Theo dõi trên

Tuy Phong: Còn nhiều “rào cản” khi đưa đối tượng đi cai nghiện

11/09/2018, 09:28

BT- Trên cơ sở các quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và cơ sở cai nghiện bắt buộc, huyện Tuy Phong đã triển khai đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc…

                
Thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) - địa    phương trọng điểm, phức tạp về ma túy.

Tuy Phong hiện có 531 người nghiện ma túy, 52/65 thôn, khu phố; 9/12 xã, thị trấn trong huyện đã có người nghiện, trong đó tập trung tại thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương và các xã: Chí Công, Hòa Minh, Hòa Phú, Phước Thể, Vĩnh Tân. Thực hiện các kế hoạch đề ra, từ tháng 10/2017 đến nay, chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn huyện Tuy Phong đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 132 đối tượng. Qua giáo dục, có 80 đối tượng tiến bộ. Các cơ quan liên quan của huyện cũng lập hồ sơ, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 33 đối tượng. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc phát hiện, đề xuất lập hồ sơ các đối tượng được thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng, kịp thời, đảm bảo được tính giáo dục, răn đe.

UBND huyện Tuy Phong cho biết, đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, nhất là ở thị trấn Phan Rí Cửa, thị trấn Liên Hương, xã Hòa Phú, xã Chí Công. Công tác phối hợp giữa Công an với các Phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Y tế, Tư pháp, Tòa án huyện khá chặt chẽ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cụng còn nhiều “rào cản”, như nhiều đối tượng không hợp tác, khi biết bị lực lượng công an đưa đến cơ sở y tế xác định tình trạng nghiện ma túy. Việc lưu giữ đối tượng nhiều ngày liên tục để theo dõi xác định tình trạng nghiện cũng gặp không ít khó khăn vì cơ sở vật chất phục vụ việc lưu giữ đối tượng và đội ngũ y, bác sĩ đủ chuyên môn còn thiếu.

Mặt khác, trình tự, thủ tục lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải qua nhiều cơ quan như: Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, TAND cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian, vì thế sẽ không đảm bảo tính xử lý kịp thời. Quy định vi phạm nhiều lần (3 lần) trong khoảng thời gian ngắn (6 tháng) gây khó khăn cho việc lập hồ sơ, chưa thể hiện được tính răn đe cao. Theo quy định tại Nghị định 111 của Chính phủ, người nghiện ma túy dưới 18 tuổi không bị áp dụng biện pháp đưa vào diện quản lý là không phù hợp, bởi thực tế đối tượng dưới 18 tuổi nghiện ma túy tương đối nhiều.

Từ thực tế và những bất cập trên, UBND huyện đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện. Trọng tâm là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, trong việc chỉ đạo các ngành liên quan tích cực lập hồ sơ, đưa đối tượng vi phạm vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Lực lượng công an cần làm tốt công tác nắm tình hình, địa bàn, đối tượng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong quá trình triển khai. Ngoài ra, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, song song với việc biểu dương, khen thưởng, Tuy Phong sẽ tổ chức phê bình, kiểm điểm, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân, các ngành liên quan về địa bàn có đối tượng vi phạm đủ điều kiện lập hồ sơ, mà không tiến hành lập hồ sơ đưa vào các cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc theo quy định. 

 TẤN THÀNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: Còn nhiều “rào cản” khi đưa đối tượng đi cai nghiện