Theo dõi trên

Hoạt động văn hóa, thể thao: Cần có chế độ đãi ngộ đặc thù

03/09/2018, 08:46

BT- Chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, diễn viên, vận động viên, huấn luyện viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà đang được ngành chức năng địa phương lấy ý kiến để trình cấp thẩm quyền quyết định… 

                
      
   Nguyễn Thị Lệ Kim - VĐV Taekwondo của Bình    Thuận từng đạt nhiều thành tích cao trên đấu trường quốc tế.

Lĩnh vực đặc thù

Tham gia hoạt động nghệ thuật, người trong nghề phải thường xuyên được cập nhật kiến thức mới đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sân khấu ca múa nhạc trong từng giai đoạn. Thực tế tại địa phương cho thấy, chặng đường phát triển nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh đến hôm nay có sự đóng góp công sức của các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Họ là những chuyên gia nghệ thuật đã giảng dạy, trao truyền kinh nghiệm biểu diễn, cập nhật kiến thức mới cho nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát. Bên cạnh đó, các chuyên gia nghệ thuật còn là những người đóng vai trò chủ yếu trong việc nghiên cứu bảo tồn, phát triển nghệ thuật dân gian dân tộc trên địa bàn tỉnh để sáng tạo giá trị nghệ thuật mang bản sắc riêng của Bình Thuận…

Nói về nghệ thuật, diễn viên được xem là nghề đặc thù “chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề”, tài năng chỉ phát triển trong thời gian rất ngắn, từ 18 đến dưới 30 tuổi và để có tác phẩm hay, muốn đạt thành tích cao phải ngày đêm khổ luyện… Với các nghệ sĩ và diễn viên chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn thì ngoài tố chất, năng khiếu bẩm sinh, cần phải trải qua quá trình học tập bài bản lâu năm, cùng với ý chí rèn luyện bền bỉ mới mong thành danh trên con đường nghệ thuật.

Tương tự, thể thao cũng là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt bởi sự đặc thù về công việc, môi trường lao động và vận động viên được xem như người lao động đặc biệt. Không những đòi hỏi năng khiếu mà còn phải dày công khổ luyện để trở thành vận động viên xuất sắc, có khả năng thi đấu giành thành tích cao, đem lại vinh quang cho Bình Thuận nói riêng và Tổ quốc nói chung… Tuy nhiên, thời gian thi đấu của một vận động viên thể thao kéo dài không lâu, chỉ khoảng 10 - 15 năm mà phần lớn thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 26 - 32 tuổi (thời điểm thể lực có dấu hiệu đi xuống). Ngoài trừ số ít môn thể thao không đòi hỏi sử dụng thể lực mà thiên về trí tuệ, sự khéo léo thì tuổi nghề của vận động viên có thể kéo dài hơn như các môn: cờ, bắn súng, golf, billiard & snooker.... 

Cần đãi ngộ tương xứng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong những năm qua, Bình Thuận đã có sự quan tâm về chế độ chính sách trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và từng bước cải thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Dù vậy địa phương cũng cần tạo thêm điều kiện nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần đối với đối tượng này, để từ đó tiếp tục tận tâm cống hiến nhiều hơn nữa cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao tỉnh nhà. Điều đó hoàn toàn xứng đáng bởi diễn viên thì thường xuyên công tác xa nhà, nếu tâm huyết với nghề phải chấp nhận nhiều hy sinh, đặc biệt là diễn viên nữ đôi khi hy sinh cả thiên chức làm mẹ… Còn với vận động viên sau thời gian phấn đấu, cống hiến có thể thấy phần lớn khi không còn tiếp tục tham gia tập luyện và thi đấu thể thao sẽ phải bắt đầu một công việc khác từ vạch xuất phát ban đầu. Vì những bất cập chưa phù hợp thực tế trong chế độ tiền công, tiền thưởng, chính sách hướng nghiệp nên dẫn đến bản thân vận động viên, gia đình và dư luận xã hội chưa xem thể thao là một nghề nghiệp.

Căn cứ pháp lý và dựa trên cơ sở thực tiễn, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất chế độ ưu đãi nhằm đem lại an tâm cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, huấn luyện viên, vận động viên nỗ lực và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa, thể thao Bình Thuận… Theo đó với diễn viên (cá nhân) xuất sắc đạt HCV hoặc giải A tại các kỳ liên hoan ca múa nhạc toàn quốc được đề xuất hỗ trợ một lần bằng 5 lần mức lương cơ sở, còn đạt HCB hoặc giải B thì hỗ trợ 3 lần mức lương cơ sở. Trong khi đó mức hỗ trợ một lần cho tập thể diễn viên đạt đạt HCV hoặc giải A tại các kỳ liên hoan ca múa nhạc toàn quốc sẽ là 10 lần mức lương cơ sở, còn mức hỗ trợ khi đạt HCB hoặc giải B bằng 7 lần mức lương cơ sở. Riêng nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú cần được Nhà nước xem xét ưu đãi việc mua đất theo giá nhà nước không thông qua đấu giá đối với những trường hợp chưa có đất ở, nhà ở.

Cũng theo đề xuất của ngành, vận động viên và huấn luyện viên Bình Thuận được hỗ trợ theo từng nhóm đối tượng khi đạt thành tích cao ở các đấu trường từ giải vô địch quốc gia đến thế vận hội, với mức thưởng từ 4 triệu đồng (HCĐ Đại hội TDTT toàn quốc) đến 160 triệu đồng (HCV Đại hội thể thao Olympic). Được biết, đây là mức đề xuất khen thưởng ngoài chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung tập luyện và thi đấu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

    
  

    Thêm chế độ hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm

    Sở   VH, TT & DL Bình Thuận còn đề xuất thêm: Đối với diễn viên công tác tại   Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh, vận động viên tham gia đội tuyển tỉnh từ   5 năm trở lên nếu tham gia học cao đẳng, đại học chuyên ngành về lĩnh   vực nghệ thuật, TDTT sẽ được Nhà nước hỗ trợ 70% học phí/năm. Đồng thời   có cam kết sau khi học xong tiếp tục làm việc ít nhất tại nơi công tác 5   năm, nếu không thực hiện đúng cam kết phải hoàn trả số tiền được hỗ trợ   cho ngân sách tỉnh. Ở trường hợp có thời gian công tác 5 năm trở lên   nhưng vì không còn khả năng tiếp tục theo nghề, nếu có nhu cầu học nghề   trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề thì được xem xét, hỗ trợ học nghề   miễn phí tại các cơ sở dạy nghề tại địa phương đã được UBND tỉnh giao   chỉ tiêu hằng năm… Riêng với diễn viên và vận động viên do tai nạn, chấn   thương trong quá trình tập luyện, biểu diễn (thi đấu) không thể tiếp tục   theo nghề được xem xét hỗ trợ việc chữa trị chấn thương hoặc học nghề   miễn phí tại các cơ sở dạy nghề trong tỉnh.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động văn hóa, thể thao: Cần có chế độ đãi ngộ đặc thù