Theo dõi trên

Khi dân với Đảng một chữ “đồng”

17/09/2018, 09:56 - Lượt đọc: 87

Phác thảo Phan Hòa

BT- Năm nay, tôi đi Phan Hòa (Bắc Bình) không ít lần. Lần nào cũng ở lại vài ngày vì tìm thấy bao điều mới mẻ ở đây. Một Phan Hòa đang đổi thay, đang tự bộc lộ mình với những gì ít nơi khác có. Này nhé, đồng ruộng bạt ngàn xanh, kéo dài vào tận chân của một nhánh Trường Sơn Nam và đâu đâu trên cánh đồng đó, nước hồ Đại Ninh, hồ Cà Giây vẫn miệt mài chảy để đến tháng, đến ngày, cái màu xanh bạt ngàn non tơ kia sẽ biến thành  màu vàng của no đủ, ấm áp. Này nhé, trên 20 km đường trục trong xã, liên xã đến nay đều đã tráng nhựa hoặc đổ bê tông, cùng rất nhiều hàng quán mọc lên ven đường, ồn ào, tấp nập như một phố thị thu nhỏ. Phan Hòa còn có những ngôi trường lầu khang trang, những ngôi trường dành cho trẻ mẫu giáo, cho học sinh cấp 2, tất cả như sáng lên trong màu nắng đang thu, cũng như in cái màu tường hơi vàng pha trắng xuống mặt hồ sen gần đó, càng làm cho bức tranh quê Phan Hòa trở nên tươi sáng và lộng lẫy. Nó khác với một Phan Hòa thời bao cấp, thời những con đường quạnh quẽ, đầy bụi; những căn  nhà rêu phong, loang lỗ mọc hai bên đường; những cánh đồng khô cằn, liêu xiêu, bạc thếch những cỏ… Một Phan Hòa luôn không sản xuất hết diện tích vì thiếu nước, còn người dân thì luôn vất vả với cái ăn, cái mặc…

                
      
Tái cơ cấu giống cây trồng gắn với đa canh    và luân canh, người dân xã Phan Hòa tận dụng lòng hồ trồng sen giống    mới để tăng thu nhập. Ảnh: L.T

Từng bước thay da đổi thịt

Anh Bá Minh Khánh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, nói: Trong  huyện Bắc Bình, Phan Hòa là xã thuần Chăm, thuần một tôn giáo (Hồi giáo Bà Ni). Toàn xã có 2.296 hộ, trên 11.000 dân, với 7.528 ha đất tự nhiên. Trong đó, gồm 3.500 ha đất rừng, 1.915 ha đất lúa, còn lại là đất trồng cây hàng năm, lâu năm. Xã có 3 thôn, với 4 cụm dân cư. Năm 2017, sau mấy năm tập trung xây dựng, Phan Hòa được công nhận là xã Nông thôn mới, với một số thành tựu: Tổng diện tích gieo trồng những năm gần đây đều vượt kế hoạch. Gần nhất, năm 2017, đạt 6.197/4.693 ha kế hoạch. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ - thương mại chiếm 22% so mức tăng GDP thay vì thuần nông như trước đây. Chẳng hạn, riêng mảng dịch vụ nông nghiệp, toàn xã có  8 cơ sở chữa máy nông nghiệp, có 40 máy cày loại lớn, 387 máy xới, 15 máy gặt đập liên hòan, đáp ứng  80% khối lượng công việc của nghề nông toàn xã. Chưa kể, đội máy cày của xã, còn ra tận các xã ngoại thành Hà Nội cày thuê khi mà việc cày xới ở Phan Hòa kết thúc. Mỗi chuyến đi trong vài tháng như vậy, chủ máy cày thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Đây cũng là nơi mà một phần nông sản của xã được 15 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp và dịch vụ, cùng không ít hộ kinh doanh nhỏ khác,  thu mua ngay khi nó vừa ra khỏi nơi sản xuất. Các lĩnh vực văn hóa - y tế - dân số đều có sự tiến bộ. Tình trạng trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 10,71% theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo tốt hơn về vật chất, tinh thần…  “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, nhưng trước hết cần phải nói: Đảng bộ, cụ thể là Đảng ủy Phan Hòa đã vì cuộc sống của dân mà phấn đấu. Còn phấn đấu như thế nào, anh hãy tìm hiểu ở dân, ở các đảng viên. Đảng ủy sẽ cung cấp thêm, khi mà nhà báo cần sự hệ thống” - anh Bá Minh Khánh, nói với giọng chắc nịch.

