Theo dõi trên

Hội nghị T.Ư 7: Điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu

11/05/2018, 07:47 - Lượt đọc: 26

Chiều 10/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.

Trước đó, trong buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tại phiên họp, các đồng chí Ủy viên Trung ương đi sâu phân tích nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Đề án đề ra, đặc biệt là việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, cũng như việc đảm việc cân đối thu chi bền vững của quỹ bảo hiểm.

                
      
      Hội nghị Trung    ương 7 khóa XII bước sang ngày làm việc thứ 4

Chính sách bảo hiểm xã hội bao gồm bảo hiểm hưu trí-tử tuất; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Đề án cải cách chính sách BHXH được xây dựng và trình Hội nghị Trung ương lần này hướng tớimục tiêu để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Đề án cải cách chính sách BHXH lần này, cho rằng đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, có tính thực tiễn và khả thi cao. Nội dung đề án thể hiện được tính nhân văn, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đây là một Đề án lớn cần được triển khai đồng bộ với nhiều đề án, chương trình khác mới đảm bảo sự thành công.

Đóng góp ý kiến về việc làm thế nào để phát triển được BHXH, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, trước hết cần phải chú ý phát triển kinh tế, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.

Hiện nay cả nước còn 15,6 triệu hộ kinh doanh cá thể mà bảo hiểm nhà nước chưa thể vươn tới. Dư địa còn rất lớn, nên thời gian tới cần tập trung để phát triển đến lực lượng này.

Ngoài ra, nhà nước cần có chủ trương hỗ trợ người khó khăn tham gia bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo ông Đào Ngọc Dung, mức hỗ trợ của nhà nước đối với hộ nghèo 30%, hộ cần nghèo 25% và người bình thường 10% chưa thực sự hấp dẫn. Vì trong thực tế, dù được hỗ trợ 30%, nhưng người nghèo vẫn khó có thể tham gia được.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, cần có thêm nhiều loại hình bảo hiểm, nhất là bảo hiểm tự nguyện hấp dẫn để thu hút người dân tham gia. Hiện chỉ có khoảng 200 nghìn người tham gia bảo hiểm tự nguyện là con số rất ít ỏi.

Bên cạnh đó, Trung ương cũng cần cân nhắc việc sửa điều kiện chế độ hưu trí từ 20 năm tham gia BHXH xuống 10 năm như trong Đề án:

“Đây là vấn đề hết sức thận trọng, có 10 năm đóng bảo hiểm là đã nghỉ hưu rồi mà trước đây là 20 năm. 10 năm thì tình hình quỹ của chúng ta như thế nào? Đóng 10 năm nhưng hưởng hưu trí 22 năm, thậm chí tuổi thọ tăng hơn nữa thì quỹ sẽ cân đối như thế nào?”. Cho nên không nên giảm quá sâu mà cùng lắm 15 năm đã là tích cực rồi”, ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.

Cần giải pháp để hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần 

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng. Điều này không chỉ làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc đóng bảo hiểm, mà cũng ảnh hưởng đến cân đối thu chi của quỹ.

“Mục tiêu của chính sách là đóng hiện tại để hưởng tương lai, đóng khi còn trẻ để sống khỏe khi về già. Tuy nhiên, hiện nay, cứ 2 người tham gia BHXH thì 1 người rút ra khỏi hệ thống. Do đó cần nghiên cứu tính toán quy định khi nhận trợ cấp 1 lần chỉ nhận phần người lao động đóng còn phần nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế được tình trạng này”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nêu kiến nghị.

Việc trốn đóng, nợ đọng BHXH cho người lao động cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tình trạng trốn, nợ đọng BHXH không phải là vấn đề mới mà diễn ra ở hầu hết ở các tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp khi xuất trình bảng lương của người lao động với cơ quan thuế cao hơn nhiều so với sổ lương của người lao động khi xuất trình với cơ quan BHXH. Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tăng mức chế tài đối với hành vi này và có sự tham gia của cơ quan thuế: “Cơ quan Thuế có thể sẽ thực hiện đồng thời với thu thế  và thu các khoản bảo hiểm bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, sẽ hạn chế tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội và tình trạng 2 sổ lương như hiện nay. Cần có sự liên thông giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH để thu BHXH theo tiền lương”.

Các đại biểu cũng kiến nghị cần có sự điều chỉnh luật pháp liên quan đến quy định công đoàn cấp cơ sở khởi kiện chủ doanh nghiệp nếu chậm đóng BHXH cho người lao động cho sát với thực tế, coi đây là biện pháp quan trọng để tránh tình trạng chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao đông.

Điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu

Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Các đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc này nhằm hướng tới đa mục tiêu như đối phó với tình trạng già hóa dân số, sự biến đổi của thị trường lao động, đảm bảo cân đối quỹ BHXH.

Các đại biểu cho rằng, tuổi nghỉ hưu thực tế ở nước ta hiện thấp nhất trong khu vực, trong khi tỷ lệ giữa mức đóng và mức hưởng ngày càng lớn. Bài toán cân đối quỹ do tự thân là rất khó khăn. Các đại biểu cũng khẳng định đây là thời điểm phù hợp để quyết định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần có lộ trình và phân tách các đối tượng có đặc thù nghề nghiệp,

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh, BHXH là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, vì vậy Đề án cải cách cần cân nhắc kỹ lưỡng từng phương án, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Xuân Dần/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, Chương trình hành động số 51, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị T.Ư 7: Điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là xu thế tất yếu