Theo dõi trên

Thuận Nam, những ký ức đi xa về gần

23/02/2018, 09:19 - Lượt đọc: 6

BT- Con người ta có thể nào cứ mơ đi mơ lại một giấc mơ ấy, tôi nghĩ trường hợp này của tôi dường như xuất phát từ một ước muốn bù đắp gì đó. Cảnh mơ rõ ràng thuộc về vùng đất Cao Cương (Thuận Nam và Tân Lập ngày nay): Một con đường dốc có cái sườn núi rựng vàng mai nở, núi dáng tượng phủ phục, có lẽ là núi Tà Cú và dáng một người phụ nữ mặc áo bà ba tất tả gánh gồng, hai mắt buồn rười rượi dưới cái mê lá rách đến bung vành. Trong giấc mơ, tôi còn cảm giác rõ cả ngọn gió núi xoáy quặn se lạnh thổi qua da thịt khiến tôi phải co ro một hồi lâu… Tất cả, từ dáng người đi, áo quần đến cả đôi mắt buồn đều giống má tôi khi còn sống nhưng tình cảm biểu lộ trên khuôn mặt ấy thì không phải má tôi. Và rồi dông gió đột ngột nổi lên, cánh mai vàng bay đầy trời như một bầy bướm khổng lồ. Lạ lùng là những cánh mai biến thành bướm thật nhưng chỉ là những xác bướm lả tả, la liệt khắp nơi… Tôi trong giấc mơ đã thật sự bấn loạn, không biết đâu là mai đâu là bướm, không biết cơn gió đã làm gì mà...

                
Khu du lịch núi Tà Cú. Ảnh: Ngọc Lân

Nhiều lần, sau giấc mơ tôi thức dậy bần thần, chưa hiểu nổi những hình ảnh trong khung cảnh chạp vàng ấy nói lên ý nghĩa gì. Cũng không hẳn đó là sự trách móc từ phía má hay dằn vặt từ phía tôi trong cái ngày má đi xa mà tôi không có mặt. Cũng không hẳn tâm hồn tôi đặc biệt nhạy cảm vào cái tiết cuối năm se lạnh, ngay từ thời niên thiếu đã bộc lộ như vậy nên hình ảnh ghi nhận thời ấy ăn sâu tới mức trở thành ký ức khó phai. Rồi tại sao lại sườn núi rựng vàng mai, trong khi hình ảnh này mới chỉ đập vào mắt tôi trong thời đi dạy học sau này? Sự lắp ghép hình ảnh trong giấc mơ cũng là điều dễ hiểu nhưng tất cả cùng một loại logic của câu chuyện buồn, của những bước chân đi xa về gần (một kiểu ý thức mà sau này tôi mới nghiệm ra)...

Dạo này tôi ít uống trà nên đi tìm rót cho mình ly nước vối để tỉnh thức khi hãy còn khuya sớm. Giấc mơ lặp lại nhiều lần ấy cứ khiến tôi nằm đó, mắt nhắm nhưng giấc ngủ thì không sao trở lại được nữa. Những câu hỏi không sao trả lời được và cả những cố gắng trả lời, lý giải cũng tự cảm thấy không xác đáng, chẳng nhập đâu vào đâu. Tháng chạp năm ngoái tôi cũng trải qua nhiều đêm với một giấc mơ như thế này. Có gì đó vào cái thời khắc cuối năm như một vết thương, một lỗ thủng, một vùng quặn đau trong cái ký ức vốn buồn nhiều hơn vui của tôi.

Tôi đổi về dạy ở huyện Hàm Thuận Nam ngay từ thời thành lập huyện (ghép hai cái đuôi rẻo của Hàm Thuận và Hàm Tân thành huyện mới). Lúc ấy, 1983, thầy Trần Văn Thân, Trưởng Phòng Giáo dục Hàm Tân, ký quyết định chuyển tôi về huyện mới (thầy cũng thuyên chuyển qua luôn). Nhà tôi ngày xưa ở quận lỵ Hàm Tân cũ, tức Tân Hải, La Gi bây giờ, không thể gọi là về gần nhà được mà cũng không thật xa lắm, hai nơi khác nhau, một bên gió núi, một bên gió biển. Thế nhưng có gì đó rất gần gũi, quen thuộc, có lẽ do hình ảnh núi Tà Cú đã gắn vào ký ức bao thế hệ.

