Theo dõi trên

Lính cứu hỏa… tôi nghe!

20/04/2018, 09:04 - Lượt đọc: 372

BT- Đêm 28/5/2015.

Reng, reng,…!

7h20 phút, kẻng báo cháy từng hồi vang lên.

Giành lại cái còn trong cái mất

Lúc ấy cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) mới bắt đầu bữa cơm tối. Nghe tiếng kẻng, Trung tá Trịnh Minh Hiển vội vã đứng bật lên khỏi ghế bỏ dở mâm cơm còn nóng hổi. Gương mặt anh căng như dây đàn. Tiếp đó, cả đơn vị đều bỏ bữa, các chiến sĩ trực ban vội khoác lên người bộ đồ cứu hộ, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng vào vị trí chờ lệnh xuất phát. Thông tin báo: Đám cháy xảy ra tại kho lạnh bảo quản thanh long của cơ sở thu mua thanh long Xuân Tình tại Km số 19 xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam. Tích tắc 1 phút đồng hồ, Trung tá Hiển đã nhận nhiệm vụ, phiếu chiến thuật và huy động hơn 14 chiến sĩ cùng 2 xe chữa cháy đến hiện trường. Tiếng còi xe cứu hỏa inh ỏi báo động lệnh ưu tiên. 2 xe chữa cháy lao đi vun vút. Công an huyện Hàm Thuận Nam trước đó đã nhận điện thoại bảo vệ hiện trường cũng tỏa ra phân luồng trên tuyến quốc lộ 1A, nhờ vậy đường đi thông suốt nên chỉ 10 phút đội cứu hỏa đã có mặt tại đám cháy.

                
Các chiến sĩ chữa cháy nỗ lực dập tắt đám    cháy.

Lửa ngùn ngụt bốc lên, khói đen kịt cả một vùng trời. Tiếng người la hét hỗn loạn. Xung quanh người dân tập trung đông nghẹt. Thấy xe chữa cháy đến người dân có phần yên tâm hơn. Họ trông chờ người lính cứu hỏa sẽ nhanh chóng dập được ngọn lửa hung tàn. Với kinh nghiệm chiến đấu với giặc lửa, trên đường đi, chỉ huy Hiển đã triển khai cho các chiến sĩ  phương án chữa cháy, xử lý tình huống. Vì vậy, khi tới nơi các chiến sĩ nhanh chóng làm nhiệm vụ. Khói độc tỏa ra dày đặc hạn chế tầm nhìn, do vậy việc tiếp cận được gốc lửa để dập tắt rất khó. Không ngại nguy hiểm, Trung tá Hiển cùng lực lượng chữa cháy đeo mặt nạ chống độc thận trọng vào kho xác định gốc lửa, phá dỡ mái nhà để khói thoát, tạo điều kiện cho các mũi tiến công tiếp cận cửa,  cũng như phun nước làm mát xung quanh khu vực cháy. “Lửa lớn, khu vực kho lạnh có chiều hướng sẽ cháy lan toàn bộ cơ sở và khu vực nhà dân xung quanh”, tiếng Tiểu đội trưởng báo cáo. Nhận định đám cháy có thể diễn biến phức tạp có thể sẽ lan rộng ra 5 kho lạnh liền kề. Nguy hiểm nhất là sụp đổ 3.150m2 nhà xưởng khung thép mái tôn. Lúc đó sẽ vô cùng khó khăn cho việc dập lửa. Trung tá Hiển liền xin chi viện thêm 3 xe và 26 cán bộ chiến sĩ để đảm bảo việc chữa cháy hiệu quả. Sau 4 giờ đồng hồ đánh “giáp lá cà” với giặc lửa, lượng khói, nhiệt độ trong kho giảm. Lúc ấy, Trung tá Hiển cùng các chiến sĩ khuân những khay thanh long chưa bị cháy ra khỏi kho trong tiếng reo hò mừng rỡ của người dân. Đội chữa cháy đã nhanh chóng khuân toàn bộ 50 tấn thanh long ra ngoài, 3 kho lạnh được bảo vệ an toàn với giá trị hàng chục tỷ đồng. Trong suốt quá trình chữa cháy, khói độc, nguy cơ sụp đổ công trình đe dọa đến tính mạng. Hơn bao giờ hết, khi đối mặt với lửa người lính cứu hỏa với sự can trường, lì lợm được tôi luyện trong quá trình học tập và rèn luyện đã lao vào đám cháy giành giật lại cái còn trong cái mất, cứu lấy tài sản của cơ sở thu mua thanh long. Và nếu không có chiến thuật hợp lý và bề dày kinh nghiệm chữa cháy của Trung tá Hiển chắc chắn sẽ không tránh được thương vong và thiệt hại không nhỏ tài sản của người dân. Khi đám cháy được khống chế thì đã quá nửa khuya. Các chiến sĩ chữa cháy mặt mày đen sạm không giấu được niềm vui đã hoàn thành nhiệm vụ. Họ hạnh phúc vì đã cứu được tài sản của công ty. Từng đoàn xe lại nổ máy, vun vút lao đi trong đêm trở về vị trí thường trực chiến đấu.

