Theo dõi trên

Đầu năm 2019 EU xem xét  rút thẻ vàng           

02/07/2018, 09:13

BT - Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, EU vừa có thông báo về việc tiếp tục kéo dài cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, thay vì rút thẻ vàng từ tháng 6/2018. Lý do là việc truy xuất nguồn gốc hải sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu;  tái diễn tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài; hệ thống giám sát tàu cá chưa đầy đủ. EU đã cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu đối với Việt Nam từ tháng 10/2017. Tháng 5/2018, một đoàn công tác của EU đã đến Việt Nam để đánh giá việc khắc phục sau đó quyết định tiếp tục cảnh báo thẻ vàng đến tháng 1/2019 và sẽ tiếp tục đánh giá sau tháng 1/2019 để có quyết định rút thẻ vàng hay tiếp tục cảnh báo với hải sản xuất khẩu từ Việt Nam.        

Đây là một bất lợi rất lớn đối với việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động khai thác hải sản của tỉnh vẫn đạt hiệu quả cao, sản lượng khai thác hải sản ước đạt 90.576 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, các vùng nuôi thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng triển khai công tác kiểm tra, quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh. Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 cũng tương đối thuận lợi, sản lượng thủy sản nuôi  ước đạt 6.749 tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ, theo đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 199,21 triệu USD, tăng 12,36% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên nhóm hàng hải sản tăng thấp hơn năm ngoái, ước đạt 66,2 triệu USD. Đây là nguyên nhân của việc ảnh hưởng chung của cả nước khi bị EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu hải sản vẫn được diễn ra bình thường, tuy nhiên đã có những tác động nhất định như các lô hàng bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu từ Việt Nam dẫn đến thời gian lưu kho tăng, phát sinh chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây ra tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đặc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU hoặc Mỹ và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU.         

Vậy tỉnh ta cần phải làm gì trong thời gian tới để cùng với cả nước dỡ bỏ rào cản về xuất khẩu hải sản sang EU. Việc đầu tiên là rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các tàu thuyền vi phạm lãnh hải nước ngoài để khai thác hải sản một cách quyết liệt hơn. Hiện nay Bình Thuận có khoảng 1.575 tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa. Trong 3 năm gần đây, số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có hơn 30 vụ, chủ yếu các tàu cá vi phạm làm nghề câu khơi và thu mua hải sản, các loại đánh bắt chủ yếu là mực và cá có giá trị kinh tế cao. Thực trạng hiện nay là việc chấp hành các quy định của pháp luật nước ta và tôn trọng chủ quyền vùng biển của các nước tiếp giáp còn nhiều hạn chế. Một số tổ chức, cá nhân trong nước liên hệ với tổ chức nước ngoài để móc nối, đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh ra nước ngoài đánh bắt không tuân thủ các quy định của pháp luật. Với thực trạng trên, tháng 1/2018, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấp dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt là: Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh, các huyện, thị, thành ủy vùng biển khẩn trương tổ chức kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Đề ra những giải pháp khắc phục trong công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phải kiểm điểm sâu kỹ các địa phương có nhiều tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ trong thời gian qua như thị xã La Gi và huyện Phú Quý. Tổ chức kiểm điểm, phê phán chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp trước cộng đồng dân cư địa phương, công khai danh sách tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từng cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biển đưa mục tiêu, nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vào Nghị quyết của cấp ủy, Kế hoạch của chính quyền năm 2018. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành và các cơ quan chức năng liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn quản lý tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp sau ngày 30/4/2018…

Thanh Quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu năm 2019 EU xem xét  rút thẻ vàng