Theo dõi trên

Vườn xưa

01/07/2018, 08:14 - Lượt đọc: 396

BT - Hôm qua, tình cờ  đọc lại bài thơ Vườn xưa của Tế Hanh: “Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh, bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc, hai ta ở hai đầu công tác, có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?”. Mấy câu thơ mở đầu của bài thơ ấy đã gieo vào lòng tôi hình ảnh khu  vườn của Yến ở ven bờ sông Dinh  xưa (nay thuộc phường Bình Tân, thị xã La Gi).  Vườn ở đấy gần như bốn  mùa xanh.  Khi ấy Yến mười sáu tuổi. Cái tuổi mang vẻ đẹp tràn đầy của một thời con gái. Và tôi, trong một ngày có mưa nhẹ đã  đọc 2 câu thơ của Trần Dạ Từ cho Yến nghe: “Em mười sáu tuổi, trăng mười sáu, áo lụa phơi buồn sân gió xưa”. Câu thơ có hơi chút buồn buồn, có lẽ vì vậy mà sau đó Yến bảo tôi thay vì ngồi chơi dưới tán vú sữa hãy cùng em đi men theo sông và cũng nhờ đó tôi bất ngờ khám phá ra một thế giới vườn của bờ sông Dinh. Những khu vườn tiếp giáp nhau qua một hàng rào cây, hoặc một lối đi nhỏ làm ranh giới. Những khu vườn đó trước 1975 gần như có rất nhiều thứ quả, mỗi mùa một thứ, tuy không nhiều (chỉ...

         

Những khu vườn bên bờ  sông ấy, gần như suốt ngày im vắng, thỉnh thoảng mới xuất hiện vài bóng người làm vườn bên dưới những tàn cây dày  màu xanh  và cũng nhẹ nhàng trong cách nói năng, đi lại lắm. Đa số chủ vườn là người bên chợ mới La Gi, sang sông lập vườn nên họ chỉ đến thăm vườn đôi chút trong ngày rồi về. Riêng khu vườn của Yến là do  mẹ con Yến quản lý. Đã có lần tôi lấy làm lạ vì sao  hai mẹ con sống biệt lập trong khu vườn thì Yến nói: “Mẹ thích vậy”, cũng như dặn tôi chớ nên ra một góc vườn phía Tây vì như lời mẹ Yến  nói: “chỗ đó có nhiều rắn, không an toàn”. Tôi nghe và chỉ biết vậy.

Sau ngày giải phóng  vài năm, tình cờ gặp Yến ở chợ, em lại mời tôi sang thăm vườn. Hôm ấy, Yến nói rằng em và mẹ sắp về quê.  Mẹ sẽ bán vườn để về miền Trung vì ba em, một cán bộ quân sự đã nằm lại vĩnh viễn ở ngoài đó. Em cũng giải thích nhiều năm qua, mẹ em giữ khu vườn vì bà là cơ sở cách mạng. Phía Tây khu vườn ngày trước có hầm bí mật; là nơi cán bộ ở  trên xanh về, trú lại mỗi khi muốn xâm nhập, tìm hiểu điều gì đó ở bên khu vực chợ mới, hoặc xã Tân Hòa (nay là Phước Hội). Vườn của Yến sau đó thuộc về chủ khác, cũng như không lâu, nhiều khu vườn ven sông cũng không còn, đất vườn được trồng cây ngắn ngày, cho nhiều mục đích. Bờ sông Dinh từ đó thiếu bóng cây xanh, nhìn  cứ thông thống, cũng như thấy hết một phần con kè chống sạt lở đất được làm sau này. Bây giờ muốn tìm những  khu vườn ở bờ sông Dinh, rộng ra là La Gi quả thật là khó. Ngay cả vài nơi, như khu phố 3, phường Tân Thiện, vườn gắn bó với người dân, nay cũng biến mất để thay vào đó là nhà nghỉ,  cơ sở  phơi cá khô… Lớp trẻ sau này lớn lên, có bao giờ biết rằng: La Gi, một thời có những khu vườn làm nên vẻ đẹp, vẻ đặc sắc của một vùng quê?…

H.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vườn xưa