  Gắn với nghề

Trung tá Hiển rời tỉnh Nam Định vào Bình Thuận công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH từ năm 1994. Anh từng đảm nhận nhiều nhiệm vụ lính cứu hỏa, cán bộ phòng tham mưu nay là Phó Trưởng Phòng PCCC. 18 năm theo nghề chữa cháy, tham gia chữa hàng trăm vụ cháy, những hình ảnh người dân reo hò vui mừng khi đám cháy Xuân Tình được dập tắt làm anh cứ nhớ mãi. “Mình vui vì đây là vụ chữa cháy bảo vệ hiệu quả tài sản của người dân. Doanh nghiệp họ mừng rơi nước mắt, đã trực tiếp đến đơn vị cảm ơn chiến sĩ chữa cháy”, anh Hiển nói với niềm vui. Đây là một trong số những vụ cháy những người lính cứu hỏa đối mặt với hiểm nguy. Có những đám cháy lính cứu hỏa phải mất nhiều giờ, nhiều ngày để cứu chữa. Trước đó, vụ cháy xưởng gỗ Anh Huy ở phường Phú Hài. Khi nhận được tin báo cháy của doanh nghiệp lúc 0 giờ, đám cháy đến sáng ngày hôm sau mới được dập tắt. Nhờ linh hoạt tận dụng được nước sông Phú Hài lên cao, đội chữa cháy mới dập lửa thành công. Hay gần đây nhất các vụ cháy quán cà phê Nhà đất đường Võ Văn Kiệt (Phan Thiết), cháy cơ sở thu mua đóng gói thanh long Linh Đan (Hàm Thuận Nam)…  “Khi đã dấn thân vào nghề chữa cháy chúng tôi luôn xác định không sợ hiểm nguy,  sợ không đủ bản lĩnh đương đầu với khó khăn, gian khổ mà chỉ sợ mình đến không kịp lúc. Sợ rằng nơi nào đó người dân đang gặp nguy hiểm, khi chạy xe trên đường làm nhiệm vụ bị gặp phải trở ngại”. Làm nghề chữa cháy không ít lần làm vợ buồn, bởi thường xuyên bỏ dở việc nhà mà đi. Ngay cả khi con nhập viện vẫn lo đi chữa cháy. Vậy mà, hễ biết mình tham gia chữa cháy chỉ khi nhận được điện thoại đã về đến đơn vị thì vợ mới yên tâm, anh mộc mạc kể.

Mệnh lệnh từ trái tim

Vụ hỏa hoạn 23/3 tại chung cư Carina TP. Hồ Chí Minh là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất 15 năm trở lại đây, làm 13 người tử vong hàng chục người bị thương. Hàng loạt những cảnh tang thương, những căn hầm cháy đen, những chiếc thang dây bằng vải nối từ ban công tầng trên xuống tầng dưới do người dân tạo đã gây niềm xúc động trong bao người. Nhiều người khó lòng quên những tấm gương dũng cảm cứu người của các chiến sĩ PCCC. Ở Bình Thuận, mặc dù không nhiều những tòa nhà cao tầng, nhưng sự cố cháy luôn là một hiểm họa tiềm ẩn. Thống kê Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 47 vụ cháy làm 10 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính trên 35 tỷ đồng. Chỉ riêng trong quý 1/2018 đã xảy ra 24 vụ, tăng 50% số vụ so với cùng kỳ, làm 2 người bị thương, thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng. Thực tế này đặt ra cho người lính cứu hỏa cần phải nỗ lực rất nhiều trong chuyên môn.

