Theo dõi trên

Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Khó hay dễ đề thi môn Ngữ văn?

02/07/2018, 09:05 - Lượt đọc: 30

BT - Sau buổi thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018, các phương tiện truyền thông rộ lên làn sóng bình phẩm, khen chê bộ đề, làm cho các sĩ tử vừa mới làm bài xong tỏ ra hoang mang…

         

Khó hay dễ…

Theo riêng chúng tôi, bộ đề thi môn Ngữ văn năm nay về cấu trúc như những năm trước, không có gì mới. Ở phần Đọc hiểu có 4 câu hỏi; câu 1, câu 2 chỉ yêu cầu nhận biết đơn giản dành cho học sinh TB, TB yếu; câu 3 hỏi tác dụng yếu tố tu từ (hỏi “em” nhưng để bộc lộ cảm xúc trăn trở của nhà thơ về những tiềm lực đất nước đang còn ẩn giấu) trước thực trạng “lòng đất rất giàu” mà “mặt đất cứ nghèo”, một câu hỏi nhưng cũng là lời gửi gắm nhằm đánh thức trách nhiệm – “tiềm lực” của “em” – tuổi trẻ, đối với Tổ quốc; câu 4 “ta ca hát rất nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên” có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao? Trả lời “phù hợp” hay “không”, học sinh phải lý giải vì sao mình chọn cách trả lời như vậy, nếu không biết chọn cách trả lời sẽ giẫm đạp sang nội dung câu 1 phần Làm văn.

 Phần Làm văn có 2 câu. Câu nghị luận xã hội yêu cầu “suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước”. Khi làm bài phải hiểu tiềm lực đất nước gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, mà yếu tố con người là quan trọng và quyết định. Từ đó dựa vào kiến thức hiểu biết của bản thân để minh chứng, lập luận. Vì sao phải “đánh thức”? Tài nguyên thiên nhiên của đất nước hiện nay đã “đánh thức” chưa? Hay là sự đào xới hủy hoại môi trường? Vậy việc đánh thức tiềm lực của tuổi trẻ (con người) trước hiện tượng ấy như thế nào? Từ đó liên hệ đến bản thân về trách nhiệm góp phần sứ mệnh với đất nước. Bài làm dẫu diễn đạt theo cách nào đi nữa cũng phải có bố cục 3 phần chặt chẽ, trong quá trình làm bài phải giải thích, chứng minh, bình luận, liên hệ bản thân mà gói trọn vào 200 chữ thì vô cùng khó với học sinh!

Câu nghị luận văn học: Có quá nhiều yêu cầu về nội dung để làm bài. Phân tích “sự đối lập” trong 2 tác phẩm của hai nhà văn ở hai thời kỳ sáng tác khác nhau. “Chiếc thuyền ngoài xa” đối lập giữa bức tranh buổi bình minh tuyệt đẹp của chiếc thuyền ngoài xa với chiếc thuyền vào bờ diễn ra cảnh bạo lực gia đình. Phân tích, bình luận điểm này cần hiểu được thời điểm sáng tác “Chiếc thuyền ngoài xa” (1983) với cái nhìn của nhà văn về cuộc sống sau chiến tranh, thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu, giai đoạn đi từ cảm hứng sử thi, cảm hứng lãng mạn (trước 1975) sang cảm hứng thế sự đạo đức và triết lý nhân sinh (sau 1975). Truyện đặt ra cách nhìn nhận đa chiều, đầy đủ, đúng đắn về cuộc sống và con người, về mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc đời. “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đối lập giữa màu đen của bóng đêm bao trùm trên một phố huyện nghèo xơ xác với hình ảnh ánh sáng khi đoàn tàu đi qua, “các toa tàu sáng trưng”, rực lên, như “đem một chút thế giới khác” đến, mang theo niềm vui, nhưng chiếc tàu chỉ thoáng qua, đêm tối lại “bao bọc chung quanh”, trả lại cho “đêm của đất quê” với “ruộng đồng mênh mông vắng lặng”. Truyện thể hiện niềm cảm thương đối với những kiếp người nhỏ nhoi sống chìm khuất, mỏi mòn, cơ cực, quẩn quanh, bế tắc ở phố huyện nghèo bình lặng, tối tăm cùng những ước mong khiêm nhường nhỏ bé của họ trước Cách mạng tháng Tám. (Truyện “Hai đứa trẻ” thuộc cảm hứng lãng mạn, nhưng yêu cầu của đề là “cách nhìn hiện thực”, rất khó cho học sinh. Trong đó phải làm rõ được cái “nhìn hiện thực” của hai nhà văn, nghiêng về quan điểm sáng tác – lý luận văn học, đối tượng học sinh trung bình và khá ở phổ thông hiện nay sẽ không mấy em làm được.

Người ra đề cần nhìn đồng hồ để viết thử bài trước

Nhìn tổng thể, đề yêu cầu rất nhiều nội dung để thí sinh suy nghĩ làm bài, nhưng thời gian làm bài lại quá ít. Một giáo viên dạy văn làm hoàn chỉnh đề này trong thời lượng 120 phút là đã vất vả, có khi không làm kịp, huống chi với học sinh phổ thông hiện nay. Cái rất dở của đề thi môn Ngữ văn năm nay là chỗ ấy. Còn nhiều người khác bình phẩm khen chê về việc chọn ngữ liệu, cũng như nghiêng về mặt trái ở hiện tượng khai thác tài nguyên thiên nhiên để nói về tiềm lực, hay chê cả thơ Nguyễn Duy… lại là chuyện khác. Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là người ra đề phải làm hướng dẫn chấm – biểu điểm như thế nào cho phù hợp khi chuyện đã diễn ra rồi để tạo sự công bằng khỏi thiệt cho học sinh trong kỳ thi môn Ngữ văn năm nay. Khi viết bài này, Bộ chưa công bố hướng dẫn chấm.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Khó hay dễ đề thi môn Ngữ văn?