Theo dõi trên

Sông Cà Ty trong thơ một số tác giả

01/07/2018, 08:12

BT - Nhiều thành phố, thị xã, miền quê đã gắn liền với những dòng sông. Những dòng sông với màu nước, cảnh sắc, nếp sinh hoạt cư dân khác nhau, và hầu như chẳng nơi nào giống nơi nào.

Phan Thiết cũng là một thành phố có 2 dòng sông chảy qua. Trong đó, nhiều thế hệ người dân Phan Thiết đã từng ngắm nhìn, tận hưởng những làn gió mát, quan sát hoạt động của những ngư dân từ dòng sông Cà Ty.

Sông Cà Ty đã đi vào thơ ca một cách tự nhiên như những gì người dân sinh ra và lớn lên tại Phan Thiết, hoặc học tập và làm việc tại Phan Thiết, hay ghé thăm  Phan Thiết đã từng cảm nhận và thể hiện trong những sáng tác của mình.

Đối với mỗi nhà thơ, người sáng tác khác nhau, đã có những cảm nhận khác nhau.

Với nhà văn, nhà thơ Lê Nguyên Ngữ, sông Cà Ty đẹp như một dòng nhạc, tuy chẳng rộng là bao, nhưng lại tha thiết gắn bó với những chiếc cầu bắc quê mình: “Có dòng sông chảy mãi chẳng gặp cầu/ Để nước dỗi đôi bờ chao mặt sóng/ Về Phan Thiết, Cà Ty lòng chẳng rộng/ Lại nối bờ vui mấy chiếc cầu/…

Cong vòng trời ba chiếc cầu sang/ Để con nước về ngẩn ngơ không muốn chảy…

Ba chiếc cầu vạch mấy trường canh/ Chảy dòng nhạc Cà Ty bờ bến hát/ Cho mỗi câu thơ tôi viết về Phan Thiết/ là nhịp cầu hò hẹn để em sang”.

(Phan Thiết, Cà Ty chảy gặp cầu – Lê Nguyên Ngữ).

Tác giả Đào Văn Chừ đã có những giờ phút thơ thẩn với Cà Ty: “Có một ngày tôi thơ thẩn bên sông/ Mắt cứ ngóng mưa nguồn chớp bể/ Có một ngày lòng tôi như thế/ Còn ấm nồng hơi thở mới hôm qua.

Máu đầu nguồn đã hóa phù sa/ Xuôi Cà Ty trở về Phan Thiết/ Ở dưới đó, biển một màu xanh biếc/ Sóng có chao nghiêng cách võng đêm rừng!”

(Thơ thẩn Cà Ty – Đào Văn Chừ).

Với anh, Cà Ty gợi nhớ về những sự hy sinh của những chiến sĩ trong công cuộc kháng chiến của dân tộc, chiến đấu trên mảnh đất Bình Thuận, từ phía ngọn nguồn của dòng sông, bao mất mát nhưng cũng đẹp đẽ vô cùng. Quả ngọt của hòa bình cũng khởi nguồn từ sự gian khổ của ngày xưa.

Mang một tâm trạng khác, tác giả Ngô Đình Miên hoài niệm về những tháng ngày cắp sách đến ngôi trường Phan Bội Châu thân yêu, qua sông, nhìn lầu nước và nhớ về hoa vông đỏ một thời: “Khói thuyền đâu phải yên ba/ Mà dòng sông cũ vẫn là Mường Giang/ Ta về phố cũ thành Phan/ Lối quen thả bước chân lang thang buồn/ Lầu cao dài bóng hoàng hôn/ Bao hoài niệm cũ bồn chồn mặt sông/ Thương hàng cây cũ Vườn Bông/ Mùa vông vang nở rực hồng bình minh…”

(Nhớ Phan Thiết – Ngô Đình Miên).

Cà Ty xuôi dòng về với biển cả theo bến Cồn Chà. Và nhắc đến Cà Ty, không hể nào quên hình ảnh của lầu nước quanh năm soi bóng. Tác giả Cẩm Hà cũng đã từng viết những vần thơ đẹp về sóng nước Cà Ty:

“Cánh buồm xuân về đậu bến Cồn Chà/ Đàn én dệt tình xuân trên tháp nước/ Cầu trải rộng nối đôi bờ hẹn ước/ Cửa Cà Ty sóng nước cuộn triều xuân…”

(Phan Thiết vào xuân – Cẩm Hà).

