Theo dõi trên

Những đứa con của rừng

24/08/2018, 08:48

BT- Hơn 20.000 ha rừng tự nhiên Phan Dũng, ở đâu cũng in dấu chân của những người giữ rừng. Băng rừng, vượt suối, đối mặt với hiểm nguy để giữ cho được màu xanh của rừng. Trong số họ, có những người đã cống hiến gần nửa cuộc đời cho đại ngàn… 

Những đứa con của rừng…

Tôi biết các Trạm bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng Tuy Phong đã lâu, lần nào đến Phan Dũng cũng ghé chỗ trạm uống ly trà, nghe kể chuyện về rừng. Tôi vẫn gọi mấy anh bằng cái tên thân mật “những đứa con của rừng”. Tính các anh hiền lành, nhiệt tình nên dễ tạo thiện cảm với mọi người. Mấy câu chuyện về rừng của các anh, tôi nghe hoài không chán. Còn với các anh, những câu chuyện ấy kể hoài cũng không hết vì các anh đã gắn bó với rừng gần nửa cuộc đời rồi.

Trong số nhân viên của 4 trạm bảo vệ rừng quản lý hơn 20.000 ha rừng tự nhiên ở Phan Dũng thì Lê Văn Tự là người có thâm niên “cơm núi, ngủ rừng” nhiều nhất. Trước đây, Lê Văn Tự từng là Trưởng Trạm 2, Trạm 3. Tháng 7/2018, được rút về lại Ban Quản lý rừng Tuy Phong (xã Hòa Minh), nhưng tiếp tục được phân công làm tổ trưởng cơ động tăng cường hỗ trợ cho các trạm bảo vệ rừng tại Phan Dũng. Với 23 năm bảo vệ rừng Phan Dũng, không có chỗ nào ở rừng Phan Dũng mà anh không tới, không có khó khăn, nguy hiểm nào mà anh không trải qua. Cả một thời thanh niên trai trẻ gắn bó với rừng. Chính những năm tháng đó đã khiến cho tình yêu thiên nhiên trong anh thêm mãnh liệt. Sự đam mê ấy hòa cùng nhịp đập trái tim, quyện trong hơi thở của đại ngàn, tạo cho anh một tính cách hiền hậu trong đời thường song lại quyết đoán, hết lòng với công việc và yêu rừng cháy bỏng… Mấy lần tôi hỏi anh, tại sao không chọn nghề khác nhàn hạ hơn, băng rừng riết không thấy mỏi chân sao? Anh Tự cười: Không mỏi. “Cái duyên” của nghề bảo vệ rừng đã gắn kết em với rừng rồi. Rừng là cuộc sống của em. Một ngày không đi rừng là thấy nhớ…

Tự kể, lên Phan Dũng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng từ năm 1995. Ngày đặt chân đến mảnh đất Phan Dũng, đường sá không như bây giờ mà phải trèo dốc, lội suối mất hơn ngày trời. Lúc đó, dân cư thưa vắng, không có điện thắp sáng, chỉ có núi rừng. Đêm xuống, cả không gian một màn đen kịt, buồn thê thảm. Mỗi năm, Tự tổ chức hàng trăm chuyến tuần tra, truy quét bảo vệ rừng, nhưng số lần xuôi rừng về thăm vợ con, gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những ngày lễ, tết, Tự cùng anh em phải vác ba lô vào rừng, không để lâm tặc lợi dụng cơ hội để phá rừng, vận chuyển lâm sản, động vật trái phép. Xa vợ con biền biệt, điều duy nhất là Tự làm được, đó là lời động viên, an ủi vợ để anh “ở với rừng”.

Con đường từ dưới xuôi lên Phan Dũng xem là độc địa, trong đó Trạm 1, 4 “chốt chặn” đường vận chuyển lâm sản, trạm 2, 3 “bịt” cửa rừng. Hôm đến thăm Trạm 2, nhìn những tang vật của lâm tặc bị thu giữ như máy cưa, rìu rựa, xe hon-đa độ chế để kéo gỗ... tôi thấm thía những gian nan, vất vả mà các anh trải qua, lại càng thấy “thương” hơn cái ba lô cũ sờn, chiếc mũ bạc phếch, đôi dép mòn đế… sau bao chuyến đi tuần tra bảo vệ rừng. Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng trạm 2, người có dáng cao gầy, da hơi đen nhưng có phong thái chững chạc, khá vui tính nói vui: “Nghề tụi em vất vả, thiệt thòi và nguy hiểm lắm, chỉ được cái là tha hồ ngắm rừng, ngắm núi thôi…”. Tuấn bảo, những đợt tuần tra, đêm ngủ rừng nghe suối reo, cây rừng hát, tiếng chim kêu vượn hú… Rừng thiêng nước độc, dù là những người dân bản địa dày dạn kinh nghiệm đi rừng, cũng không một ai dám chắc có thể tránh hết mọi ẩn họa, đó là cơn sốt rừng, rắn cắn, té ngã chấn thương, gai rừng cào té máu, thậm chí có cả cơn lũ rừng khủng khiếp. Vậy mà khi về nhà, đêm nằm lại thấy nhớ rừng…

Chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Văn Liên, Bí thư xã Phan Dũng mới biết, những năm qua, các chương trình phát triển dân sinh, kinh tế-xã hội củanhà nước đã làm cho đời sống của hàng trăm hộ dân Phan Dũng khởi sắc, trong đó có chính sách giao khoán bảo vệ rừng. Ông Liên nói, thông qua các anh ở trạm bảo vệ rừng, bà con hiểu hơn lợi ích của rừng, bảo vệ động vật hoang dã, cách phòng ngừa cháy rừng…Bà con Rắc Lây cũng đi tuần mỗi tháng 4 lần trong vùng rừng gia đình được giao, khi phát hiện dấu hiệu bất thường đều kịp thời cung cấp thông tin tình hình, tham gia cùng nhân viên bảo vệ rừng đẩy đuổi nhiều đối tượng khai thác lâm sản trái phép.

…bước chân không mỏi.

Trên chiếc xe Win, anh Lê Văn Tự - Tổ trưởng cơ động đưa tôi vào rừng Phan Dũng theo lối rẫy của bà con Rắc Lây. Đứng ngay dãy núi Tà Hoàng, nhìn bao quát một phần của rừng Phan Dũng cao ngút tầm mắt, sắc xanh trải rộng đẹp đến mê hồn. Vào mùa này, rất nhiều phong lan khoe hoa tím ngắt xem lẫn cây rừng đâm chồi, nảy lá, tạo ra một sự sống kỳ diệu.

Anh Tự cho biết, mỗi khi đi truy quét, anh em phải vượt cả hàng chục cây số đường rừng, trèo đèo lội suối, vai mang tư trang và lương thực để sống trong rừng vài ngày. Nhiều khi hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt lả nhưng các anh đã động viên nhau gắng sức. Ngày đội nắng, tối nằm sương, ăn lương khô, uống nước suối đã trở nên quen thuộc. Đi tuần tra bảo vệ rừng bất kể thời tiết nắng mưa, ngày lễ, tết và các cuộc tuần tra có cả ban đêm, đường tắt, đường vòng, đón lõng… không để lâm tặc nắm được quy luật tuần tra mà lợi dụng thời điểm phá rừng. Lâm tặc cũng có nhiều cách đối phó, chúng thường lợi dụng lúc nhá nhem tối, đêm khuya hay mờ sáng để khai thác lâm sản, khi vận chuyển chúng cho người đi trước cảnh giới và nếu bị bắt thì thông tin cho đồng bọn dừng lại hoặc tẩu tán tang vật. Lâm tặc cũng thường đi đông người để tạo áp lực và sẵn sàng chống lại lực lượng bảo vệ rừng khi bị bắt giữ, tịch thu tang vật.

Đi chừng vài cây số, thêm mấy lần băng qua khúc quanh của suối Tà Hoàng thì địa phận rừng được bảo tồn hiện ra với những khoảnh rừng đặc chủng hương và bằng lăng. Tôi mỗi lúc một ngạc nhiên thêm, không chỉ vì những kiến thức phong phú và sâu sắc của Tự về hệ sinh thái rừng, mà điều khiến tôi bị cuốn hút hơn cả là câu chuyện về nghề nghiệp của anh. Tự không kể nhiều về những gian truân, sóng gió của mình và đồng đội đã trải qua, nhưng nhìn vào những cánh rừng già bạt ngàn, với những loại cây lim, gõ, trắc, bằng lăng, hương... to sừng sững, chọc trời mới thấy thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các anh trong công cuộc giữ rừng. Tự cho biết, 20 năm trước khi đóng cửa rừng, những khoảnh rừng gỗ hương và bằng lăng này chỉ mới là rừng non. Từ đó đến nay nhờ không bị xâm lấn, hương và bằng lăng ngày càng lớn, đã đủ tuổi khai thác nhưng vẫn tiếp tục sinh sôi.

