Theo dõi trên

Trầu không thức giấc

07/09/2018, 10:36

BT- Ngày còn sống ngoại tôi có thói quen mỗi khi ra hái vài lá trầu là khua tay nhẹ đều qua cả dây trầu miệng khe khẽ “dậy, dậy!”, ngoại nói “là đánh thức trầu dậy rồi mới hái lá, làm vậy dây trầu không buồn mình”. “Trầu cũng biết buồn hả ngoại?”. Lẹo nhẹo hỏi mãi đến mấy lần ngoại tôi mới dừng tay hái trầu, quay lại: “Biết buồn chớ, mình ăn ở không phải thì thứ gì cũng buồn”. Tôi đứng nhìn thật lâu dây trầu với những chiếc lá hình trái tim và các chùm bông nhỏ trăng trắng cong cong như những cái đuôi con sóc, thích chúng đến mức đêm nằm ngủ còn thấy cả những lá trầu cử động, chơi trò trốn tìm như bọn trẻ con chúng tôi. Mãi khi hai thứ tóc trên đầu tôi mới hiểu sâu xa lời ngoại nói chính là cái đạo làm người, cái tâm thế sống ở đời của con người, trong mối tương quan với xung quanh, với con người, với vạn vật.

Ngoại tôi ngày xưa không học nhiều lắm, không cao sang quý phái gì nhưng được cả làng trọng vọng, quý mến, nhiều người trong làng cứ một “má Hương” hai “má Hương”. Ngay cả tên Hương cũng không phải tên thật của ngoại, người dân quê không dám gọi tên thật những người mình kính trọng, chữ “Hương” đây là gọi theo chức sắc của chồng.

Nhà ngoại trước đây có cả dọc ruộng bưng cấy hai mùa nên đời sống cũng đủ đầy. Ông ngoại Hương một hôm lên chùa làng về, ông lẳng lặng vác cuốc đi thăm đồng, cần mẫn đắp kỹ lưỡng hết các lỗ mọi (lỗ nước chảy xuyên qua bờ ruộng) của các đám ruộng mà hàng ngày ông thấy nhưng chưa làm được. Về nhà tắm rửa sạch sẽ rồi ông thay bộ đồ bà ba trắng mới nhất, kêu hết con cháu đến dặn dò cách thức làm từng đám ruộng sao cho lúa tốt nhất. Xong, ông lên bộ phản kê gối cao nằm ngủ trưa. Và ông ngoại đã ngủ một giấc ngàn thu nhẹ êm, sạch sẽ như thế.

Sau khi ông ngoại đi xa bà ngoại bắt đầu ăn trầu, ngoại dùng ống túc đạn bằng đồng để ngoáy trầu, ngoại quệt vôi lên lá trầu, gói miếng cau nhỏ vào giữa rồi cho thêm một miếng vỏ cây gọi là xác, chậm rãi, cẩn thận làm từng động tác như một thứ nghi lễ. Miếng trầu của ngoại nhanh chóng đỏ thắm như máu trên môi. “Sao phải ăn trầu hở ngoại?”, hồi nhỏ tôi là đứa hay hỏi, hỏi nhiều nhất trong đám cháu. “Cái gì cũng hỏi”, là ngoại la vậy thôi nhưng sau đó lại ôn tồn giảng giải và kể cho chúng tôi nghe sự tích trầu cau mà tôi rất mê.

Chuyện kể rằng, vào đời vua Hùng Vương, ngoại cũng không nhớ là đời thứ mấy, có hai anh em Tân và Lang rất thương nhau. Sau khi có vợ Tân bận bịu trăm công ngàn việc không còn chăm sóc được em như trước nữa nên bị Lang hiểu lầm tình cảm của mình. Lang lấy làm buồn rầu và bỏ nhà ra đi. Tới bên bờ suối thì Lang mệt quá, gục xuống chết và hóa thành tảng đá vôi. Tân, không thấy em về, vì thương em nên quyết đi tìm. Đi đến cạnh tảng đá vôi thì Tân mệt lả và chết, biến thành cây cau. Vợ Tân thấy chồng biền biệt, đợi mãi rồi nàng cũng lên đường tìm chồng. Nàng tìm đến bờ suối, kiệt sức, ngồi dựa vào thân cau và tảng đá vôi mà chết, biến thành dây trầu không. Trầu, cau và vôi khi quyện lại với nhau tạo ra sắc đỏ như máu nên sau có vua Hùng Vương đi tuần qua đó, nghe thấy câu chuyện trên mà dạy cho dân Việt hãy dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh em, vợ chồng. Ngôi đền thờ ba người hiện nay là đền Tam Khương…

Ngày nhỏ, tôi rất mê chuyện, khi ngoại, khi má, bất kể khi nào câu chuyện cất lên tôi như nuốt lấy từng lời, hồn cứ như bị hút vào những câu chuyện cổ tích hấp dẫn ấy. Chính vì vậy mà tôi thường gắn bó với bà ngoại nhiều hơn bà nội.

Ngoại tôi thọ đến 98 tuổi. Ông ngoại đầu tiên không phải ông ngoại ruột, là ông Lý, ông mất sớm, ngoại đi bước nữa với ông ngoại Hương, là ngoại ruột của tôi. Ngoại làm nghề đỡ đẻ và bốc thuốc Nam chữa bệnh cho mọi người, không lấy tiền ai bao giờ nhưng trong nhà không thiếu thứ gì, ai có gì ngon cũng đem tới biếu ngoại, gạo nếp, đậu, khoai, nhiều nhất là trái cây các loại.

Giàn trầu không của ngoại tôi không to lớn gì, chỉ ba bốn dây leo quanh các cọc trụ cong queo, lên trên, trầu đan thành một vòm mái rợp xanh, những chiếc lá hình tim một mặt bóng lay lay theo từng cơn gió nhẹ. Ngoại chỉ cho tôi ba dây trầu mỡ, lá to, dễ trồng hơn nhưng không quý bằng dây trầu quế lá nhỏ, lá lúc nào cũng hơi ngã vàng. Ngoại nói trầu quế để hái vào dâng cúng và dành tiếp bạn của ngoại. Nhiều lần tôi thấy ngoại hái đưa cho ai đó như một loại lá thuốc, tôi hỏi, ngoại bảo nó làm dịu cơn nhức răng và trị táo bón.

Ngày nay, ít ai ăn trầu, trầu cau chỉ có mặt phần nhiều trong lễ cưới hỏi của người Việt. Chiếc ống túc ngoáy trầu đã cùng với ngoại bước xuống tuyền đài từ lâu. Chiều nay, khi định phác thảo một bức tranh chân dung ngoại với lòng biết ơn vô hạn và tình thương quý của một đứa cháu, những lá trầu chơi trò trốn tìm trong giấc mơ bé thơ ngày nào chợt hiện về và mấy tiếng “dậy, dậy!” khi ngoại đánh thức trầu không lại khe khẽ bên tai. Tôi thấm thía cái đạo làm người, khi muốn nhận của ai thứ gì đó thì phải đánh thức người ta dậy, ít ra cũng thức dậy trong tình cảm và sự quan tâm, biết ơn của chính mình. Và tôi cầm cây cọ lên, một phông nền vàng xanh những chiếc lá trầu hình tim và những chùm bông đuôi sóc trắng nho nhỏ vừa hiện ra trên tấm toan. Ngoại ơi! Con nhớ ngoại!

NguyỄn HIỆp



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trầu không thức giấc