình là ám muội trong cõi nhân gian, nhưng đọc kỹ tôi thấy anh không ám muội bao giờ. Nếu ám muội sao khi anh tham quan đền chùa Kyaikhtiyo của Myanmar nằm trên ngọn núi cao hơn 1.100 m so với mặt nước biển, ở đó có “Tảng đá thiêng” (Golden Rock) nằm chênh vênh bên mép núi, cao hơn bờ đất chỉ 75 cm mà hàng ngàn năm không rơi xuống vực. Tảng đá này chỉ đàn ông mới được chạm vào, họ dát vàng cho đá, hôn vào hòn đá với niềm tin được giàu có, thịnh vượng nhưng phụ nữ thì không được đến gần. Chính ở đó, anh thốt lên: “Trái tim u tối của tôi chưa được khai sáng để hiểu vì sao niềm tin vào chánh quả lại phân biệt đàn ông hay đàn bà. Bởi vì “Phật tính bình đẳng trong chúng sinh, không phân biệt nam nữ, quý tiện… Sự phân biệt cho đàn bà đến “Tảng đá thiêng” trên chùa Kyaikhtiyo  còn khó trả lời hơn vạn câu hỏi vì sao hòn đá to lớn mà không rơi xuống vực.”

Cũng trong bài viết “Tảng đá thiêng”, anh đứng trên núi Linh Thứu – Ấn Độ, chợt nhớ câu câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” (Giơ hoa mỉm cười) mà ngày xưa đấng Thế tôn giảng bằng vô ngôn, đại chúng không hiểu gì cả, chỉ có ngài Ca Diếp mỉm cười, một nụ cười an lạc. Và, tác giả làm ta bất ngờ khi đặt vấn đề: “Tại sao vấn đề vốn dĩ đơn sơ, giản dị nhưng bị con người phủ lên quá nhiều phù phiếm và rồi tự  mình đắm đuối với những phù phiếm ấy? Đạo có phức tạp đến mức con người ta phải hao tốn nhiều tâm trí và sức lực của cải như vậy không? Hay bởi con người đem đạo quá nhiều vào đời vậy không?”. Một câu hỏi rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Phải am hiểu Phật pháp lắm mới đặt câu hỏi đầy tính minh triết như vậy!

Còn “Qua miền suy tưởng”, anh nói về chuyến hành hương qua vùng Phật tích, vùng đất Nepan thăm vườn Lâm Tì Ni, mọi người xúm nhau mua lá bồ đề khô nơi Đức Thích Ca Mâu Ni thành chánh quả để cầu an lạc. Tôi thích câu nói rất thật của anh khi qua sông Hằng, mọi người trong đoàn rủ nhau mua cá phóng sinh: “Cách tốt nhất là đừng bao giờ phóng sinh”. Bởi lẽ, cá phóng sinh do người dân bắt cá từ sông Hằng. Vậy đừng phóng sinh để ai đừng bắt cá. Một ý tưởng rất hay! Hay hơn nữa, khi thuyền qua sông Hằng nhiều trẻ em nghèo rách rưới, xin từng đồng xu mà chẳng có mấy du khách hành hương bố thí. Nên anh viết: “…du khách sẵn lòng bỏ nhiều tiền để mua cá phóng sinh nhưng không sẵn lòng cho những trẻ ăn xin vài đồng bạc. Nhiều người còn chạy thật nhanh lên xe để trốn chạy những bàn tay bé nhỏ xia ra trước  mặt”.

