Theo dõi trên

Anh Tám với giải thưởng “Tôi là nông dân 4.0”

12/07/2018, 08:08

BT- Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”. Cuộc thi do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức. Sau hơn 6 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 1.000 dự án của các nông dân gửi về tham dự. Theo đó, có 2 giải nhì, mỗi giải 25 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 15 triệu đồng, và 5 giải khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng. Riêng tại Bình Thuận, anh Nguyễn Tám (SN 1962) ở khu phố 1, Thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc đã vinh dự đạt giải ba, với dự án: “Thực nghiệm về mật độ và áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ trong sản xuất lúa”.

                
Anh Nguyễn Tám (đội nón) và lần tham quan    mô hình.

Tâm huyết

Anh Nguyễn Tám hiện là Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, với thâm niên hoạt động trong ngành nông nghiệp lâu năm. Gắn bó lâu dài với nông dân, tâm tư của anh lâu nay là tại huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, tình trạng gieo sạ lúa còn dày, với lượng gieo từ 200 đến 250 kg/ha. Đặc biệt trong canh tác lúa bà con thường xuyên để ruộng ngập nước, gây thất thoát tài nguyên. Xuất phát từ những thực trạng đó, bản thân anh Tám đã nghiên cứu; thực hiện đề tài “Thử nghiệm về mật độ và áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ trong sản xuất lúa”. Tổng chi phí đầu tư cho dự án gần 41,7 triệu đồng, với diện tích thử nghiệm 2,4 ha/2 vụ (đông xuân 2016 - 2017 và vụ hè thu 2017). Việc thực hiện dự án này, nhằm xác định mật độ gieo hợp lý, giảm lượng giống gieo 60% so với sản xuất đại trà, năng suất tăng hơn từ 8 - 12%. Áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm thích hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa trong thời kỳ biến đổi khí hậu; góp phần giảm lượng nước tưới từ 30 - 40%; tăng diện tích sản xuất. Về kinh tế, lợi nhuận tăng hơn so với sản xuất đại trà từ 15 - 25% trên cùng đơn vị canh tác.

 Hiệu quả

Đề tài thực hiện 4 công thức thử nghiệm: Lượng giống gieo sạ 8 kg/1.000 m2; 10 kg/1.000 m2; 12 kg/1.000 m2 và 16 kg/1.000 m2 (đối chứng). Theo tính toán, năng suất 80 kg/ha đạt cao nhất 78 tạ/ha; tiếp đến là 100 kg/ha (77 tạ/ha); 120 kg/ha (73 tạ/ha) cuối cùng là 160 kg/ha (đối chứng-71 tạ/ha); sản xuất đại trà 200 - 250 kg/ha đạt bình quân 72 tạ/ha. Như vậy, xét ở mật độ 80 kg/ha cho lợi nhuận 25,5 triệu đồng/ha; sản xuất đại trà 200 kg/ha cho lợi nhuận 20,7 triệu đồng; lợi nhuận chênh lệch trên 4,7 triệu đồng/ha. Giảm 4 lần tưới/ha/vụ sản xuất so với tưới truyền thống 12 lần/ha/vụ; tiết kiệm khoảng 3.333 m3 nước tưới.

Việc áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm thích hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa trong thời kỳ biến đổi khí hậu góp phần giảm lượng nước tưới đáng kể và cơ cấu tăng thêm diện tích sản xuất lúa trong cùng một vụ. Mặt khác, nâng cao nhận thức cho bà con thấy được lợi ích thiết thực của việc gieo lúa thưa hợp lý, kết hợp tưới tiết kiệm nước có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất và môi trường.

Anh Nguyễn Tám cho biết: Hiện nay, tại 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Tuy Phong, nông dân áp dụng theo mô hình với diện tích khoảng 160 ha. Trong đó, một số HTX DV NN trong tỉnh như: HTX Phú Long, Hàm Thuận Bắc; HTX Long Hương; HTX Long Điền 1 và HTX Long Điền 2 huyện Tuy Phong đã ứng dụng mật độ gieo từ 80 - 100 kg/ha tùy theo mùa vụ, kết hợp tưới nước tiết kiệm và sử dụng công cụ sạ hàng để sản xuất giống lúa xác nhận phục vụ cho xã viên và cộng đồng với giá thấp hơn so với lúa giống thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Thông qua Hội nông dân và Khuyến nông địa phương, hy vọng diện tích áp dụng kết quả này trên diện rộng trong tương lai tại các vùng lúa trọng điểm của tỉnh.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông dân Việt Nam nói riêng vươn lên hội nhập với thế giới. Để làm được điều này, người nông dân phải áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng giá trị nông sản. Cuộc thi nhằm đón đầu cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 cũng như khuyến khích nông dân, các tổ hợp tác, HTX… ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiểu biết và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số, sử dụng mạng xã hội, Internet của nông dân trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh Tám với giải thưởng “Tôi là nông dân 4.0”