Theo dõi trên

Việt Phủ Thành Chương, một địa chỉ văn hóa

20/09/2019, 13:10

BT- Sau bao nhiêu lần hẹn với họa sĩ Thành Chương nhưng không thành, lần này, tôi quyết tâm sắp xếp gọn mọi việc trong chuyến công tác Hà Nội để đến thăm và mong có những trải nghiệm thật sự nơi không gian thấm đẫm hồn Việt độc đáo này. Họa sĩ Thành Chương đón tôi ngay tại cổng với nụ cười chào đón thân thiện, quý mến. Qua các phương tiện truyền thông và nhất là qua CNN, hãng thông tấn lớn nhất hành tinh, tôi cũng đã biết về không gian văn hóa do họa sĩ Thành Chương tạo dựng nhưng quả thật có đặt chân đến nơi đây, tận mắt quan sát, khám phá và cảm nhận không gian bảo tồn có 1 không 2 này thì mới thật sự bàng hoàng trước vẻ đẹp nhiều chiều của tác phẩm sắp đặt không lồ có tên Việt Phủ Thành Chương.

                
Tác giả và họa sĩ Thành Chương.

 Tạo dựng và lưu giữ

Họa sĩ Thành Chương, người tạo dựng Việt Phủ Thành Chương, là con trai của nhà văn Kim Lân, tác giả của những truyện ngắn nổi tiếng như Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ, Làng, Cô Vịa, Con chó xấu xí… (Con của nhà văn Kim Lân đều là các họa sĩ nổi tiếng: Họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, họa sĩ  Nguyễn Từ Ninh, họa sĩ  Nguyễn Việt Tuấn).

Ngay tại Trà Hương Quán, họa sĩ Thành Chương và tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị về nghệ thuật hội họa, về vận mệnh đất nước, về bước đầu đầy gian nan vất vả để có được một Việt Phủ Thành Chương như ngày nay. Họa sĩ  mở cho tôi xem tấm hình chụp một khu đồi trọc không có gì, trên hình chỉ thấy vài cây nhỏ vừa trồng còn cả cọc ràng rịt giữ cho gió khỏi lay. Trước đây, nó là khu đồi trọc cạnh một đường băng cũ, ông mua lại sau khi chính quyền có quyết định cho phép người dân phát triển khu đất này thành khu vui chơi, giải trí. Họa sĩ nói: “Tinh thần chính của Việt Phủ là tạo dựng và lưu giữ một không gian đậm chất văn hóa, nghệ thuật, đời sống và tâm linh của người Việt”. Nhìn tấm hình ban đầu, trước thời điểm tháng 5/2001, rồi nhìn lại toàn cảnh Việt Phủ Thành Chương trước mắt, tôi không thể tin nổi với chừng ấy thời gian, bằng sức lực nào, tiền của nào mà ông có thể làm được như vậy. Phải có một sự đam mê lớn lắm, một hiểu biết về văn hóa Việt, về mỹ cảm dân gian, nhất là về tâm linh Việt sâu rộng lắm và phải có quá trình thu thập, góp nhặt, sưu tầm công phu, tốn nhiều tiền của lắm họa sĩ Thành Chương mới tạo dựng nên được một dấu nối ấn tượng với quá khứ, một điểm nhấn lưu giữ trung thực, hiểu biết chiều sâu, một không gian mà khi bước chân vào ta như được trở về với cội nguồn dân tộc mình, thở lại được hơi thở cùng ông bà tổ tiên Việt xưa của mình.

Sau khi thắp hương tưởng nhớ nhà văn Kim Lân, tôi được họa sĩ Thành Chương dẫn đi tham quan tất cả các khu trong Việt Phủ. Cụm kiến trúc đầu tiên, ngay sau ao hoa súng là nhà Thanh Tĩnh, sân khấu rối nước, cụm nhà tranh vách đất, giếng cổ, Tháp Sơn Tinh, hồ Bán Nguyệt. Cụm thứ 2 gồm vườn tượng Cổ Đại, ao Thiên Hương, tháp Thiên Hương, đền Trần, Điện Mẫu, tượng Hiền Bồ Tát. Dãy dọc bên trái cổng là Ban Thờ Thiên, vườn cây, nhà Tường Vân, phòng tranh, nhà hát Long Đình. Dãy ngang giáp ra lại cổng chính là lầu Mạc Hương, miếu Ngựa, cổng Chăm, nhà Đại Khoa, nhà Mạc Hương, nhà Giếng Cổ… Tất cả đều được phối trong không gian vườn tự nhiên đậm chất Á Đông, đậm chất Việt, đứng ở góc nào cũng thấy đủ đầy mặt nước, cây xanh, đá núi. Đây chính là hồn vía của văn hóa truyền thống Việt Nam, sự hòa đồng tự nhiên giữa vạn vật, con người và thần Phật.

 Tài hoa và tâm huyết

Điều tôi nghĩ nhiều trong lúc tham quan là ngoài việc đáp ứng tất cả những yêu cầu cần và đủ khác thì thông điệp của Việt Phủ Thành Chương đã thực sự trả lời rõ ràng, thuyết phục về câu hỏi:  “Làm thế nào để giữ được bản sắc dân tộc trong một xã hội đang phát triển, xã hội hiện đại với sự thay đổi chóng mặt?”.

