Theo dõi trên

Lại nói chuyện dạy “văn hóa giao thông”

21/09/2018, 08:47

BT- Trong nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT), nhiều người thường chỉ chú ý đến một số hành vi như: “chạy quá  tốc độ”, “đi không đúng làn đường”, “vượt ẩu”, “thiếu quan sát khi vào giao lộ”,  “dừng xe không đúng quy định”,  “có nồng độ cồn khi lái xe”, “không có giấy phép lái xe”... Và theo đó, người có trách nhiệm sẽ viện dẫn một số điều trong Luật Giao thông đường bộ để xử lý. Theo chúng tôi, việc xử lý  như trên là đúng, cần thiết, nhằm hạn chế TNGT. Tuy nhiên, đi tìm căn nguyên dẫn đến TNGT, chúng ta thấy  trong đó có một phần không nhỏ của việc thiếu, hoặc xem nhẹ văn hóa giao thông.

                
      
Văn hóa giao thông không chỉ ở ý thức tuân    thủ pháp luật mà còn cách ứng xử khi có sự cố. Ảnh minh họa

Ở đây xin hiểu văn hóa giao thông là sự hiểu biết, nền tảng; là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Người có văn hóa giao thông, khi đi lại trên đường, hoặc đưa xe vào bãi đỗ, các nơi công cộng... sẽ đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là đi đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản và trật tự công cộng. Người có văn hóa giao thông sẽ không đề cao “cái tôi” của mình, vì vậy khi đi lại trên đường, họ sẽ  luôn đề cao sự an toàn của mọi người lên trên hết, từ đó tuân thủ nghiêm luật giao thông, không chen lấn, sẵn sàng giúp người khác bị rủi ro, kịp thời báo hiệu cho những người khác cùng tham gia giao thông đề phòng, hoặc tránh các hiểm nguy ở phía trước, các sự cố trên đường...

Để rõ hơn về điều này, chúng tôi mượn hình ảnh của những người lái xe taxi ở Thái Lan. Có lần tôi đón taxi trên con đường đông xe và người đi bộ. Phía sau chiếc taxi tôi đón là một hàng taxi đang chạy đến. Thế nhưng, không một chiếc taxi nào bóp kèn inh ỏi. Tất cả đều chạy chậm lại, thậm chí dừng hẳn, chờ cho tôi lên xe và chiếc taxi tôi đón chạy rồi thì  những chiếc sau mới cùng chạy. Điều đó chỉ xảy ra khi những người lái taxi thật sự có văn hóa giao thông, Nó khác hẳn với không ít lái xe ở ta, chỉ cần phía trước bạn chạy chậm, ở phía sau họ bóp còi inh ỏi, sẵn sàng vượt lên tạt ngang đầu xe của bạn, bất kể là việc làm đó dẫn đến TNGT, hư hỏng phương tiện của người khác.

Bên cạnh đó, cần nói đến một sự việc: là không ít người lái xe ở ta không được đào tạo một cách căn bản (thậm chí giấy phép lái xe thật nhưng học giả). Trình độ học vấn của người lái xe, cũng ít nhiều dẫn đến hành vi lái trên đường. Một người có văn hóa, chắc chắn khi ngồi vào tay lái, người ta sẽ hạn chế việc chạy ẩu, cũng như chấp hành nghiêm các quy định trên đường. Em họ xa của tôi trước đây,  văn hóa lớp 3, nhưng mua bằng tốt nghiệp THCS để học lái xe hạng C. Kết quả, chỉ trong mấy năm chạy xe thuê, em gây ra không ít vụ va quẹt, lẫn TNGT, đến mức không còn ai dám thuê lái. Gần đây, có một hiện tượng là không ít người lái ô tô mở cửa xe bất cẩn, gây TNGT cho người chạy xe máy chạy đúng làn đường.                      

Điều này cần được giải thích ở khía cạnh văn hóa giao thông. Nếu có văn hóa giao thông tốt, văn hóa sẽ điều chỉnh hành vi của người lái xe, buộc người lái phải nhìn kỹ kính chiếu hậu trước khi mở cửa để không gây tai nạn, vả lại điều này đã được viết trong phần lý thuyết lái. Tóm lại, để giảm thiểu TNGT, văn hóa lái xe cần được đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, các trường  dạy lái xe nên dạy kỹ học phần: “Văn hóa giao thông”.

   Ng. Thành Thật



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lại nói chuyện dạy “văn hóa giao thông”