Theo dõi trên

Công trình cấp nước Khu Lê Hồng Phong: Đào ao trải bạt tích nước phục vụ dân mùa khô

14/05/2018, 09:02

BT- Việc phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nước sau khi công trình cấp nước khu Lê Hồng Phong (Bắc Bình) hoàn thành vẫn là bài toán khó của đơn vị quản lý và địa phương bấy lâu nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khô hạn đang diễn ra nhiều nơi - nhất là vùng khu Lê, thì việc đào ao tích nước phục vụ nhân dân được coi là một giải pháp hay…

                
Ao tích nước và niềm vui của ông Tạ Thanh    Hải.

“Mắt ngọc” giữa sa mạc cát

Những ngày đầu tháng 5, nắng gắt và oi bức vẫn ngự trị trên vùng đất khu Lê Hồng Phong. Đi dọc tuyến kênh chính Tây, đập vào mắt chúng tôi là sự hiện diện của 4 ao trữ nước đang được thi công, trong đó 2 ao đã hoàn thành và bơm nước vào sử dụng.  Điểm khác so với trước đây là vùng sa mạc cát vốn khô khan, trơ trọi, nay có thêm dòng nước mát trong xanh nhìn tựa như “mắt ngọc”, làm dịu đi sức nóng của thời tiết. Hàng chục con bò của người dân chăn thả cũng lũ lượt tìm về nơi có nước… Tất cả hình ảnh ấy tạo cho chúng tôi một cảm giác mới, hy vọng mới về một viễn cảnh xanh trên mảnh đất này.

Đứng cạnh ao tích nước rộng 2.000 m2, sát bờ kênh chính Tây, thuộc khu vực Răm Ba - xã Bình Tân (Bắc Bình), anh Dương Ngọc Ánh - Trưởng Trạm bơm Khu Lê Hồng Phong, cho biết: Thời gian qua, khu vực dọc tuyến kênh chính Tây chưa có khu trữ nước, chưa có khu tưới và chỉ có lượng nước trên kênh không đáng kể. Một mặt không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của người dân địa phương, trong khi đó mỗi lần vận hành chạy máy tiêu tốn rất nhiều chi phí nhiên liệu. Do đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã có chủ trương đào ao trải bạt để tích nước, phục vụ nhân dân, nhất là vào thời điểm mùa khô. Đây cũng chính là một trong những giải pháp bước đầu để phát huy hiệu quả của công trình trạm bơm Lê Hồng Phong.

Cụ thể, anh Ánh cho biết: Theo kế hoạch trong năm 2018, công ty sẽ đào xong 4 ao trữ nước. Đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành xong 2 ao trải bạt chống thấm đầu tiên và bơm nước vào dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Kích thước trung bình mỗi ao 35 x 37 x 3m, diện tích mỗi ao 2.000 m2, chứa khoảng 4.000 m3 nước, với kinh phí 250 triệu đồng/ao. Nói về việc quản lý ao nước sau khi hoàn thành, đại diện Trạm cấp nước Khu Lê Hồng Phong cho biết:  Công ty có một đơn vị trực tiếp quản lý. Đồng thời, thông báo và hướng dẫn cho bà con trong vùng đến lấy nước. Mặt khác, tại các ao nước đều có bảng cảnh báo nguy hiểm, có phao cứu hộ đề phòng trường hợp tai nạn đuối nước có thể xảy ra. 

Dân hưởng lợi

Kể từ khi những ao “nhân tạo” được hình thành và tích trữ nước phục vụ miễn phí cho nhân dân, hơn ai hết, bà con sống quanh khu vực, chủ đất ven kênh là các đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Đáng kể đến là chị Nguyễn Thị Hà (thôn 4, xã Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc) có hơn 4 ha đất rẫy ở sát kênh Lê Hồng Phong đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất để công ty thủy lợi đào ao trữ nước. Chị Hà chia sẻ: Với diện tích đất rộng lớn, trước đây gia đình chỉ trồng cây bạch đàn, nhưng đều bị chết do không có nguồn nước tưới. Khi được cán bộ công ty thủy lợi đến vận động, tôi thấy được những lợi ích mang lại của việc đào ao nên đã đồng ý hiến đất. Bởi chỉ khi có nước, diện tích đất còn lại của gia đình và các hộ xung quanh mới phát huy hiệu quả sản xuất. Về dự kiến sắp tới, chị Hà cho biết, đang chuẩn bị làm đất, chuyển đổi sang trồng dừa xiêm lùn để phát triển kinh tế.

Phía đối diện ao nước là căn chòi của ông Tạ Thanh Hải (khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn, Bắc Bình), đang sở hữu 3,5 ha đất rẫy và chăn nuôi 5 con bò. Ông Hải cho biết: Trước đây tôi trồng cây keo nhưng hiệu quả thấp, hiện trạng là bãi đất cát trơ trọi. Nay có nguồn nước dự trữ dồi dào, tôi dự định chờ mưa xuống sẽ đào, lắp hệ thống tưới, lấy nước từ ao nước thủy lợi để xuống giống cây mãng cầu. Còn ông Đỗ Trường Thủy (KP Lương Nam, thị trấn Lương Sơn) - hộ chăn nuôi 20 con bò, chăn thả tại khu vực kênh cũng vui không kém. Theo đó, khi chưa có nước từ ao, hàng ngày ông Thủy phải chở nước từ nhà đến khu chăn thả để bò uống, nay đã có nguồn nước tại chỗ nên giảm rất nhiều thời gian, công sức.

    
    Khi công   trình cấp nước bắt đầu phát huy hiệu quả tưới, cũng là lúc các hộ dân   quanh vùng được hưởng lợi và lên kế hoạch cho việc trồng cây gì, nuôi   con gì để nâng cao hiệu quả kinh tế…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công trình cấp nước Khu Lê Hồng Phong: Đào ao trải bạt tích nước phục vụ dân mùa khô