Năm năm đầu tiên tôi về Trường Thuận Quý, thời bấy giờ gọi là điểm Thuận Quý (chưa thành lập xã). Sáng sáng, học trò đi học như những chiếc nấm nho nhỏ lú dần lên đồi, đó là các em đến từ Đội 7, Đội 6, nhìn các em thương lắm. Nhưng mục tiêu học tập nâng cao của tôi cũng đang sôi nóng trong đầu nên quả thật lòng người có lúc dao động, buồn bã. Sau, sự phát hiện ra con đường đi dọc bãi biển ra Phan Thiết để học thêm làm tôi hưng phấn hơn lên. Cuối tuần, tôi cứ đi, mệt thì nghỉ, nằm dài trên bãi biển mà ngủ, chân thò xuống cách mép sóng biển một đoạn, khi nào sóng dâng ướt chân thì thức dậy đi tiếp. Con đường đi học thêm của tôi cũng có nét tương đồng với những “học trò như những chiếc nấm lu lú lên trên đồi” do vậy mà thầy trò thương yêu gắn bó với nhau như người nhà.

Có câu chuyện vui mà thật, thật mà vui, một lần tôi đang ngồi xe lam đi từ Tân Thuận ra Tân Lập, một bà khách lớn tiếng chê “xe chạy không bằng thầy Hiệp đi bộ!” tài xế quay lại: “Bà biết thầy Hiệp là ai mà nói, ổng ngồi sát bên mà bà có biết đâu. Thấy chưa?!”. Tội nghiệp bà khách nhìn sang tôi chỉ một lần rồi tẻn tò tắt tiếng suốt chuyến đi ấy. Kể vậy để thấy hồi ấy tôi đi bộ nhanh lắm, vậy nên nhiều bạn bè cứ nhớ câu thơ tự trào của tôi: “Dáng đi tối ngày lầm lũi/ Lúc nào cũng khát môi hôn”.

Trong thời gian này, má tôi hay bệnh nên tôi thường về nhà, lúc nhận tin má bệnh, nửa đêm tôi cũng băng rừng về, đi trong đêm một tay phải che trước mặt phòng cây chọc vào mắt. Xe đạp gửi nhà một người quen, nhiều lần tôi đến nơi lấy xe, cả nhà đang ngủ say. Vậy đó mà khi đổi về phụ trách Trường Tân Lập rồi, chỉ còn cách nhà hai mươi cây số mà má qua đời tôi không hay biết gì.

Ngày trước, liên lạc khó khăn chứ không như bây giờ (mua gạo, mua hàng đều phải xếp hàng cả ngày chớ không điện thoại gọi dặn như thời hiện đại này), vậy nên mới có chuyện dằn vặt kéo dài sau chuyến đi xa của má tôi, vậy nên mới có những giấc mơ trùng nhau lặp đi lặp lại mãi như vậy.

Tôi không cố dùng sự suy lý của mình để đi vào những câu hỏi và câu trả lời cho những giấc mơ giống nhau và hằn lên vẻ u buồn đó nữa. Thế đó, khi không hề cố nữa, một chiều tháng chạp, khi cơn gió tết hây hẩy thổi về, các cành cây trong vườn nhà tôi dường như đang run rẩy, mấy chiếc lá vàng chợt rơi nghiêng qua mặt. Những chiếc lá ấy cong cuống ngửa mặt trên vệ cỏ đang nhìn tôi, tôi chợt hiểu thông giấc mơ lặp lại nhiều lần ấy, không có gì rõ ràng theo lí trí của con người cả nhưng nó là một thông điệp, một phần cũng xuất phát từ những dằn vặt của tôi thật, nhưng phần lớn là nó kết lại nhiều lần suy tư về đời sống con người trong những ngày hoang hoải buồn chán một thời của tôi. Không gian giấc mơ chính là vùng từ trường tình thương mà tôi có được và cũng đã bị mất đi (nó thể hiện phần nào những biến động trong gia đình tôi và cả những mất mát bên ngoài). Và cái lẽ hư vô đã hiện về trong giấc mơ tôi bằng những hữu hình gắn bó như vậy, có gì đó tạo thành giấc mơ bù đắp của con người đã nằm hết bên ngoài tất cả những triết thuyết mà tôi học được. Ý nghĩa giấc mơ đã hiện rõ: Đi xa là để về gần như một chú thích của cố thi sĩ Bùi Giáng từng ghi ra cuối trang sách cũ.

Không hoài nghi gì nữa, ký ức chạp, ký ức về vùng đất Thuận Nam của tôi cũng là ký ức của những người con Việt xem chữ tình nặng trĩu trên bước đường đi đi về về của một kiếp nhân sinh. Sau này, khi viết, cuối một tác phẩm bao giờ tôi cũng ghi: “Chân núi Tà Cú, ngày tháng năm” bởi trong câu chữ ấy luôn có những mối tương quan giữa trời, đất và những giấc mơ của người, nó ẩn khuất trong đó nỗi buồn đã qua và những liên tưởng đến một chiều không gian khiêm cung mà tôi luôn tự nhủ cần có nơi một người luôn sôi nóng những dự án trong đầu như tôi. Cuộc sống trữ tình và luôn vận động hy vọng ký ức mới hơn của tôi, của vùng đất Thuận Nam, sẽ không còn những giấc mơ lặp lại buồn bã như trước đây!

Tạp bút: Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thuận Nam, những ký ức đi xa về gần