Nghị quyết Đảng và  lòng dân

Những ngày sau đó, tôi được biết: Toàn Đảng bộ Phan Hòa tính đến tháng 6/2018 có 128 đảng viên, với 8 chi bộ trực thuộc.  Trong một thời gian ngắn đã kết nạp 19 đảng viên, chiếm 50% số quần chúng ưu tú đã qua học tập tìm hiểu về Đảng. Từ năm 2015, Đảng ủy Phan Hòa  tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 -2020. Trong đó có việc tập trung, dồn mọi nỗ lực, phát huy tiềm năng đất đai, lao động, điều kiện thuận lợi để xây dựng Phan Hòa trở thành một xã khá về kinh tế, đời sống nhân dân no đủ, an ninh trật tự bảo đảm, không có tệ nạn xã hội… Để làm được điều này có một số nhiệm vụ, trong đó có 3 nhiệm vụ về kinh tế khá quan trọng. Đó là, xây dựng xã nông thôn mới; tái cơ cấu giống cây trồng, thực hiện luân canh, đa canh thay vì độc canh cây lúa; phát huy thế mạnh của người Chăm là rất giỏi trong thương mại, khuyến khích và chuyển một phần nhân lực, lao động sang làm dịch vụ, trước mắt là dịch vụ nông nghiệp - thương mại, trong đó chú ý đến thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa do người dân làm ra…

Phan Hòa cũng xác định: Muốn các chương trình, kế hoạch thành công thì lòng dân là quyết định. Chẳng có ai thay dân  được vì dân là cội nguồn của sức mạnh. Muốn vậy dân phải tin Đảng. Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh.

Một khi dân tin Đảng, lực nội sinh của Phan Hòa lại càng mạnh mẽ để biến tiềm năng về đất đai, lao động thành những cơ hội phát triển. Với suy nghĩ đó, các chương trình dân sinh, phát triển kinh tế địa phương sau đó đều được Đảng ủy, UBND xã  phổ biến cho dân biết. Và, cũng để lắng nghe ý kiến của dân tốt hơn, cấp ủy Đảng tập trung kiện toàn các tổ chức (đội ngũ cán bộ, đảng viên) làm công tác dân vận. Từng đảng viên  được quán triệt về công tác dân vận, về chăm lo lợi ích của dân. Cấp ủy Đảng cũng hết sức coi trọng tiếng nói của người cao tuổi, già làng. Già làng Thọ Nhất Định và Sư cả Văn Lượng Độ (Tổng sư cả tỉnh Bình Thuận) được mời tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Vì vậy, gần như các chương trình, kế hoạch phát triển, xây dựng địa phương, già làng và Sư cả đều được tham khảo ý kiến.  Một khi đã thống nhất, già làng và Sư cả, với trách nhiệm của mình tiếp tục vận động, giải thích cho dân, cho tín đồ rõ  những chương trình, kế hoạch xây dựng xã vững mạnh của Đảng. Chẳng hạn, để mở rộng diện tích sản xuất, sư cả và già làng, thường xuyên trao đổi, nói với dân, với tín đồ về sự cần thiết của việc nối dài hệ thống kênh mương nội đồng... Kết quả là, hàng trăm mét kênh mương nhỏ  được người dân đào, đắp, kiên cố hóa, đưa nước về tận những chân ruộng xa, sát chân núi mà nhiều năm trước thường bỏ hoang hóa. Nhờ vậy nâng diện tích đất nông nghiệp chủ động nước trong toàn xã lên 4.281 ha, đạt 100% kế hoạch của đầu nhiệm kỳ. Sư cả và già làng cũng nói về lợi ích của đa canh, với các giống cây ngắn ngày, kết quả là nhiều người trong làng tận dụng những khu đất trũng, hồ ao trồng sen, hoặc trồng chuối, trồng táo ở những nơi có thể trồng…   nên “rổ hàng hóa” của xã từ mấy năm nay không còn chỉ mỗi hạt thóc! Từ  độc canh cây lúa, Phan Hòa đã đi đúng ý định của cấp ủy Đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế địa phương, trở thành nơi đa canh các loại cây ngắn, dài ngày. Đơn cử, như anh Nguyện Lai, với 2 ha ruộng không chủ động nước, đã chuyển sang trồng chuối, hiện nay mỗi tháng thu nhập ròng 15 triệu đồng, trở thành một trong những điển hình về làm ăn giỏi của xã.

Làm trong sạch Đảng để dân tin

Không dừng lại đó, cấp ủy Đảng xã Phan Hòa hết sức chú ý đến công tác chính trị tư tưởng, bằng việc thường xuyên chú trọng tổ chức học tập các Nghị quyết Trung ương 4,5,6,7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống… Đặc biệt coi trọng việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cấp ủy Đảng cũng thực hiện nghiêm túc các đợt kiểm điểm, tự phê bình, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong xây dựng Đảng, hết sức coi trọng phát triển đảng viên, củng cố thật tốt 8 chi bộ, phát huy tính tiền phong gương mẫu, vai trò đầu tàu của đảng viên và không quên đẩy mạnh chống tham nhũng, cũng như thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Trong  gần 3 năm, cấp ủy đã chỉ đạo kiểm điểm 10 đảng viên về công tác quản lý đất đai, 3 đảng  viên  kiểm điểm về vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình… Hầu hết đảng viên  bị kiểm điểm sau đó đều nỗ lực phấn đấu, được công nhận hoàn thành hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đó càng làm cho lòng dân Phan Hòa càng tin vào Đảng và niềm tin này ngày một trở  nên bền chặt hơn bao giờ hết!

