Theo dõi trên

Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm phòng chống bạo lực

05/06/2018, 08:29

BT- Tình hình bạo lực gia đình trong thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ năm 2012 đến năm 2016, cả nước xảy ra trên 127.000 vụ bạo lực gia đình và khoảng 2-3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến bạo lực.

Nam giới chiếm 83,6% đối tượng gây bạo lực; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trẻ em sống trong gia đình có bạo lực, khả năng học tập bị suy giảm nghiêm trọng và một bộ phận các em có xu hướng sử dụng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn, xung đột với bạn bè. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng thời gian qua. Bạo lực gia đình còn làm gia tăng các loại tội phạm xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, giảm sút sức khỏe…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được cho là do chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương, chính sách pháp luật về gia đình. Công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống chưa phát huy hiệu quả cao; nhất là chưa xem việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là nền tảng, là tiền đề để hình thành nhân cách con người, từ đó kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường, cộng đồng và xã hội. Một trong những nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình ở nước ta là do nhận thức về bình đẳng giới còn rất hạn chế, bất bình đẳng giới là nguồn gốc của bạo lực gia đình, là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Quan niệm về bất bình đẳng giới đã đẩy phụ nữ vào vị trí thứ yếu, phụ thuộc vào nam giới. Vì vậy nạn nhân chủ yếu của bạo lực gia đình thường là phụ nữ và trẻ em.

Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2018 được phát động từ ngày 1/6 đến 30/6 với chủ đề “Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Trong đó hoạt động trọng tâm được thực hiện đồng loạt trên phạm vi toàn quốc trong mỗi gia đình với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”  vào ngày Gia đình Việt Nam trong khung giờ từ 17 - 19 giờ ngày 28/6.  Đây là hoạt động nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình đến vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững, đồng thời tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.

Để thực hiện có hiệu quả tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực, các địa phương cần có kế hoạch và phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tuyên truyền về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tôn vinh giá trị các mối quan hệ trong gia đình. Tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan bằng hệ thống pa nô áp phích, và hệ thống loa phóng thanh xã, phường, thị trấn. Tổ chức gặp mặt tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu, thăm, tặng quà một số gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Tổ chức tọa đàm, gặp mặt đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp lồng ghép trong chương trình tập huấn công tác gia đình năm 2018. Phát động tổ chức “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương’ trên toàn tỉnh đúng vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Về lâu dài, cần đưa mục tiêu chương trình hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của địa phương và bố trí đủ nguồn lực thực hiện. Tăng cường thông tin, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, vai trò của dòng họ, cộng đồng. Duy trì và nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình như: Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy, đường dây nóng tại cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời đối với những cá nhân, gia đình có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình.

Gia đình bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình. Vì vậy các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần xây dựng được quy chế, quy ước nhằm hạn chế mâu thuẫn có thể bùng nổ thành xung đột, tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gia đình - nguồn lực và trách nhiệm phòng chống bạo lực