Theo dõi trên

Hiệu quả kinh tế từ vốn ODA

13/09/2018, 09:24

BT- Lâu nay nguồn vốn ODA đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, phát triển nông thôn. Cơ sở hạ tầng nông thôn đã được cải thiện, thu nhập của người dân ở nhiều vùng được nâng lên...

                
Thanh long trồng theo công nghệ cao. Ảnh:    Đ.H

 Những dự án triệu đô

Tại Bình Thuận triển khai thực hiện 16 chương trình, dự án do tỉnh trực tiếp ký kết với các tổ chức, nhà tài trợ và các hiệp định vay vốn do Trung ương trực tiếp ký kết, cấp phát lại cho tỉnh, tổng giá trị ký kết theo hiệp định là 78,72 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ nước ngoài là 63,64 triệu USD. Điển hình một số dự án như dự án Phát triển đô thị vừa và nhỏ khu vực miền Trung, dự án Phát triển đô thị trong mối liên quan đến biến đổi khí hậu ở Bình Thuận, chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học, giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Nhìn chung, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ đáp ứng được nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn nghèo mà còn có tác dụng nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cấp cơ sở, tạo một bước cơ bản trong việc tiến hành các chương trình lớn về xóa đói giảm nghèo và có tác dụng giáo dục cho người dân ý thức về cộng đồng trách nhiệm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, có 16 dự án đã kết thúc, trong đó có 6 chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế. Việc thực hiện các chương trình, dự án có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường năng lực cho hệ thống y tế; phát hiện sớm, khống chế kịp thời bệnh dịch, tăng khả năng đối phó với những thách thức mới nảy sinh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đòn bẩy cho nông thôn

Những dự án từ nguồn vốn ODA đã góp phần phát triển kinh tế, nhất là kinh tế vùng nông thôn. Đặc biệt là nguồn vốn dành cho các dự án nông nghiệp. Các dự án nông nghiệp mang lại kết quả khả quan, đã có tác động rõ nét đến phát triển sản xuất nông nghiệp của người nông dân vùng triển khai dự án. Người nông dân được ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất cũng như áp dụng các quy trình canh tác thân thiện với môi trường, giúp nông dân trong việc giảm tổn thất, giảm giá thành vận chuyển nông sản để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh của các nông sản chủ lực của vùng dự án. Thêm vào đó, góp phần xây dựng thành công mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp, để tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa tập trung, tăng sức cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Chẳng hạn, dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học - QSEAP, người trồng thanh long được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các lớp tập huấn sản xuất thanh long sạch, biết tận dụng được các chất thải trong chăn nuôi để tạo ra năng lượng sử dụng, hạn chế ô nhiễm môi trường (hầm biogas).

Tuy nhiên, các liên minh hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sau khi hình thành thời gian đầu phát huy hiệu quả nhưng về sau không duy trì được do năng lực quản trị của các tổ chức nông dân yếu. Nhìn chung, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không chỉ đáp ứng được nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn nghèo mà còn có tác dụng nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cấp cơ sở, tạo một bước cơ bản trong việc tiến hành các chương trình lớn về xóa đói giảm nghèo và có tác dụng giáo dục cho người dân ý thức về cộng đồng trách nhiệm. Trong quá trình thực hiện dự án không để xảy ra tình trạng tham nhũng, thất thoát, lãng phí.

Bình Thuận đang thực hiện 7 chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) do Trung ương trực tiếp ký kết hiệp định vay vốn, trong đó có 2 chương trình, dự án ODA tỉnh Bình Thuận sử dụng vốn vay lại của ngân sách Trung ương. Đó là chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra” được ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Phát triển quốc tế, với tổng kinh phí thực hiện 8.122.319 USD tương đương 182.343 triệu đồng. Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Bình Thuận với vốn tài trợ Ngân hàng Thế giới (WB), tổng kinh phí thực hiện 14.560.000 USD.

Bình Thuận may mắn khi tiếp cận được với nhiều nhà tài trợ như ADB, WB, JICA có kinh nghiệm trong tổ chức quản lý nên có sổ tay hướng dẫn cụ thể thực hiện dự án, vì vậy các dự án tổ chức đúng tiến độ, không tăng tổng mức đầu tư. Do đó địa phương đang tiếp tục thực hiện giải pháp trong sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương một cách hiệu quả nhất đối với kinh tế nông thôn.

Q.Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả kinh tế từ vốn ODA