Trong bút ký, “Ba đại sư”, anh dẫn dắt câu chuyện một cách rất có duyên về cao tăng chùa Trà Am (Huế) tinh thông võ nghệ về cuối đời bại liệt. Điều mà anh học được ở ông là: “Tôi không được học ôn một đường côn, câu kệ nhưng ôn dạy cho tôi bài học lớn. Chức vị, quyền thế hay tên tuổi chỉ là hư danh, cuối cùng chỉ là một thân xác điêu tàn để chấm dứt một kiếp người hữu hạn”. Một đại sư khác của Tịnh viên Bát nhã ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Vị đại sư này học không qua lớp 7, chưa học chữ Hán bao giờ nhưng rất tinh thông là thầy của các dịch giả dịch  bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Thầy nào không hiểu nghĩa của sách cứ viết lên bảng bằng âm Hán Việt, thầy giải nghĩa câu kinh rồi cứ thế mà dịch. Vậy nên, anh viết: “Tôi không có sự đỉnh ngộ để tiếp thu phật pháp cao siêu, nhưng tôi học được ở thầy Thông Huyền một bí quyết rằng, bằng sự suy nghĩ thấu đáo, cái trí sáng suốt, cái tâm không cố chấp thì sẽ hiểu được bản chất sự vật, hiện tượng. Nếu có nhiều bằng cấp mà cái tâm mê muội, cái đầu chai lỳ, bảo thủ và kiêu ngạo thì chữ nghĩa lý thuyết đều vô ích, không giúp con người nhận ra sự thật. Trên đời nhiều chuyện hư hư thực thực khó lường.” Vị đại sư thứ ba là người Hàn Quốc khi anh có dịp tu nghiệp báo chí tại Seoul cùng bạn bè quốc tế. Khi đoàn báo chí đến chùa, ai cũng thích thú cảnh quang ngôi chùa đẹp như tranh vẽ và muốn tìm hiểu lịch sử ngôi chùa, cứ huyên thuyên đủ mọi ngôn ngữ. Gặp đại sư hỏi gì ông cũng không nói. Nhiều người trong số họ, bảo rằng ông không biết tiếng Anh, nhưng khi tác giả nhìn vào phía trên cửa điện ghi hai chữ “Vô ngôn” bằng chữ Hán, tự ngộ ra: “…nhà sư đã dạy cho chúng tôi bài học về sự im lặng nơi cần im lặng. Cao hơn nữa là sự im lặng để chiêm nghiệm, với chân lý không cần lắm lời. Con người còn nói nhiều quá, rao giảng nhiều quá nhưng thường thì rỗng và giả. Biết im lặng thật khó mang lại sự sống cho tâm hồn thật không dễ.” Ngoài ra, trong “Cho câu kinh bước tới”, Lê Thanh Phong cho thấy một  khả năng viết bút ký cùng với những trang văn mà khi đọc tới, bạn đọc cảm thấy như mọi vật đang ở trước mắt mình. Tâm thức núi là tác phẩm như vậy. Anh có những trang văn đầy chi tiết, giàu hình ảnh: “Sáng sáng thầy tôi thường dậy sớm, chỉnh tề trong bộ kimono trắng tinh tươm được điềm ngang bằng chiếc đai đen bạc phếch và sớn đi vì năm tháng. Thầy đứng trên tảng đá cao nhất của đỉnh thác, trông về phía cánh rừng Vĩnh Viễn, dáng thanh thoát như một samurai đã từ lâu thanh tẩy được nỗi sợ hãi trong lòng mình (trang 71)…

…Có thể nói... những bài học tác giả Lê Thanh Phong rút ra là cũng là bài học khi tôi đọc tập bút ký, tản văn “Cho câu kinh bước tới” gồm các chương: Đất Phật, Không thủ đạo, Trịnh Công Sơn, Bạn bè, Đó đây… do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành mà anh gửi tặng. Tôi thích lời nhận xét của nhà văn Vĩnh Quyền để giới thiệu tập sách thứ 5 của nhà báo Lê Thanh Phong: “Thực ra Phong trí không thấp, tâm cũng không u ám đến vậy. Biết hết, thậm chí “Trí vô sư”, nhưng hắn là kẻ có thiên hướng “bồ tát hạnh”. Làm sao khinh chữ nghĩa được khi chữ nghĩa đồng hành với nhuận bút để nuôi cái xác phàm nhiều đòi hỏi của hắn và những hê lụy trời hành do chính xác phàm hắn tạo nghiệp? Làm sao im lặng được khi đời cần lên tiếng nói, thậm chí là tiếng thét cảnh tỉnh?”.

NGUYỄN HỮU CÁN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cho câu kinh bước tới”