Theo dõi trên

Mong có kênh dẫn nước về đập Cẩm Hang

18/04/2018, 09:46

BT- Để hạn chế thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng, mấy năm gần đây người dân xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) đã chủ động khoan giếng, đào ao tích nước, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp mùa nắng hạn... 

                
Ao chứa được gia đình anh Nguyễn Văn Ròm đào để trữ nước.

 Tranh thủ lúc vợ đang canh máy bơm nước hay tưới thanh long, anh Nguyễn Văn Ròm (đội 8, thôn 3) lại chạy ra đầu thôn để xin nước sạch về nấu ăn. Nhà không có dụng cụ chứa nước lớn nên cứ 2 ngày anh lại thực hiện công việc ấy một lần. Tiếng nước chảy vào bể ào ào xua tan nóng bức, ngột ngạt của những ngày đầu tháng 4. Cạnh đó chiếc máy bơm nước đang hoạt động hết công suất để bơm mạnh nhất lượng nước vào hồ. Xưa nay người ta đào hồ để trữ nước mưa hay lấy nước ở các công trình thủy lợi về, chứ ít ai bơm từ giếng khoan xuống hồ rồi từ đó bơm ngược lên tưới cho cây.

Đem thắc mắc ấy hỏi Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sông được biết: Hàm Cần chưa phải là địa bàn trọng điểm hạn của tỉnh nhưng một số vùng như thôn 1, 3 và thôn Lò To trong mùa khô cũng bị ảnh hưởng, dù không còn thiếu nước trầm trọng như trước. Mấy năm nay chính quyền xã luôn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trong dân việc sử dụng nước tiết kiệm, chủ động đào, nạo vét ao tích nước trong mùa mưa, bảo vệ và tận dụng các nguồn nước ngầm ở suối, đối với gia đình có điều kiện nên mua các thùng chứa nước có nắp đậy. Nhiều hộ khoan giếng sử dụng, tuy nhiên nước nhiễm phèn nên để đảm bảo chất lượng nước và tưới tiêu, họ đã bơm vào hồ mục đích giảm lượng phèn, đồng thời phòng những ngày nguồn điện không đảm bảo khó lấy nước từ giếng lên.

Không chịu khuất phục trước khó khăn của vùng đất, của thời tiết, người dân Hàm Cần đã biết vận dụng nhiều cách để sống “hòa thuận” với nó để không bỏ ruộng, giảm đàn gia súc. Các hộ có thanh long thì chủ động điều tiết 4 - 5 ngày tưới một lần, cắt cỏ tấp gốc cho cây, chăn thả đàn gia súc ở khu vực xa nhưng có nguồn cỏ và nước uống từ khe suối... Điều này chứng tỏ nhận thức của người dân trong vùng mà đa số là đồng bào dân tộc Rai đã nâng cao. Năm 2017 toàn xã chỉ còn 194 hộ nghèo, chiếm 16,1% so tổng dân số toàn xã.

Ông Nguyễn Văn Sông thông tin thêm: “Ngoài trồng lúa và bắp thì diện tích đất nông nghiệp của xã rất phù hợp trồng cây thanh long, hiện 3.200 trụ thanh long của 32 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ nhằm xóa nghèo bền vững đang phát triển tốt. Vì vậy để đảm bảo sản xuất cây trồng và chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xã kiến nghị các ngành chức năng sớm đầu tư hệ thống kênh hòa mạng từ đập Dâng Hàm Cần về đập Cẩm Hang để phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sinh hoạt cho đồng bào Rai”. 

T.LINH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong có kênh dẫn nước về đập Cẩm Hang