Việt Phủ Thành Chương đã chạm đúng, đã đáp ứng và đã gây xúc động nơi công chúng trí thức Việt và hơn thế nữa. Vì vậy mà từ các hãng thông tấn lớn ở nước ngoài đến báo chí Việt, từ các cuộc giao lưu quốc tế đến các sự kiện được tổ chức trong nước, trong thủ đô, từ các nhóm nghiên cứu sinh, sinh viên ngoại quốc, con dân trí thức Việt đến khách tham quan bình dân đều chọn Việt Phủ Thành Chương như một địa chỉ văn hóa, tâm linh cần đến.

Thật xúc động khi cùng họa sĩ Thành Chương đi vào ngôi nhà tranh vách đất được phục dựng từ chính ngôi nhà của nhà văn Kim Lân, nơi họa sĩ và anh em mình sinh ra, lớn lên tại Yên Thế, Nhã Nam, Bắc Giang. Ngôi nhà ấy không chỉ là miền ký ức với các vật dụng gắn bó thương thuộc một thời, nó còn là sự duyên dáng, đầm sâu, hồn cốt trong tổng thể kiến trúc Việt cổ nơi đây. Tôi đứng tần ngần, ngẫm ngợi khá lâu vì dường như đâu đây đang lẩn khuất, thoang thoảng mùi khói bếp, mùi rơm rạ, mùi của những hoàng hôn xa xưa, mùi của đời sống con người thời còn thuần phác.

Từ Nhà Tường Vân, Nhà Đại Khoa đến các nhà Phật, đền Thánh, điện Mẫu, tôi rất kinh ngạc khi thấy một lượng lớn cổ vật giá trị được trình bày trân trọng trong các kệ, tủ, dày đặc các không gian bên trong. Có thể có đến hàng ngàn đơn vị trưng bày ở đây. Rất nhiều bình vại, đĩa chén của thế kỷ XI, XII, của các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, rất nhiều pho tượng làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, rất nhiều tượng đá, đồ thờ, hương án, sập gụ, tủ chè, bình phong, hoành phi, câu đối và cả những dụng cụ âm nhạc cổ xưa của người Việt. Họa sĩ chỉ cho tôi 1 cặp dụng cụ âm nhạc cổ làm bằng thân gỗ khoét như 2 chiếc thuyền độc mộc rồi mở video cho tôi xem các cô gái Mường đang gõ chày vào đó để tạo ra thứ âm nhạc hoang dại và độc đáo vô cùng.

Dù là một phần quan trọng trong Việt Phủ nhưng phải là khách thân thiết hoặc  liên quan đến hội họa họa sĩ mới mở khóa mời vào phòng tranh. Tôi cũng đã xem các bức tranh của họa sĩ Thành Chương khá nhiều qua các phương tiện truyền thông nhưng có thật sự đứng trước các bức tranh ấy mới thấy hết thần hồn trong sự giản hóa cực kỳ thông minh, nhuần nhuyễn, mới xúc động trước cái cách nhìn cuộc đời mạnh mẽ pha chút ngô nghê, cái ngô nghê của sự thấu suốt chứ không phải khờ khạo, cái ngô nghê của minh triết Việt tồn tại đã ngàn đời.

Đứng trước những bức tranh quý giá, đặc biệt là các bức tự họa theo phong cách dân gian hiện đại, cũng là người có nghiên cứu về hội họa, nên tôi rất thán phục. Thán phục đầu tiên là cái mỹ cảm gắn chặt với truyền thống, hồn cốt đậm bản sắc dân tộc nhưng cái nhìn sinh thát, trao gửi trong đó lại là sự vượt thoát, nhiều chiều. Việc đẩy lên tới đỉnh cao, nói được nhiều hơn, nói được sâu hơn từ cái nền mộc mạc không phải ai cũng làm được, nó đòi hỏi tài năng thật sự. Đây là lần thứ 2 ở Việt Nam tôi xúc động trước kiểu nghệ thuật này. Lần thứ nhất khi xem điêu khắc mô đun của nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị. Có thể nói cả 2 nghệ sĩ lớn này đều là bậc thầy tạo hình trong thế giới nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Cũng chính nhờ tài năng và tình yêu dân tộc và tâm huyết của họa sĩ Thành Chương  mà chúng ta tự hào có được một Việt Phủ Thành Chương như ngày nay, một địa chỉ văn hóa, tâm linh, một nơi cần đến để nhìn, để cảm nhận, để suy tư, nếu trong lòng mình còn 2 tiếng Việt Nam.

Cũng xin nói cho rõ, Việt Phủ Thành Chương tọa lạc nơi Dốc Dây Diều, xã Hiền Ninh, Sóc Sơn, phía Bắc ngoại thành Hà Nội. Có một câu nói tóm gọn nhất nhưng lại đầy đủ cảm xúc nhất về nơi này mà tôi cũng đồng cảm đó là câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi: “Việt Phủ Thành Chương, một vương quốc không phải ở trong những giấc mơ xa xôi và mơ hồ của chúng ta. Vương quốc ấy hiện thực đến mức làm cho ta cảm tưởng mình đang thở cùng hơi thở của ngàn xưa tụ lại, lan tỏa và sinh sôi”.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việt Phủ Thành Chương, một địa chỉ văn hóa