Tác giả Từ Thế Mộng cũng đã có những lời thơ mượt mà, thơ mộng về Phan Thiết, về Cà Ty lượn chảy khi nhìn Phan Thiết từ trên cao:

“Bát ngát trời xa một núi xa/ Sương len từng lớp mỏng như ngà/ Tà Dôn một vút xanh sừng sững/ Mường Mán cong mình êm ái ru/

Cây cao lúp xúp cây mù xanh/ Lớp lớp che im khuất mặt thành/ Phan Thiết nhìn lên mây cúi xuống/ Château d’eau hồng ngọn đổ chênh vênh.”

(Phan Thiết nhìn trên đỉnh cao – Từ Thế Mộng).

Một đặc điểm riêng của sông Cà Ty đó chính là dòng sông đổ ra cảng cá. Cồn Chà là điểm giao hòa giữa Cà Ty nhỏ nhắn với biển Đông mênh mông. Bởi thế, Trần Nhật Thu đã có những cảm nhận về Phan Thiết gần gũi với Nguyễn Công Bình:

“Và cái dáng đi tần tảo quá chừng/ Nhà lô xô dọc con sông nắng chát/ Mùi cá nướng ở đâu mà quen thuộc/ Tôi dầm chân trên cát bỏng quê nghèo/…

Tiếng sóng ngoài xa. Con cá nục, cá chuồn/ Theo vai em về trên bến cũ/ Xóm chài nghèo suốt cuộc đời lam lũ/ Chiều nay nghe gió hát sông đầy”.

(Gió mặn Phan Thiết – Trần Nhật Thu).

Nhà thơ Giang Nam cũng đã có những dòng thơ về Cà Ty thân yêu của chúng ta trong mạch cảm xúc hồi tưởng về Bác Hồ. Và một Cà Ty gắn với gió biển mặn mòi, với những người mẹ miền biển lam lũ, với những người dân Phan Thiết luôn thủy chung, son sắt với đất nước, quê hương:

“Sông Cà Ty nước lớn, ròng hai buổi/ Gió mặn khơi xa năm tháng đổ về/ Nơi Bác dừng chân, có lời ru của biển/ có mẹ nghèo vất vả sớm khuya/… 

Tất cả vẫn như ngày có Bác/ Hoa nở vàng, cánh cửa khép mong manh/ Sông Cà Ty, bầu trời xanh, gió mặn/ Và thủy chung, trong suốt tấm lòng dân”.

(Thăm trường xưa Bác dạy – Giang Nam).

Một tác giả nữ cũng đã có những kỷ niệm rất nên thơ với Cà Ty:

“Đêm sông hát, vang tiếng cười khúc khích/ Cà Ty xanh. Thuyền mê dụ phương người/ Chợt một thoáng nghe chút hoài u tịch/ Trương Chi buồn. Sáo réo rắt chơi vơi/

Mường Mán tôi ơi! Bên bồi bên lở/ Dòng mặn cồn cào. Dòng ngọt ru nôi/ Nơi đó có tình yêu như thác lũ/ Vọng lời thơ. Ngậm sóng… bồi hồi”.

(Đêm Cà Ty sông hát – Nguyễn Thị Liên Tâm).

Mỗi nhà thơ có những cảm nhận khác nhau về dòng sông Cà Ty của Phan Thiết thân thương. Với những góp nhặt chưa thật đầy đủ của một người con của quê hương Phan Thiết, những nét đặc sắc khác nhau của Cà Ty với những cảnh sắc và con người gắn bó với dòng sông hiền hòa đã được tái hiện lung linh qua những bài thơ viết về Phan Thiết dài theo năm tháng.

 Dòng Cà Ty vẫn êm ả, mải miết trôi xuôi, ra cửa biển muôn trùng. Chỉ có những con người, ôm ấp những kỷ niệm khác nhau về dòng sông ấy, lưu lại những bài thơ.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Cà Ty trong thơ một số tác giả