Theo dõi trên

Phương pháp luận chửi

16/09/2018, 11:34

BTO - Từ khi mạng xã hội phát triển, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến, chính kiến hoặc tranh luận lẫn nhau . Một không khí dân chủ hình thành, quyền tự do ngôn luận nhờ đó mà được mở rộng.

Mỗi vấn đề của xã hội đều hình thành hai phe hoặc nhiều hơn, có khi tranh cãi kịch liệt, bất phân thắng bại.

Có thể khẳng định: không phải vấn đề nào được số đông ủng hộ thì nó trở nên đúng. Chân lý là: cái gì đúng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, nếu nó bị dư luận số đông đàn áp làm nó mai một đi, thì trong tương lai nó sẽ đội mồ sống dậy! Còn cái gì sai, tự nó sẽ bị đào thải.

Ai cũng có quyền nêu chính kiến, nhưng không ai được độc quyền chân lý, vì chân lý là khách quan. Suy ra tranh luận chỉ có ý nghĩa làm rõ thêm vấn đề đang tranh luận là đúng hay sai chứ không quyết định làm cho vấn đề trở nên đúng hoặc sai.

Tranh luận quý ở chỗ dùng lý luận, căn cứ khoa học hoặc lý lẽ để nêu bật vấn đề mình ủng hộ chứ không phải dùng lời lẽ mạt sát, chửi bới phe phản biện mình mà không đưa ra được dẫn cứ, lý do, quan điểm vv. 

Quan sát các cuộc tranh luận lớn trên FB về các đề tài đặc khu, nhân quyền, dân chủ; giáo dục (công trình nghiên cứu của ông Bùi Hiền và Hồ Ngọc Đại; vấn đề thay đổi sách giao khoán hàng năm...) thấy có nhiều người chỉ dùng phương pháp luận chửi với những lời lẽ tục tĩu, câu cú rối rắm. bàn về vấn đề giáo dục, học vần, chính tả mà viết sai sai chính tả quá nhiều.

Đặc biệt là gán một sự kiện nào đó theo quan điểm của mình để làm vũ khí lý luận: ví dụ có bài giật tít: TP. HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận “cấm tiệt” dạy theo công nghệ giáo dục; trong khi thực chất các nơi đó không có sở giáo dục nào dùng từ “cấm tiệt”. Hoặc có còm sĩ viết: “ông Đại chửi cộng đồng mạng ngu”. Biểu dẫn link chỗ nào ông Đại dùng từ “ngu” thì không dẫn ra được. Ông Đại chỉ nói “vì họ không hiểu, không biết” chứ tư cách kẻ sĩ của “ông đồ xứ Nghệ” này rất thẳng thắn và lão luyện khi nói chuyện và khuôn mặt luôn biểu cảm nét cười khi nói chứ không có vẻ gì tức tối và miệng ông không thể phát ra từ “ngu” được!

Có người gán: Chủ tịch Quốc hội nói: thực nghiệm gì mà kéo dài tới 40 năm rồi gán: nghĩa là bà Ngân không ủng hộ CNGD nên đã lên “tiếng phản đối“. Thực chất nó kéo dài như thế là bị rào cản của luật (chỉ có một bộ sách giáo khoa chính thống cho tất cả các trường trên cả nước - nay đang sữa) nên phải lách luật bằng cách dùng từ “thực nghiệm”. Đó là lỗi của Quốc hội và bộ Giáo dục chứ không phải lỗi của ông Đại. Bà Ngân còn nói: thương các cháu học hành quá tải: Ý này thì bị lờ đi. Thực ra ý này là phê phán chương trình giáo dục đại trà, trẻ con về nhà bù đầu làm bài tập, rồi lớp 1 mà phải đi học thêm, học kèm.

Học theo CNGD, ở trường trẻ con vừa học vừa chơi, không có bài tập về nhà, không có chấm điểm..và trẻ con không muốn nghỉ học ngày nào vì đi học vui quá! Vậy thì để giải phóng quá tải trong việc học cho trẻ con thì phải cho cả hai phương pháp (đại trà và CNGD) tồn tại song song; cho con vào học trường nào là tùy chọn của phụ huynh mới là đúng chứ?

Có nhiều bài viết của tôi bị nhiều người vô chửi bới tục tằn. Những cái đó tôi không chấp, không trả lời hoặc phản công lại họ.. mà chỉ thấy thương cảm. Tranh luận cũng phải có văn hóa, phương pháp luận chửi phải chăng là một biểu hiện tha hóa về nhân cách?.

Võ Đình Tiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương pháp luận chửi