Hiện toàn tỉnh có 4 đội chữa cháy gồm: Đội PCCC Phan Thiết, 3 đội PCCC khu vực: La Gi, Đức Linh và Tuy Phong. Đa phần những người lính cứu hỏa tuổi đời còn rất trẻ nhưng giàu tình yêu nghề và khát khao cống hiến. Họ luôn xác định nghề cứu hỏa là nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn nhưng luôn sẵn sàng xả thân  thực hiện nhiệm vụ. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Hiển nhắc đến chiến sĩ trẻ Lương Thế Anh (27 tuổi), hai năm công tác chữa cháy Anh đã tham gia hơn 20 vụ chữa cháy. Là tiểu đội trưởng, Thế Anh có nhiệm vụ chỉ huy các chiến sĩ ở từng vị trí, đồng thời là người trực tiếp tiếp cận đám cháy để xác định gốc cháy, từ đó đề ra cách dập tắt lửa. Thế Anh còn nhớ lần đầu tham gia chữa cháy tại xưởng may khi còn là sinh viên thực tập. Anh lao vào biển lửa, khi vào rồi mới thấy sợ, bởi một phần lửa nóng, một phần những mảng tường, những kiện hàng liên tục rơi xuống, không cẩn thận là có thể nguy hiểm đến tính mạng. “Em hiểu rằng mỗi một tích tắc trôi qua đều trở nên vô cùng quan trọng vì chỉ cần chậm lại một chút thôi tài sản và tính mạng của người dân sẽ bị đe dọa”, Anh quyết tâm cùng đồng nghiệp dập tắt lửa. Sau cái lần đầu so găng với “bà hỏa”, Anh tự nghiệm ra rằng: Muốn trở thành người lính chữa cháy giỏi trước tiên phải rèn luyện được tâm lý thật vững vàng, bình tĩnh xử lý tình huống.

Theo chân Thế Anh và các đồng nghiệp luyện tập mới hiểu hết sự vất vả, chương trình huấn luyện bồi dưỡng rất khắc khe của Cảnh sát PCCC - CNCH. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đổ máu…”, là phương châm rèn luyện của người lính chữa cháy. Cuộc đời người lính PCCC xác định cơ quan là nhà, công việc là hơi thở, đồng nghiệp là người thân, các bài tập là sinh hoạt đời thường. Những người lính cứu hỏa được phân công đánh số thứ tự trực chiến suốt 24/24 h với cả 7 ngày trong tuần và 12 tháng trong năm. Môi trường quân ngũ nghiêm ngặt “ăn theo kẻng, ngủ theo giờ”, tinh thần đồng đội cao khi làm nhiệm vụ đây là thách thức đối với những thanh thiếu niên mới rời ghế nhà trường. Chưa kể, lính cứu hỏa thì gần như phải “lên ca” thường xuyên, do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ để lúc nào cũng có thể hoạt động hết công suất. Trong ca trực, bất kể giờ giấc nào, chỉ cần nghe tiếng chuông báo cháy là ngay lập tức lên xe chữa cháy và “ra trận”. Có những lúc đang tắm dở, vừa ngồi vào bàn ăn, nghe tiếng chuông báo cháy liền khoác áo đi làm nhiệm vụ. Nghề chữa cháy là nghề người ta chạy ra, còn mình chạy vào để chiến đấu với “giặc lửa”. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự tâm huyết với nghề. “Khi còn học tại Đại hoc PCCC, em nghĩ: Khi có cháy, mình chỉ cầm vòi phun nước là có thể dập được lửa. Thực tế không phải vậy, bởi chẳng có đám cháy nào giống nhau. Phải biết vận dụng linh hoạt những kiến thức đã được học vào thực tế và kết hợp với việc rèn luyện tâm lý, bản lĩnh ý chí chiến đấu”, Thế Anh nói.

... Trò chuyện với những người lính chữa cháy như Trung tá Hiển, Tiểu đội trưởng Thế Anh và những người lính cứu hỏa trẻ khác, tôi nhận thấy ổ họ là sự lì lợm và can trường khi làm nhiệm vụ, nhưng lại rất giản dị, giàu tình cảm trong cuộc sống. Niềm vui và sự động viên lớn nhất với họ chỉ khi những người bị nạn được cứu thoát, tài sản sau vụ hỏa hoạn không bị thiệt hại quá nhiều. Tình đoàn kết trong công việc cũng luôn được nêu cao, mỗi khi có người nào gặp sự cố, ngay lập tức các đồng đội hỗ trợ. Chính vì thế, những chiến sĩ PCCC tỉnh càng thêm quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, nghe những lời cảm ơn, những giọt nước mắt nóng hổi của người dân vì vui mừng, người lính chữa cháy cảm thấy ấm lòng.                      

 Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lính cứu hỏa… tôi nghe!