Theo dõi trên

Ðường xưa…

24/11/2017, 14:00 - Lượt đọc: 222

BT- Dưng không tôi lại nhớ về một con đường đẹp ở Phan Thiết trước 1975,   đường Hải Thượng Lãn Ông, đoạn chạy dọc tường rào Tiểu khu Bình Thuận xưa (nay là UBND tỉnh).

                       
   Đầu đường Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh:    T.Linh

Hàng ngày tôi đi bộ khoảng 3 cây số để đến Trường Phan Bội Châu, cũng như khi chưa có cầu Trần Hưng Đạo, muốn tới được trường, phải qua cầu Quan. Cầu Quan  hay còn gọi là cầu Sắt (cầu Lê Hồng Phong bây giờ) lúc ấy còn là cầu gỗ và là cây cầu xưa nhất của Phan Thiết. Ngày ấy, chúng tôi  có cái thích đậm ngây thơ là đang đi trên cầu mà gặp xe lớn chạy qua, để những nhịp cầu rung lên, làm đôi chân của chúng tôi như nhún nhảy, muốn bay bay… Hồi đó, đi qua cầu Quan, còn có cái thú ngắm nhìn cảnh quan Lầu nước khi mùa chim én về liệng bay, mùa hoa vông nở rồi rụng, gió mang đi rải rộng ra tạo thành dòng sông đỏ… Nhưng thiệt ra cũng có cái bực khi đi ngang cầu nếu mấy đứa con gái bắt đầu biết diện, nhỏng nhảnh với đôi guốc hay giày gót nhọn thì thế nào cũng “gởi lại” trên cầu mấy cái gót guốc kẹt giữa các thanh gỗ lát cầu.

Vậy nên khi cầu Trần Hưng Đạo được phép lưu thông, phần thì hồ hởi muốn biết tâm trạng mình ra sao khi đi trên cầu mới, lại cũng muốn xem thử đoạn đường nào xa hơn nên lũ tôi rủ nhau “khánh thành”. Qua cầu này, muốn tới trường, thuận tiện nhất là rẽ trái. Và từ đó, một đoạn ngắn đường Hải Thượng Lãn Ông trở thành đề tài ngẫm ngợi, suy tư.

“…Trả lại em yêu, khung trời đại học. Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát…”

Không biết con đường Duy Tân của nhạc sĩ đẹp đến cỡ nào nhưng con đường mang tên vị danh y Hải Thượng ở Phan Thiết lúc ấy có thể sánh ngang đường Nguyễn Du của Sài Gòn.  Yên tĩnh và nên thơ là điều lũ học trò chúng tôi lúc ấy cảm nhận và “gắn mác” cho con đường vì ít xe cộ qua lại, không có nhà dân, hầu như chỉ có những hàng cây ven đường là chứng nhân cho năm tháng. Những tán me bốn mùa mướt xanh dù chỉ được lợp bằng những chiếc lá thật nhỏ bé. Vào mùa thay lá, bao nhiêu chiếc lá mang theo những vụn vặt mơ mộng tuổi học trò bay lả tả rồi yên ắng đậu hờ hững dưới mặt đường, trong lòng chiếc lá bàng luôn xòe rộng hay trên tóc một áo dài trắng vừa ôm cặp đi ngang… Chiếc xe hơi vụt qua, những chiếc lá bé nhỏ ấy lại một lần nữa cuộn lên, vẽ trong không gian tĩnh lặng những nốt tròn không khép kín.

Đoạn đường ấy, hợp cùng với Đài Liệt sĩ, công viên Lầu nước, bar Đào Viên bên tay trái còn là nơi lũ học trò nghỉ tiết, “cúp cua”, lấy nón lá hay chỉ cần trải rộng tà áo dài là có thể ngả người. Lá ở dưới lưng. Lá ở trên đầu. Lá rập rờn trong ánh mắt. Chút tơ giăng ngưng đọng mãi cuối tim mình. Con đường Ung Chiếm dài chỉ chừng trăm mét cũng lấp ló đâu đó trong câu thơ vụng dại đầu đời, bởi sự êm đềm mơn man. Mấy tấm ảnh đen trắng còn cất kỹ đến bây giờ phần nhiều có phông nền từ hoa lá cỏ cây thuở ấy…

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ðường xưa…