Theo dõi trên

Cán bộ, đảng viên và mạng xã hội

28/09/2018, 08:09

BT- Trước tình hình kẻ xấu xúi giục người dân tụ tập chặn xe trên quốc lộ 1A, tấn công lực lượng cảnh sát, đốt phá tài sản tại thị trấn Phan Rí Cửa, chiều ngày 14/6/2018 ông Huỳnh Văn Điển - Chủ tịch huyện Tuy Phong đã gửi “tâm thư” trên facebook khẩn thiết kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các cháu thanh thiếu niên, học sinh hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không lặp lại các sự việc đáng tiếc trên một lần nữa.

Ảnh minh họa

Lời kêu gọi của vị Chủ tịch huyện trên Facebook nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng mạng, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Bởi mọi người đều cảm thấy bức xúc trước hành vi không thể chấp nhận được của những kẻ quá khích, đã phá vỡ cuộc sống bình yên và hình ảnh hiền hòa của quê hương.

Sử dụng mạng xã hội để kết nối, tương tác với người dân là cách hiệu quả mà nhiều lãnh đạo trên thế giới đã dùng, nhưng ở Việt Nam còn là chuyện hiếm, nhất là trong các hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Có hay không tâm lý cán bộ “sợ mạng xã hội, sợ facebook” như Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã nói? dẫn tới “đóng hết, không xem, không thấy”, khiến nhiều thông tin chính đáng người dân phản ánh trên mạng xã hội nhưng cán bộ không biết.

Nhiều người tỏ thái độ bàng quan trước các thông tin xấu, độc, bịa đặt, thờ ơ trước các mối đe dọa sự bình yên của xã hội. Phải chăng họ sợ “tai bay vạ gió”, sợ bị “ném đá” hay bị “đánh hội đồng”, nên không dám bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình qua mạng xã hội? Có người còn nói: Chống lại mạng xã hội khác gì “đánh nhau với cối xay gió”! Nhưng nếu cán bộ đảng viên không dám đăng đàn phản bác lại các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, thì ai lãnh trách nhiệm ấy?

Theo Bí thư Đà Nẵng: Cán bộ công chức phải coi mạng xã hội như một công cụ để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng - Nhà nước. Cán bộ công chức nếu comment (bình luận) thì phải có nội dung chính kiến rõ ràng, tránh a dua “tát nước theo mưa”.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng nói (đại ý): Viết bài bút chiến, phản biện lại các quan điểm sai trái thì khó, không phải ai cũng làm được, chứ comment phản bác lại các thông tin xấu, độc, bịa đặt trên mạng internet thì cán bộ đảng viên làm được và nên gương mẫu đi đầu tham gia đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên mạng internet.

Chưa đòi hỏi làm những điều to tát, cuộc đấu tranh trên trận địa tư tưởng, văn hóa hiện nay gói gọn trong những dòng comment (bình luận), status (trạng thái). Nếu dưới những tin, bài, comment không đúng sự thật, mà không có bất kỳ câu trả lời nào đáp lại thì hậu quả ra sao?

Nhiều cán bộ lão thành cách mạng bức xúc: Trước các thông tin xấu độc, bịa đặt về các đồng chí lãnh đạo, hoặc các tin đồn thất thiệt, thì người phát ngôn của các cơ quan, tổ chức có liên quan phải kịp thời có tiếng nói đưa thông tin lên mạng chính thống, không được để “khoảng trống” cho các thế lực thù địch thoải mái tuyên truyền bôi nhọ Đảng -Nhà nước.

Cuộc đấu tranh trên trận địa internet ngày càng cam go, quyết liệt, mức độ, tần suất chống phá của các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước ngày càng gia tăng. Hành động sử dụng mạng xã hội kêu gọi “tổng biểu tình toàn quốc vào dịp Quốc khánh 2/9”, “một cuộc cách mạng Tháng Tám lần thứ hai” để phản đối Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu là một ví dụ. Thậm chí trên mạng xã hội chúng còn hướng dẫn cách làm kẹt xe, chặn cầu, tê liệt thành phố, dùng gạch đá, bom xăng tấn công công sở, đốt phá xe cộ, chống trả lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ... Rất nhiều đối tượng đã phải chịu hình phạt của pháp luật, với cùng một tội danh, đó là đăng tải, phát tán các thông tin chống phá Đảng - Nhà nước trên internet.

Thái độ sợ hãi, lãng tránh, “bưng tai bịt mắt” trước mạng xã hội không phải là lựa chọn đúng. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cần tổ chức lực lượng đấu tranh trực diện với thông tin xấu, độc trên internet và mạng xã hội, trong đó cán bộ đảng viên phải là lực lượng xung kích đi đầu.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cán bộ, đảng viên và mạng xã hội