Theo dõi trên

Trồng đậu phộng tưới nước mini pan cho hiệu quả cao

26/03/2018, 09:32

BT- Giảm số lần tưới nước, nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí nhân công… Đó là kết quả ban đầu của mô hình trồng đậu phộng tưới nước mini pan được các hộ dân tại huyện Bắc Bình thực hiện.

Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống người dân trong vùng đất cát ven biển huyện Bắc Bình, “Mô hình chuyển đổi canh tác đậu phộng chịu hạn thích ứng với biến đổi khí hậu và tưới nước tiết kiệm trên đất cát kém hiệu quả” đã được Ban điều phối dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến biến đổi khí hậu tỉnh Bình Thuận thực hiện. Mô hình thuộc gói thầu “Tư vấn kỹ thuật về các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Bình Thuận”, do đơn vị tư vấn là Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ triển khai.

Mô hình trồng đậu phộng tưới nước phun mưa theo mini pan được triển khai trồng từ tháng 7/12/2017 – 6/1/2018 với 9 hộ tham gia tại các xã Bình Tân, Hòa Thắng, Hồng Phong, huyện Bắc Bình trên quy mô 5,5 ha. Bên cạnh đó, giống đậu phộng L14 được đưa vào trồng, đặc điểm giống này chống đổ tốt, kháng bệnh bạc lá, cho năng suất cao… Đồng thời, các hộ dân cũng được chuyển giao kỹ thuật sử dụng chảo bốc thoát hơi nước để xây dựng lịch trình tưới nước, quy trình kỹ thuật áp dụng, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh… Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho biết: “Mini pan là một chảo bốc thoát hơi nước có đường kính 60 - 80 cm, được dùng để xác định thời điểm tưới thích hợp cho cây trồng, đồng thời dựa vào loại đất, độ sâu của tầng rễ hoạt động để xác định liều lượng nước tưới hợp lý”. Đến ngày 15/3/2018, kết quả ứng dụng xác định thời điểm và lượng nước tưới theo mini pan cho cây đậu phộng năng suất khô thực thu là 23,6 tạ/ha, tăng hơn so với đối chứng ngoài mô hình là 4,1 tạ/ha. Tưới nước theo phương pháp mini pan với péc phun số lần tưới trong mô hình là 38 lần, thấp hơn 6 lần tưới so với phương pháp tưới bằng péc phun thông thường (44 lần). Ngoài ra, lượng nước tưới khi sử dụng mini pan là 3.800 m3/ha/vụ, giảm hơn 21% lượng nước tưới khi sử dụng phương pháp tưới péc phun truyền thống như hiện nay là 4.840 m3/ha/vụ. Hiệu suất sử dụng nước của cây đậu phộng tại Bắc Bình tăng 55% so với phương pháp thông thường. Anh Nguyễn Văn Minh (Hòa Thắng, Bắc Bình) cho biết: “Kết quả mô hình trồng đậu phộng cho thấy nguồn giống đậu L14 giống tốt, hạt to. Ngoài ra, việc áp dụng lượng nước tưới khi sử dụng mini pan tiết kiệm được nguồn nước và giảm nhân công lao động, năng suất đạt hơn giống đậu thông thường. Tuy nhiên, do lần đầu tiên áp dụng mô hình, việc thu hoạch bị chậm nên ảnh hưởng phần nào đến năng suất trong đợt này”.

Theo tính toán, với giá đậu phộng khô hiện nay là 25.000 đồng/kg thì tổng doanh thu mô hình là 59 triệu đồng/ha và lãi thuần là hơn 27 triệu đồng/ha. Trong khi đó, sản xuất phương pháp truyền thống thì doanh thu chỉ đạt hơn 48 triệu đồng/ha và lãi thuần là hơn 20 triệu đồng/ha. Như vậy, trồng đậu theo mô hình tưới mini pan bằng péc phun mưa so với đối chứng thì năng suất tăng 21% và lãi thuần tăng hơn 33%. Mô hình được thực hiện góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận, giúp người dân trồng đậu phộng  tiếp cận các biện pháp canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đất cát Bình Thuận để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân và góp phần giảm thiểu sự thoái hóa đất, hoang mạc hóa.                  

H.Châu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trồng đậu phộng tưới nước mini pan cho hiệu quả cao