Theo dõi trên

Vì sao học sinh ở Lâm Thuận bỏ học hàng loạt ?

13/09/2018, 08:40

BT- Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên tại xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, ngày khai giảng chỉ có 20/126 học sinh tiểu học của phân hiệu Lâm Thuận ra lớp ở điểm chính là Trường tiểu học Hàm Phú.

 Mong muốn sửa chữa trường cũ

Phân hiệu Lâm Thuận là ngôi trường dành cho con em đồng bào Chăm thôn Lâm Thuận học tập gồm 5 lớp với 126 học sinh. Trong đó, lớp 1 có 27 em, lớp 2 có 30 em, lớp 4 có 21 em, lớp 5 có 28 em. Ông Thông Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Trí cho biết: Thực hiện chủ trương UBND huyện, từ năm học 2018 - 2019 này sẽ sáp nhập phân hiệu Lâm Thuận về trường chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và giảng dạy. Đồng thời, giúp các em học sinh đồng bào Chăm trau dồi ngôn ngữ, thắt chặt đoàn kết các đồng bào dân tộc.

Cũng theo ông Hoàng, từ tháng 7/2018 UBND huyện, xã cùng với Ban điều hành thôn tổ chức 3 cuộc họp dân, các chức sắc tôn giáo thông báo cho phụ huynh có con em tại trường được biết. Tuy nhiên, việc sáp nhập phân hiệu Lâm Thuận về điểm trường chính đến nay vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân trong thôn. Vì vậy, trong tuần học đầu tiên chỉ có 53/126 học sinh ra lớp, riêng ngày khai giảng mới đây chỉ có 20 cháu ra lớp. Ông Thông Tiến - Bí thư Chi bộ thôn Lâm Thuận nói: “Trong các cuộc họp, bà con trong thôn bày tỏ ý kiến mong muốn lãnh đạo UBND huyện quan tâm sửa chữa lại trường để con cháu họ được học tập ngay trong thôn thuận tiện cho các cháu tự đi đến trường. Vì đa phần bà con trong thôn đều đi làm nương rẫy, công nhân cho khu công nghiệp không đưa đón được các cháu”. Có con học tại phân học Lâm Thuận, anh Đồng Chơi - người dân thôn Lâm Thuận chia sẻ: “Đa số đồng bào ở đây đều làm công nhân cho Công ty TNHH Right Rich ở Khu Công nghiệp Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Trường đang học gần nhà các cháu tự đi đến trường. Nay dời các cháu ra trường chính ở thôn Phú Sơn cách trường cũ 3 km, đường thì xe máy cày, xe tải chạy liên tục, tôi lo không an toàn cho các cháu”. Còn ông Thông Minh Săn nói: “Tôi có cháu học lớp 3, cháu chuyển sang học ở trường xa hơn phải sắm thêm chiếc xe đạp hết 1,8 triệu đồng, đó là chưa kể tiền sắm sửa quần áo, sách vở, tiền trường. Nếu học gần trường thì sẽ giảm bớt chi phí này cho cha mẹ, bởi cuộc sống của gia đình tôi còn nhiều khó khăn. Thêm nữa không ai đưa đón, trường xa rồi các cháu bỏ học rất nhiều”.

 Phải đảm bảo học sinh ra lớp!

Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho hay: “Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh cũng như thuận tiện sau này tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học. Khác với các trường học cho đồng bào Chăm trên địa bàn huyện, phân hiệu Lâm Thuận số lượng học sinh rất ít, trường lại xuống cấp nên việc sáp nhập là phù hợp”. Ông Bảy thông tin thêm, huyện đang tích cực chỉ đạo xã thành lập các tổ đến từng nhà người dân thôn Lâm Thuận vận động mọi người hiểu, tạo điều kiện con em đến trường.

Ghi nhận của phóng viên tại Phân hiệu tiểu học Lâm Thuận hiện đang xuống cấp, ô nhiễm trầm trọng. Theo nhiều người dân thôn Lâm Thuận, điểm trường này đã có hơn 10 năm nay, mặc dù xuống cấp nhưng hàng năm trường không được tu sửa, các phòng đều bị hư hỏng nặng. Hầu hết cửa chính, cửa sổ kính đã vỡ gần hết trơ ra những khung cửa sắt đã hoen gỉ. Có phòng kính cửa sổ vỡ vụn đổ đống ngay hành lang lớp học rất nguy hiểm. Khuôn viên của trường ẩm thấp, cây cỏ um tùm, đó là chưa kể ngay trước trường một ao nước lớn tù đọng làm nơi chăn thả gia súc, gia cầm. Mùi ẩm thấp, mùi hôi do chăn thả súc vật lâu ngày làm cho ngôi trường thêm phần hoang tàn, nhếch nhác. Chứng kiến cảnh này, ít ai nghĩ rằng đây là nơi học tập của 126 học sinh nhiều năm qua ở xã đạt chuẩn nông thôn mới?! Có lẽ cũng vì nguyên nhân này, để bảo đảm an toàn, vệ sinh cho các cháu cũng như sẽ tổ chức bán trú, nên sáp nhập về điểm trường chính.

Năm học mới đã bắt đầu, khác khối THCS, THPT, khối tiểu học những tuần học đầu rất quan trọng để các cháu đến lớp và bắt đầu ổn định làm quen thầy cô, bài vở sau kỳ nghỉ hè dài. Thiết nghĩ ngành giáo dục, UBND huyện Hàm Thuận Bắc nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chia sẻ khó khăn của người dân để cùng thống nhất lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, khi thực hiện sáp nhập phân hiệu Lâm Thuận về điểm trường chính phải đảm bảo học sinh ra lớp đầy đủ. Về phía người dân, trước mắt nên tạo điều kiện cho các cháu ra lớp để theo kịp chương trình, việc học không bị gián đoạn.

 THANH DUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao học sinh ở Lâm Thuận bỏ học hàng loạt ?