Theo dõi trên

Ký ức của cha

27/09/2017, 09:19 - Lượt đọc: 96

BTO- Cuộc sống cứ trôi như dòng sông không khi nào ngừng xuôi ra biển lớn. Sông đổ ra biển và mang trong lòng những ghềnh thác như kỷ niệm găm vào ký ức sống của mỗi người. Mảng ký ức tuyệt vời trong trẻo của tuổi thơ nâng đỡ bước đi của chúng ta trên đường đời. Và mỗi miền ký ức trong tâm hồn con người, khi lấp lánh niềm hạnh phúc, khi nặng trĩu sầu tư giúp chúng ta trưởng thành hơn.

Riêng tôi, ký ức tuổi thơ nâng đỡ bước tôi đi trên đường đời là miền ký ức của cha về một thời hành quân Nam tiến.

Ngày nhỏ, mỗi buổi tối sau khi đã học bài xong, tôi hay leo lên lòng cha nằm gọn trong vòng tay rám nắng khét mùi chiến trường nghe cha kể chuyện. Cha con tôi nằm đung đưa trên chiếc võng dù xanh mắc chắc chắn vào hai cột nhà. Những lúc ấy tôi hít hà mùi mồ hôi đặc quánh nắng gió của cha, rụi rụi chiếc mũi xinh xắn của mình vào cổ cha để được cha mắng yêu: “Bé con ngoan nào! Để bố kể chuyện chiến trường cho con nghe”. Chỉ chờ có thế, tôi ngoan ngoãn nằm ép mình vào lòng cha, mở to đôi mắt trẻ thơ trong veo thả hồn vào những miền đất cha hành quân đi qua.

Đến bây giờ, khi đã lớn khôn, tôi hiểu, sự đa cảm trong tâm hồn tôi chính nhờ những câu chuyện của cha. Cha tôi thích kể chuyện về những người đồng đội cũ, về những miền đất cha gắn bó suốt thời trai trẻ. Trong ký ức tôi ngày ấy, rừng Trường Sơn âm u đấy bí ẩn như khu rừng của bẩy chú lùn tôi đọc trong chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết”. Còn cha, mỗi khi nhắc đến rừng Trường Sơn, mắt cha ngời lên những đam mê, mong mỏi. Trong câu chuyện của cha, rừng Trường Sơn có những cây lá đỏ như màu máu đồng đội lúc hy sinh. Rừng Trường Sơn cũng có những tiếng cười trong trẻo cao vút của các cô thanh niên xung phong, những anh lính gác kho quân dụng. Và rừng Trường Sơn bạt ngàn cây cối ấy có cả trung đoàn đêm nay hành quân kịp trận đánh ngày mai. Trong đêm vắng, tiếng chân người đi êm như bước đi của chúa sơn lâm, kỳ lạ thực, cả đoàn quân cứ nối nhau mà bước, bước chân người đi sau đè lên dấu chân người đi trước, tịnh không một tiếng động. Cha vẫn thường nói: Sự im lặng đến rợn người của trời đêm bao giờ cũng báo hiệu một ngày giông bão. Cuộc hành quân xuyên rừng, trắng đêm, giữa đêm sâu của rừng già không bóng trăng sao, không tiếng gió thổi, không tiếng người nói cười, chỉ có những đoàn quân nối đuôi nhau tiến lên phía trước, tiến về Sài Gòn, tiến về miền Nam thương yêu. Cha hay kể cho tôi nghe những cuộc hành quân dài xuyên đêm như thế. Và cha rưng rưng nhớ lại những người đồng đội đêm trước còn chìa bàn tay kéo đồng đội vượt qua một sườn núi dốc, thế mà hôm sau... vĩnh viễn nằm lại chiến trường, môi nở nụ cười mãn nguyện.

Tôi biết, ký ức của cha có bóng tối của rừng già sâu thẳm, có tiếng cười nói trong veo của đoàn văn công phục vụ chiến sĩ, có cả bầu trời trong xanh giữa trưa mùa hạ, in bóng xuống một dòng suối, bên bờ cát trắng mênh mang. Và... trong miền ký ức của cha có khoảng rừng chiều trơ trụi lá cành vàng sắc da cam. Một khoảng rừng đỏ ối sắc hoàng hôn nhòa đi trong màu vàng cam ám ảnh ấy. Những luồng hơi đẹp là vậy, rực rỡ là vậy mà sức tàn phá thật ghê gớm. Cả mảng rừng già hồi hôm còn xanh lá, xanh cây, ríu ran chim chóc, chỉ trong khoảnh khắc sắc da cam trùm lên cánh rừng đã bặt tiếng chim và cây thì rũ lá. Còn hậu hoạ nữa chứ. Dòng suối trong vắt hiền hòa kia đang mang trong mình thứ chất độc màu cam để bộ đội ta lội qua dù khát rã người cũng nhìn vào gáy người đi trước mà bước. Niềm tin vào lá cờ đỏ sắc máu đã nâng bước cha và thế hệ những người cùng tuổi cha vững bước.

Cha tôi hay kết thúc câu chuyện về Trường Sơn bằng một giọng kể vui vẻ lạ kỳ. Tôi không biết đó là tiếng kể, tiếng reo vui chiến thắng hay tiếng ca khúc khải hoàn... Chỉ biết cha say sưa kể về ngày đoàn quân giải phóng tiến đến Sài Gòn. Cờ, hoa rực rỡ ngợp trời. Sắc áo xanh của người lính giải phóng, mầu cờ đỏ thắm rọi sáng cả miền ký ức của cha, xoa dịu những vết nhăn trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió cuộc đời.

Câu chuyện về Trường Sơn của cha theo tôi lớn dần theo năm tháng, từ thủa tôi là cô bé con, đến hôm nay cha tôi lại bắt đầu câu chuyện về Trường Sơn ấy cho con tôi. Và tôi biết cuộc sống sẽ vận động theo đúng quy luật của nó, nhưng truyền thống cha ông sẽ tiếp sức cho lớp lớp người sau này tiến bước bởi hành trang cha gìn giữ sau những năm bôn ba chiến trường là: Ký ức Trường Sơn.

Lê Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức của cha