Theo dõi trên

Tháo gỡ “thẻ vàng eu”!

02/04/2018, 09:01

Bài 2: Lời hứa cho ngày 30/4/2018

BT- Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, đã có nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU). Cuối tháng 4/2018, EU sẽ xem xét nỗ lực của Việt Nam, sau khi cho phép thời hạn khắc phục 6 tháng. Dù có hay không tháo gỡ “thẻ vàng” đối với những sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu, thì đây là bài học cảnh báo, mà trong đó ngư dân đóng vai trò chính.

 Chỉ thị 30 và những giải pháp cứng rắn

Như chúng tôi đề cập, Bình Thuận là một trong những tỉnh trọng điểm có số lượng tàu cá và ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho ngư dân khi tài sản bị tịch thu, đánh chìm tàu, người lao động bị phạt tiền, chủ tàu bị phạt tù, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều gia đình lao động biển. Mà hơn hết ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia trên trường quốc tế, tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới. Để giải quyết căn cơ vấn đề, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TU ngày 16/1/2018 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

                
      
Tàu công suất lớn tham gia đánh bắt cần    chấp hành các quy định, không xâm phạm lãnh hãi.    

Theo Chỉ thị 30, những địa phương có nhiều tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, phải tổ chức kiểm điểm, phê phán chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm trước cộng đồng ngư dân địa phương, công khai danh sách tàu cá vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trước ngày 30/4/2018 phải chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân trong tỉnh đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh nhấn mạnh: “Để làm được điều này, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt. Nếu sau ngày 30/4, tàu cá, ngư dân địa phương nào vẫn tái phạm thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương ấy, các ngành và các cơ quan chức năng liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh”. Ngoài ra, Chỉ thị 30 cũng nêu rõ, nếu phát hiện chủ tàu, thuyền trưởng có hành vi đưa tàu cá, ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, phải xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác vĩnh viễn; điều tra, xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm.

Sẽ điều tra các đường dây

Nhiều ý kiến hiện nghi ngờ rằng, đang có một đường dây ngầm móc nối đưa các tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang các vùng biển nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp. Thượng tá Lê Việt Thắng – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hiện nay ở các tỉnh, thành khác đã phát hiện có tình trạng bảo kê với 20 – 30 triệu đồng/chuyến ra khơi. Các tàu này sẽ được treo cờ, sơn màu như tàu nước sở tại để đánh bắt trái phép. Thậm chí các “cò mồi” còn liên kết với ngư dân các nước để đưa lao động sang hoạt động chui. Hiện nay, Công an tỉnh đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng để điều tra trong tỉnh có trường hợp này không? Nếu có sẽ nhanh chóng triệt phá, xử lý và truy tố theo quy định pháp luật.

Để chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, các địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực, cũng như các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp ngư dân hiểu và thực hiện một cách triệt để. Tất cả các phương tiện, nhất là số tàu thuyền đánh bắt xa bờ đều phải ký cam kết không xâm phạm vùng biển của các nước tiếp giáp để khai thác hải sản trái phép và phải bật định vị trước khi xuất bến. Kiên quyết đưa những tàu thuyền vi phạm ra khỏi danh sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ – TTg về một số chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển. Không cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đăng ký hoặc đưa ra khỏi danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và không giải quyết các chính sách theo nghị định này… Song song đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng không phát triển thêm tàu cá thuộc nhóm có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (câu khơi, nghề lặn), không hỗ trợ đóng mới tàu dịch vụ chuyên cung ứng nhiên liệu trên biển.

Những biện pháp quyết liệt căn cơ đã đề ra, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân, hy vọng sau ngày 30/4 sẽ không còn tàu cá, ngư dân trong tỉnh vì lợi nhuận trước mắt lại liều lĩnh sang nước bạn đánh bắt, góp phần cùng cả nước phát triển ngành thủy sản một cách bền vững và hiệu quả.

    
  

  •  EU cho   rằng đánh bắt cá bất hợp pháp là mối đe dọa lớn nhất đến việc duy trì,   bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những   tác động nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế - xã hội trên phạm   vi toàn thế giới. Các quốc gia có ngư dân đánh bắt cá bất hợp pháp sẽ bị   phạt thẻ vàng cảnh cáo. EU sẽ xem xét án phạt này vào 6 tháng sau. Trong   trường hợp các quốc gia nhận thẻ vàng mà không có biện pháp khắc phục   phù hợp thì có nguy cơ nhận thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu   thủy sản vào EU, thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Tháng   10/2017, Việt Nam bị EU phạt vào thẻ vàng. Việt Nam đang thực hiện nhiều   biện pháp để khắc phục tình trạng này, đặc biệt là tháng 11/2017, Quốc   hội thông qua Luật Thủy sản sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2019), quy định   khung hình phạt đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm, 2 tỷ đồng đối với   tổ chức.

    • Phó Bí   thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh đã biểu dương huyện Phú Quý bám   sát địa bàn, kịp thời phát hiện 3 tàu cá có dấu hiệu chuẩn bị đi đánh   bắt vùng biển nước ngoài. Hiện lực lượng chức năng của huyện đang tạm   giữ các chủ tàu để mở rộng điều tra.

Điều tra: Đình Nhượng - Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháo gỡ “thẻ vàng eu”!