Theo dõi trên

 “Đá tặc” hoành hành ở Đa Kai

08/08/2018, 08:53

BT- Tại Đa Kai (Đức Linh), tình trạng khai thác đá lậu diễn ra công khai nhiều năm khiến người dân bức xúc, nhưng việc quản lý của chính quyền địa phương đang thể hiện sự buông lỏng, làm ngơ…

Dân khổ vì nạn khai thác đá lậu

Cuối tháng 7, chúng tôi về xã Đa Kai để tìm hiểu tình trạng khai thác đá. Mới đến đầu tuyến đường Sùng Nhơn - Đa Kai, đã có hàng chục xe tải chở đầy ắp đất, đá liên tục chạy nối đuôi nhau. Không chỉ lưu thông hướng Tánh Linh và trung tâm huyện Đức Linh, các xe tải ben còn đua nhau chở đá qua xã Phú Bình (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Tại thôn 3, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tan hoang của một vùng đất nông nghiệp rộng lên đến vài ha, được thay vào đó là hàng chục đống đá nằm lộ thiên. Nơi đây có 4 điểm đá đã bị khai thác. Đến thôn 7, tình hình trên cũng không thể khả quan hơn khi nhiều đám rẫy có lượng đá lớn đá nằm xen kẽ trong các vườn cao su, tiêu, điều… vẫn bị “đá tặc” lấy đi.  Về trữ lượng đá cũng như quy mô khai thác lậu ở Đa Kai, thôn 6 đang là nơi diễn ra rầm rộ vì có trữ lượng lớn. Qua nhiều lần “mục sở thị”, chúng tôi đều ghi được cảnh người, xe tải, xe cẩu hạng nặng luôn trong tư thế sẵn sàng để phục vụ việc khai thác, vận chuyển. Tại đây, hàng ngàn khối đá dài 1 - 2 m, đá chẻ được xếp ngổn ngang trên bãi đất trống. Đến khu vực nhà thờ, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm hai điểm khai thác đá trái phép quy mô lớn. Nơi này, nhiều người vẫn vô tư chẻ đá và không có dấu hiệu cho thấy họ cảnh giới lực lượng chức năng như các điểm khai thác khoáng sản lậu khác. Đáng quan tâm khi hai điểm này đều nằm sát khu dân cư.

Việc khai thác đá vô tội vạ khiến đất nông nghiệp trở nên nham nhở, cảnh quan môi trường bị phá vỡ, đường giao thông nông thôn lầy lội, tài nguyên khoáng sản bị mất đi. Bức xúc trước vấn nạn trên, người dân đã dựng cổng barie đề dòng chữ “cấm xe đá”, nhưng vẫn không ngăn được sự hoành hành của “đá tặc”. Bà Nguyễn Thị Bích cho biết: Xe chở đá ra vào liên tục từ sáng sớm đến chiều tối, tiếng đục đẽo, còi xe vang inh ỏi suốt ngày, không người dân nào có thể chịu được. “Họ ngang nhiên khai thác đá trái phép mà không sợ! Nhiều lần tôi đã báo và kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn, xe chở đá cứ vô tư chạy rầm rộ trên đường như một sự thách thức” - ông Đinh Tám bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng khai thác đá trái phép diễn ra rải rác khắp nơi trên địa bàn xã Đa Kai. Tại hầu hết các điểm khai thác, khi lấy hết đá, đối tượng để lại hiện trường là một bãi đất đá nằm ngổn ngang, lởm chởm, có nơi sâu đến 2 m rất nguy hiểm trong mùa mưa này. Điều ngạc nhiên khi sát con đường dẫn vào trung tâm xã, cách trụ sở UBND xã Đa Kai khoảng 200m còn có một điểm tập kết đá khá lớn vẫn ngang nhiên hoạt động như được cấp phép.

                
Con đường trở nên nhếch nhác vì các xe ben    chở đá liên tục ra vào.

Có hay không sự bảo kê?

