Theo dõi trên

Kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC (4/10/1961 – 4/10/2018): Làm gì để thoát nạn khi xảy ra cháy?

04/10/2018, 09:13

BT- Cháy, nổ khi xảy ra đều để lại hậu quả nặng nề, có vụ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để ngăn ngừa cháy nổ, làm gì để thoát nạn khi xảy ra cháy? Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn Đại tá Lê Huy Bình – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh.

                
   Đại tá Lê Huy Bình.

Đại tá đánh giá như thế nào về việc tự phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong nhân dân hiện nay?

Đại tá Lê Huy Bình: Phải khẳng định rằng, ý thức tự PCCC trong nhân dân ngày càng được nâng lên và có chuyển biến rõ nét. Nếu trước đây, Bình Thuận từng xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, gây cháy lan làm thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống cùng lúc của rất nhiều hộ dân, thì những năm gần đây, tuy vẫn xảy ra cháy nhà nhưng không nghiêm trọng. Qua thống kê, khoảng 30% số vụ cháy được người dân phát hiện và lực lượng PCCC tại chỗ dập tắt kịp thời.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít hộ gia đình và cá nhân chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, chưa chủ động tham gia các hoạt động về PCCC tại địa bàn dân cư, chưa tự kiểm tra rà soát, thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nhiều hộ chưa nắm được kiến thức cơ bản, kỹ năng PCCC nên khi xảy ra cháy thường lúng túng, dẫn đến cháy lan; một số hộ kết hợp nhà ở với kinh doanh còn chủ quan, vi phạm quy định về PCCC, nhất là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

                
   Lực lượng Cảnh sát PCCC diễn tập chữa cháy    tại nhà cao tầng.

Hiện công tác PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng được triển khai ra sao? Có đáp ứng được yêu cầu thoát nạn và chữa cháy khi xảy ra cháy, nổ, thưa Đại tá?

Đại tá Lê Huy Bình: Thời gian gần đây, công tác PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, chung cư, nhà cao tầng bộ, ngành đặc biệt quan tâm vì đây là những cơ sở tập trung đông người, có nguy cơ cháy nổ cao, khi cháy có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Ở Bình Thuận, Phòng Cảnh sát PCCC đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường công tác PCCC đối với các loại hình cơ sở trên. Ngoài việc ban hành các hướng dẫn, khuyến cáo về PCCC gửi đến từng cơ sở, đơn vị còn triển khai nhiều đợt cao điểm chuyên đề; xây dựng các kế hoạch kiểm tra các chợ, trung tâm thương mại, chung cư, karaoke, khách sạn, vũ trường… Qua đó, hướng dẫn cơ sở thực hiện đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC, yêu cầu khắc phục những thiếu sót, nguy cơ có thể dẫn đến cháy, nổ. Nhìn chung công tác PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng,… cơ bản đáp ứng được yêu cầu, một số cơ sở đã trang bị hệ thống phương tiện PCCC hiện đại.

Trường hợp xảy ra cháy, nổ, nhất là những nơi đông người thì người dân, doanh nghiệp cần làm gì để thoát nạn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại ?

Đại tá Lê Huy Bình: Khi xảy ra cháy, nổ nhất là ở những nơi đông người thường dễ dẫn đến tâm lý hoảng loạn, đám đông chen lấn, xô đẩy, mất phương hướng thoát nạn, do đó thiệt hại không thể lường trước được. Vì vậy, khi đối mặt với tình huống trên trước tiên người dân cần bình tĩnh tìm cách dập lửa bằng các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Nếu đám cháy do điện cần phải ngắt được nguồn điện, đồng thời cần hô hoán báo động cho mọi người chữa cháy, thoát nạn theo chỉ dẫn; gọi số điện thoại 114 để báo cháy cho lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH.

Đối với doanh nghiệp cần tổ chức công tác thoát nạn và chữa cháy kịp thời; thông báo qua loa phát thanh để trấn an tinh thần mọi người, mặt khác tập trung lực lượng hướng dẫn thoát nạn, cứu người bị nạn, không để xảy ra chen lấn, xô đẩy dẫn đến mắc kẹt. Sử dụng lực lượng, hệ thống chữa cháy tại chỗ để dập lửa và hỗ trợ cho công tác thoát nạn trước khi có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát PCCC.

                
   Nỗ lực dập tắt đám cháy trong một vụ cháy    xe container.

Vậy, khó khăn trong công tác PCCC hiện nay là gì? Lực lượng cảnh sát PCCC sẽ làm gì để khắc phục ?

Đại tá Lê Huy Bình: Hiện nay, công tác PCCC đang gặp không ít khó khăn, ngoài những bất cập của một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chưa được tháo gỡ thì trong thực hiện nhiệm vụ PCCC có mặt chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở nhiều nơi hoạt động chưa hiệu quả, phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ… 

Để khắc phục những khó khăn trên, bên cạnh nỗ lực tham mưu triển khai có hiệu quả các quy định về PCCC và đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tự tổ chức nhiệm vụ PCCC tại cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ PCCC. Tập trung nắm tình hình, rà soát các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao, cơ sở khi cháy có thể gây thiệt hại lớn về người và tài sản... từ đó tập trung kiểm tra, hướng dẫn, yêu cầu chủ cơ sở thực hiện đầy đủ điều kiện an toàn về PCCC theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Xin cảm ơn Đại tá!

LÊ PHÚC (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC (4/10/1961 – 4/10/2018): Làm gì để thoát nạn khi xảy ra cháy?