Người nghèo không quá lo

Anh Bá Minh Khánh cho hay: Những gì mà cấp ủy Đảng triển khai, cùng với dân thực hiện trong vòng mấy năm qua, đã làm địa phương thay da đổi thịt mà việc được công nhận xã nông thôn mới là ví dụ. Thứ hai, không thể không nói: Ở Phan Hòa hôm nay, dân và Đảng cùng một chữ “đồng!”. Đó là đồng tâm, đồng chí, đồng lòng… Người dân không còn đắn đo, hoài nghi  bất cứ việc gì mà cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra. Chẳng hạn, 5 năm trước đây, không nhiều, nhưng có một số cháu vướng vào tệ nạn xã hội. Nhưng từ ngày cấp ủy và chính quyền quyết tâm ngăn chặn tệ nạn, có thể nói: Hôm nay Phan Hòa không có tệ nạn xã hội. Người dân tập trung làm ăn, nuôi dạy con cái và nhiều cháu đã là sinh viên của nhiều trường đại học có tiếng trong TP. Hồ Chí Minh. Một số thanh niên Phan Hòa đi làm ăn xa nhưng thường xuyên hướng về quê hương thông qua gởi tiền cho người nhà mua BHYT, vì vậy toàn xã có 7.744  người có BHYT, đạt tỉ lệ 85,90% theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Người già, người nghèo ở Phan Hòa, vì vậy không quá lo lắng khi ốm đau bệnh tật, bởi ngoài sự chăm lo của chính quyền còn có BHYT. Phan Hòa cũng  thực hiện tốt về bảo đảm an ninh - trật tự trong tình hình mới, khi mà đây đó một số ít phần tử luôn lén lút gây mất tình đoàn kết của các dân tộc trong một đất nước. Rõ nhất, ngày 11/6/2018 khi xảy ra bạo động ở Phan Rí Cửa, người Phan Hòa luôn xác định rõ: không tham gia biểu tình, gây rối; cũng như luôn hướng về Đảng. Đã có chị phụ nữ  phản ánh với chính quyền về sự rủ rê, lôi kéo của một vài  phần tử xấu với chị và dĩ nhiên chính quyền đã nhanh chóng đối phó. Trong ngày 11/6, Phan Hòa  thành lập tổ tuyên truyền,vận động đặc biệt để chống bạo động; hỗ trợ các phương tiện vận tải bị kẹt  trên quốc lộ IA, khi quốc lộ bị chặn. Đảng ủy Phan Hòa thành lập 3 tổ tuyên truyền ở 3 thôn: Bình Thắng, Bình Minh và Bình Hòa. Kết quả, 3 tổ đã hướng dẫn hàng ngàn lượt xe theo đường vòng đi vào chân núi rồi từ đó ra quốc lộ IA ở một đoạn khác; giúp cho việc đi lại của mọi phương tiện không ách tắt, qua đó bảo đảm sự yên bình của một xã nông thôn mới.

Những ý nghĩa từ câu chuyện Phan Hòa

Câu chuyện giữa tôi và anh Bá Minh Khánh cứ thế kéo dài sang nhiều chuyện khác. Trong đó có việc cho đến hết nhiệm kỳ của cấp ủy hiện tại, cố gắng ổn định quy hoạch 1.150 ha chuyên canh lúa, gắn với công nghệ cao;  giảm hộ nghèo  xuống dưới 1%... 

Càng nghe càng thấy một Phan Hòa đổi thay và nữa, nó chứng minh cho một điều: Dân là nước, một khi dân thuận thì mọi chuyện dù khó cũng trở nên dễ dàng; thứ hai, cho thấy: trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Chăm nói chung, Phan Hòa nói riêng đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh; thứ ba, cho thấy tập thể đảng viên của Đảng bộ Phan Hòa khá nhạy bén với tình hình chung và cũng giàu sức sáng tạo trong xây dựng và phát triển; thứ tư, bất kỳ địa phương nào, nếu huy động được sức mạnh tổng hợp sẽ tạo được sức mạnh nội sinh và đó chính là một trong nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công. 

    
    Cấp ủy   Đảng cũng thực hiện nghiêm túc các đợt kiểm điểm, tự phê bình, xây dựng   Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình   mới...

Ký: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi dân với Đảng một chữ “đồng”