Việc khai thác đá diễn ra công khai là vậy, thế nhưng khi đến UBND xã Đa Kai, chúng tôi nhận được nhiều câu trả lời đầy bất ngờ từ lãnh đạo chính quyền địa phương. Ông Đinh Đức Đào - Chủ tịch UBND xã khẳng định: Tình trạng khai thác đá diễn ra từ trước năm 2010. Lượng đá lấy lên không chỉ phục vụ nhu cầu xây dựng ở Đa Kai, mà còn được đem bán cho các địa phương lân cận. Nói về giấy phép, lãnh đạo xã này cho biết đến thời điểm này, không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác đá trên địa bịa bàn. Hiện nay, xã có 3 người (đều ngụ ở thôn 5) đang tổ chức khai thác đá trái phép gồm: ông Nguyễn Tâm, ông Nguyễn Tài và bà Lê Thị Tâm. Về điểm tập kết đá gần UBND xã, ông Đinh Đức Đào cho biết đó là bãi đá của ông Nguyễn Tâm.

Xã biết rõ từng điểm, từng đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, vậy tại sao tình trạng trên vẫn tiếp diễn từ nhiều năm qua đến nay? - chúng tôi đặt vấn đề. “Xã nắm hết, biết hết, nhưng công tác quản lý của xã gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, đá ở Đa Kai gần hết mất rồi! Chỉ 1 đến 2 năm nữa thôi sẽ không còn đá để khai thác nữa. Bên cạnh đó, việc khai thác đá trái phép cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở địa phương” -  lời của Chủ tịch UBND xã. Về vấn đề xử lý, ông Phan Ngọc Hiến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “7 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Tâm, ông Nguyễn Tài và bà Lê Thị Tâm đã bị phạt hành chính 1 lần với số tiền 4 triệu đồng/người, nhưng không phải về hành vi khai thác đá”. 

Có thể thấy, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở Đa Kai đang thể hiện sự buông lỏng, làm ngơ. Vấn đề cần làm rõ, có hay không sự tiếp tay của một số cán bộ để “đá tặc” hoành hành? Ngoài ra, trong quản lý nguồn tài nguyên này ở Đa Kai còn tồn tại một điểm bất cập. Cụ thể, tại Quyết định 711 do Chủ tịch UBND huyện Đức Linh ông Nguyễn Văn Húy ký ghi rõ “giao chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước về thuế tài nguyên ở Đa Kai năm 2018 là 100 triệu đồng”. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã Đa Kai khẳng định, trên thực tế ngoài đá thì xã không còn nguồn tài nguyên nào để thực hiện chỉ tiêu trên. Trong khi đó, như đã nói Đa Kai không có điểm nào được cấp phép khai thác đá. Như vậy, Quyết định 711 của UBND huyện Đức Linh liệu có phù hợp với Đa Kai? Việc xã thu tiền thuế tài nguyên khoáng sản (hiện đã thu được 69 triệu đồng) như thời gian qua có đảm bảo đúng quy định của pháp luật?

Thiết nghĩ, để giải quyết những vấn đề trên, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức khai thác, vận chuyển đá trái phép ở Đa Kai; yêu cầu hoàn phục môi trường tại những nơi đã và đang tác động. Đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân liên quan; trường hợp phát hiện cán bộ có tiêu cực phải kiên quyết xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, UBND xã Đa Kai phải đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật; phối hợp với các ngành khẩn trương rà soát để hướng dẫn chuyển đổi, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, vốn vay cho những lao động thường làm thuê tại các điểm khai thác đá. UBND huyện cần xem xét sửa đổi Quyết định 711 sao cho phù hợp để Đa Kai có điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

    
    “Xã nắm   hết, biết hết, nhưng công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa,   đá ở Đa Kai gần hết mất rồi! Chỉ 1 đến 2 năm nữa thôi sẽ không còn đá để   khai thác nữa” - Chủ tịch UBND xã Đa Kai.

Điều tra: TẤN THÀNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Đá tặc” hoành hành ở Đa Kai