Theo dõi trên

Nỗ lực gỡ “nút thắt” titan

08/06/2018, 07:59 - Lượt đọc: 30

BT- Chiều ngày 4/6, trong phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà về việc các dự án khai thác titan tại Bình Thuận đang gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt, trong khi điều 37 Luật Tài nguyên nước quy định tổ chức - cá nhân xả thải vào nguồn nước phải có giấy phép. Bộ Tài nguyên - Môi trường xử lý vấn đề này như thế nào?

Khai thác titan

Sau khi Bộ trưởng Hà trả lời, đại biểu Phúc chưa bằng lòng tiếp tục "truy": Qua trả lời của Bộ trưởng tôi có băn khoăn, đề nghị sau kỳ họp này Bộ trưởng có chỉ đạo rà soát lại các quy định pháp luật về dự án khai thác titan.

Vào tháng 11/2016, bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận do Phó Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà. Ngoài kiến nghị đưa Trung tâm điện lực Vĩnh Tân vào chương trình giám sát đặc biệt về môi trường, Đoàn ĐBQH còn kiến nghị Bộ trưởng không cho phép lấy nước ngầm để tuyển quặng titan như doanh nghiệp yêu cầu, do Bình Thuận là tỉnh khô hạn, nguồn nước ngầm chỉ đủ ưu tiên phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông ngiệp, chăn nuôi gia súc, ngăn ngừa nhiễm mặn.

Mới đây (chiều 31/5) tại Văn phòng Chính phủ, Đoàn lãnh đạo tỉnh Bình Thuận gồm có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn ĐBQH, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành. Trong nhiều kiến nghị Chính phủ tháo gỡ, Bình Thuận kiến nghị điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (theo QĐ 1546 của Thủ tướng Chính phủ năm 2013) và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (theo QĐ 645 của Thủ tướng năm 2014). Bình Thuận kiến nghị đưa một số khu vực ven biển có thế mạnh phát triển du lịch ra khỏi quy hoạch khu vực dự trữ quặng titan.

Trước đó qua công văn, UBND tỉnh đã có kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò khai thác titan và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, giải quyết dứt điểm việc chồng lấn giữa quy hoạch titan với các dự án khác.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 2/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng hàng loạt dự án ở Bình Thuận không triển khai được vì "vướng" titan. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lê Quang Mạnh đều cho rằng: Hiện khai thác titan không hiệu quả do giá titan xuống thấp, nhiều dự án titan hoạt động cầm chừng. Chúng tôi ủng hộ đề xuất của Bình Thuận đưa các mỏ titan chưa khai thác đó vào dự trữ quốc gia, để có thể sử dụng diện tích ven biển ấy vào mục đích khác như phát triển năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, du lịch... trong thời hạn nhất định từ 30 - 50 năm. Trước mắt các mỏ titan sẽ được chôn lấp lại để đảm bảo cảnh quan môi trường, cũng như làm nguồn tài nguyên để dành cho tương lai.

Bình Thuận có trữ lượng ước tính trên 599 triệu tấn quặng titan. Ngoài 19.000 ha trong quy hoạch thăm dò - khai thác titan, còn có 83.000 ha thuộc khu vực dự trữ quốc gia về khoáng sản titan. Tổng diện tích quy hoạch và dự trữ titan là trên 100.000 ha, phần lớn nằm dọc khu vực ven biển giàu tiềm năng, nên chồng lấn với các dự án khác như du lịch, điện gió, điện mặt trời... Nhiều năm nay các dự án chồng lấn với quy hoạch titan đều phải dừng lại, không triển khai được, gây lãng phí lớn tiềm năng, cơ hội phát triển của Bình Thuận. Đây là “nút thắt” lớn mà Bình Thuận đang phải nỗ lực tháo gỡ để phát triển kinh tế.

Mặt khác, khai thác titan cần một lượng nước lớn để tuyển quặng, nhưng nguồn nước ngầm ở ven biển Bình Thuận chỉ đủ đáp ứng cho sinh hoạt của dân cư và một số lĩnh vực thiết yếu, không thể cung cấp cho nhu cầu tuyển quặng titan. Tình trạng khai thác titan lậu, khai thác mà không đủ điều kiện, đang làm ô nhiễm, tàn phá môi trường, khiến nhân dân và cử tri địa phương bức xúc, Đoàn ĐBQH đã nhiều lần kiến nghị và chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội gần đây.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã hứa: Tôi xin tiếp thu ý kiến của đại biểu Phúc để rà soát lại các quy định pháp luật về khai thác titan. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì cùng Bộ Công Thương và tỉnh Bình Thuận giải quyết kiến nghị của tỉnh về điều chỉnh quy hoạch, khắc phục sự chồng lấn dự án. Hy vọng "nút thắt" titan sẽ dần được tháo gỡ.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗ lực gỡ “nút thắt” titan