Càng đi sâu vào rừng, khi chạm chân ngọn thác tuyệt đẹp mang tên người con gái Răglay là Yavly, phải bỏ xe lại cuốc bộ thì mật độ rừng càng dày, choáng ngộp với rất nhiều loại gỗ quý như căm xe, căm liên, gõ, cẩm lai, dầu... to với đường kính 40-50cm đến vài người ôm chen nhau mọc. Trên cung đường phượt tuyệt đẹp Tà Năng (Đức Trọng) đến Phan Dũng (Tuy Phong), cây rừng cao vút trải dài như thảm, đi mãi trong rừng không thấy dấu tích cưa, rựa…

Tự bảo, những năm về trước, vùng giáp ranh là địa bàn “sôi động” nhất, “nóng” về nạn phá rừng. Ở phía Tà Năng (Đức Trọng), địa hình thuận lợi hơn, có tuyến đường xuyên vào rừng, còn từ Phan Dũng phải băng rừng đến được nơi này phải mất mấy ngày trời đi bộ. Do đó, các đối tượng ở đây lợi dụng, đưa phương tiện vào khai thác, tuồn gỗ lậu về Lâm Đồng tiêu thụ. Cùng với đó là nạn hầm than, đốn củi. Và không ai khác, chính những người dân bản địa, trong cơn khó nghèo của đời sống vùng cao ngày ấy, đã trở thành người làm thuê, tự tay chặt hạ những cánh rừng. Đông đảo hơn, phải kể đến những người tứ xứ dạt về, đóng trại để khai thác gỗ. Những cây gỗ ngổn ngang tại điểm tập kết, con đường mòn in hằn những vệt bánh xe tải, đó là quãng ký ức buồn luôn ám ảnh trong tâm trí những con người thời ấy. Và, giữa đại ngàn Phan Dũng, “những đứa con của rừng” tự hứa với lòng mình “Phải giữ rừng không thể để mất thêm nữa”.

Ngày đó, những khó khăn về công tác quản lý bảo vệ cũng như sự phức tạp của tệ nạn phá rừng khiến các cuộc đối đầu với bọn lâm tặc trở nên quyết liệt. Những cuộc vây bắt nảy lửa diễn ra khiến lâm tặc mất đi nguồn lợi lớn. Lúc đầu, lâm tặc tìm cách móc nối, mua chuộc theo kiểu “hai bên cùng có lợi”, nhưng vẫn không lay chuyển quyết tâm giữ rừng, chúng tức tối tìm cách trả thù. Đỉnh điểm là cuộc đối đầu vào đúng ngày 30 tết năm 2014.  Lần đó, 7 nhân viên Trạm 3 tuần tra tại khu rừng Phan Dũng thì phát hiện một nhóm lâm tặc đang khai thác gỗ, liền vây bắt, ngăn chặn. Do ít hơn về quân số nên lâm tặc bất ngờ tấn công trở lại. Chúng không ngần ngại dùng rựa, dao,  cưa…chém thẳng vào lực lượng bảo vệ rừng. Manh động hơn, lâm tặc bắt trói, đánh trọng thương anh Vọng, nhân viên của trạm. Sau khi có sự chi viện của kiểm lâm, công an và nhân dân địa phương, anh Vọng mới được giải cứu, vượt rừng đưa đi bệnh viện. Máu đã đổ và nhiều người lo lắng cho sự an nguy của rừng sau cuộc chạm trán định mệnh đó, nhưng rồi các anh luôn tâm niệm “Còn sống là còn rừng”. Dù có vất vả, nguy hiểm tới đâu thì niềm vui và hạnh phúc lớn nhất là bảo vệ được những giá trị kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng. Chính từ sự quyết tâm giữ rừng, dần dà bất cứ lâm tặc nào đặt chân đến rừng Phan Dũng cũng phải dè chừng.

Dành gần một ngày, xuyên qua gần hàng chục km dưới những tán rừng rậm rạp nhưng tôi chỉ mới đi chưa hết một phần tư chiều dài rừng Phan Dũng. Phía trước, rừng Phan Dũng vắt qua tận ranh giới Lâm Đồng và Ninh Thuận, cây rừng bạt ngàn nối nhau... Tôi thầm nghĩ, lẩn khuất sau màu xanh trập trùng của những cánh rừng bạt ngàn Phan Dũng, là biết bao dấu chân lặng thầm trong hành trình tuần tra chỉ để đổi lấy màu xanh ấy. Họ từng ngày vẫn đi - về, rồi lại bắt đầu cho một chuyến đi mới, tiếp nối, lặng lẽ và cần mẫn. Mong cho lúc trở về sau mỗi chuyến đi tuần là sự bình an của các anh, và của cả những cánh rừng…

Rời Phan Dũng, ngước lên phía rừng xanh, tôi biết rằng ở đó vẫn luôn có sự hiện diện của những “đứa con của rừng”, trong số họ, có người thầm lặng đã gắn bó gần như cả tuổi xuân để canh giữ bình yên cho “giấc ngủ” của đại ngàn… 

mINH CHIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những đứa con của rừng