Theo dõi trên

Chuyện "đười ươi giữ ống" và bảo kê cho cát tặc

27/07/2018, 08:11

BT- Trong một hội thảo về quản trị ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam, một chuyên gia đã ví von: Chuyện quản lý khoáng sản ở ta giống như hình ảnh “đười ươi giữ ống”, có khi thậm chí không còn giữ nổi "ống" nào!

Khu vực khai thác cát. Ảnh minh họa

 Đười ươi là một loài khỉ độc trước kia có ở rừng rậm nước ta. Đười ươi có đôi cánh tay rất khỏe, nó thường dùng tay để kiếm ăn, nó có thể bắt và ăn thịt người nếu không đề phòng cẩn thận. Khi bắt được con mồi, đười ươi thường sung sướng ngửa mặt lên trời cười một cách hả hê tít cả mắt và chờ đến khi mặt trời lặn nó mới ăn thịt con mồi. Nắm được đặc điểm đó nên khi đi rừng người ta thường phòng đười ươi bằng cách xỏ tay vào 2 ống tre, để lỡ đười ươi có bắt được thì người ta rút tay ra mà chạy thoát. Con đười ươi thì cứ giữ 2 cái ống đó ngửa mặt lên trời cười cho đến tối...

Ở Việt Nam, khai thác khoáng sản luôn là lĩnh vực "nóng", hậu quả của quản lý kém là tiền chảy vào túi cá nhân, nhiều doanh nghiệp giàu lên bất thường nhờ khai thác khoáng sản, trong khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt đi, Nhà nước thất thu thuế, môi trường sống của dân bị hủy hoại.

Phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận mới đây cũng "nóng" lên vì cát tặc. Dù là chuyện "khổ lắm, nói mãi" nhưng vì cử tri rất bức xúc nên các đại biểu phải tiếp tục truy vấn các ngành, các cấp liên quan. Phải nói thêm rằng: Ngay trong đêm trước khi khai mạc kỳ họp này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận tới 3 tin nhắn người dân thông báo về khai thác khoáng sản trái phép ở 2 huyện. Trong tháng 6 và 7, Đài Truyền hình Việt Nam liên tục có các phóng sự phản ánh nạn khai thác titan lậu, cát lậu ở Bình Thuận.

Số liệu trong nửa đầu năm nay ngành chức năng đã xử lý 320 vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, thu phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Thế nhưng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến rất phức tạp, tình trạng đào bới khắp nơi lúc lén lút đêm hôm, khi ngang nhiên thách thức cả chính quyền và dư luận. Cơn "sốt cát" bùng lên từ hồi năm ngoái khiến nhiều thời điểm trên các tuyến đường hàng ngày nườm nượp xe ben chở cát lậu từ các huyện giáp ranh (Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân) đi Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

   Trong khi đó thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng  thông thường như cát, đá, sỏi tiếp tục chậm trễ, kéo dài (nhanh nhất cũng phải mất 9 tháng do phải qua đấu giá, thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, hồ sơ môi trường, thuê đất... giống như thủ tục khai thác khoáng sản quý hiếm vàng, bạc, titan...). Nhu cầu thị trường cát xây dựng rất lớn nhưng đến nay cả tỉnh mới có 2 mỏ cát được phép khai thác!

Dư luận bức xúc nhất là tình trạng bất lực, buông lỏng quản lý, hay thậm chí ở một số địa phương có dấu hiệu cán bộ đảng viên tiếp tay, bao che, dung túng cho cát tặc. UBND tỉnh đã yêu cầu hàng loạt địa phương như Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Bắc Bình, Sở Tài nguyên - Môi trường... kiểm điểm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, nhưng có vẻ như "thuốc đã lờn". Dư luận râm ran về "nhóm lợi ích" trong hoạt động khai thác khoáng sản. Phát biểu kết thúc phiên chất vấn tại kỳ họp vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Phải nghiêm trị, ngăn chặn được tình trạng dung túng, bảo kê cho cát tặc hoạt động khai thác trái phép.

   Nửa năm, 320 vụ vi phạm bị xử lý, 1,8 tỷ đồng thu phạt cho ngân sách - nghe thì có vẻ "to tát" nhưng liệu có đủ bù đắp lại số tài nguyên khoáng sản bị mất mát, số thuế nhà nước bị thất thu, tiền xăng xe, nhân công cho lực lượng đi kiểm tra xử phạt, hoặc khắc phục các hậu quả về môi trường, nhất là nhiều con đường, cầu cống bị hư hỏng, xuống cấp vì xe chở cát quá tải gây ra? Dư luận bức xúc: Đến bao giờ những yếu kém, bất cập trong quản lý tài nguyên khoáng sản mới chấm dứt!

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện "đười ươi giữ ống" và bảo kê cho cát tặc