Theo dõi trên

 “Từ giã hoàng hôn trong mắt em”

14/09/2021, 10:17

BT- Tôi xin mượn câu hát trong bài “Mái tóc dạ hương”, thơ Đinh Hùng, Nguyễn Hiền phổ nhạc, để làm tựa  trong bài viết này.

Tôi đã từng mê tập thơ “Đường vào tình sử” của Đinh Hùng, khổ lớn, giấy croqui in đẹp và sang trọng. Trang đầu, trước khi bước vào “Đường vào tình sử”, Đinh Hùng đã giới thiệu: “Những cánh hoa này rất mỏng manh/ Ngày mai gió cuốn lá xa cành/ Và ngày mai nữa em đi dạo/ Sẽ gặp hồn anh trên cỏ xanh…”.

Ảnh minh họa.

Và… tôi mê “Đường vào tình sử”, mê “Những cánh hoa mỏng manh” và thuộc bốn câu thơ từ  những năm tháng chiến tranh.

 Bây giờ trong cơn lốc “cơm áo, gạo tiền”, người thôn quê, cả người thành thị đã quên… hoàng hôn? Thành thị thì quên đã đành, vì nhà cao tầng che kín chân trời, còn ở nông thôn cũng quên luôn, vì bây giờ nông thôn cũng đã đổi mới, cũng cao tầng, kín cổng, ai đâu còn lãng mạn mà ngắm hoàng hôn? Trong cuộc sống tất bật, ăn ngủ còn không có thì giờ, đâu ai còn đầu óc mà nghĩ đến hoàng hôn? Nếu chẳng may một buổi chiều nào đó, có ai đó đứng ngắm hoàng hôn, tức thì có người hỏi: Nhìn cái gì đó? Hâm hả? Ngáo đá hả? Chập mạch hả? Không khéo ngắm hoàng hôn, người ta tưởng dở hơi, “thần kinh phân liệt” đem vào nhà thương Biên Hòa thì…!

Xa quê, xa biển lâu rồi, nghe nhạc hoàng hôn, tôi bỗng nhớ và hình dung rồi vẽ lại trong đầu cái thời, mặc quần xà lỏn, ở trần leo lên động cát biển, ngồi xuống… làm “văn nghệ sĩ” mà ngắm hoàng hôn, nhìn ông mặt trời tròn như hòn bi đỏ hỏn, rất hiền từ, từ từ, rất chậm, đi xuống… đi xuống… rồi lặn mất phía xa đường chân trời, cứ tưởng mặt trời đuối nước, ngộp thở! Hoàng hôn đẹp yêu kiều, đẹp lộng lẫy, đẹp dịu dàng, đẹp như không có gì để so sánh. Hoa hậu mà đem so với hoàng hôn thì hoa hậu chạy rớt váy!

Học trò ngày nay nếu mà bắt tả hoàng hôn, thì bảo đảm rằng sẽ cắn bút, có em không biết hoàng hôn là gì? Nhưng hỏi “hôn môi xa” thì biết ngay!

Nhạc viết về hoàng hôn cũng không có nhiều, trên dưới một chục nhạc phẩm gì đó. Nhưng nhạc sĩ viết được bài hoàng hôn nào là bài đó… hay, người nghe nhớ dai bài đó để đời, “Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng (Kiều).

 Trong những nhạc phẩm viết về hoàng hôn, thì bài hát “Tiếng xưa” của Dương Thiệu Tước là khó hát nhất. Ca sĩ “lơ-tơ-mơ” chưa “sạch nước cản” mà hát bài này thì chỉ làm “Tiếng xưa” sẽ thành “Tiếng nay” thôi: “Hoàng hôn lá reo bên thềm thì/ Hoàng hôn tơi bời lá thu/ Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh/ Bâng khuâng phím loan vương tình…”.

Lại một hoàng hôn nữa, một nhạc phẩm tiễn nhau trong chiến tranh “Chuyến tàu hoàng hôn” của Minh Kỳ - Hoài Linh, đã một thời làm biết bao lòng người “sầu tê tái”: “… Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà/ Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta/ Muốn không gian đừng tan/ Níu đôi chân thời gian/ Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài”…

Mấy năm gần đây, có một ca sĩ  “gạo nàng hương” đã yêu boléro, đã hát boléro, đã “thách thức” boléro, đã hát “Chuyến tàu hoàng hôn” chỉ sai một chữ đã làm  chuyến tàu bể bánh, trật đường rầy:  “Xe lăn trong đêm khuất xa rồi biết đâu tìm…”. Đúng, xe lăn trong đêm, nhưng như vậy thì tầm thường quá, phải là “Xe lăn trong tim khuất xa rồi biết đâu tìm…”, mới đúng ý của tác giả?

Tôi, một thằng con nít xếp vào loại dân pa-de-ghe, xổ mũi quanh năm, quẹt nước mũi bằng hai tay áo bà ba, hình như cả tháng trời, áo mới được giặt một lần, hai tay áo cứng đơ như có ai trét hồ, chờ áo khô mặc tiếp vì “nhứt y nhứt quởn” mà! Chờ tết mới có bộ mới. Vậy mà tôi có máu “văn nghệ”, mê “Tôi đi giữa hoàng hôn” của Văn Phụng: “Tôi đi giữa hoàng hôn/ Khi ánh chiều buông/ Khi nắng còn vương/ Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài/ Mà lòng mình thấy u hoài…”.

Đến năm 60, tôi bỏ lại sau lưng những con còng biển, con dã tràng xe cát, bỏ tiếng sóng xô bờ, bỏ mái nhà lắc lư như răng bà già sắp rụng, bỏ người mẹ gánh cá mướn cùng đứa em nhỏ dại… Tôi đi học xa nhà. Rồi tôi biết yêu, biết chạnh lòng trước đôi mắt đẹp, biết nhung nhớ mông lung, biết vấn vương mái tóc thề: “Từ giã hoàng hôn trong mắt em/ Tôi đi tìm những phố không đèn/ Gió mùa thu sớm bao dư vị/ Của chút ân tình hương tóc quen/ Từng bước lần theo trăng viễn khơi/ Trong đêm còn mơ dáng ai cười/ Tiếng cười như cõi thiên thu lại/ Tiền kiếp xưa nào em hé môi…” (nhạc phẩm Mái tóc dạ hương)

 Ôi, bài thơ đẹp, những nốt nhạc cũng tươi. Bài thơ mang “triết lý nhân sinh”, một mái tóc dạ hương thoáng mùi trong màu sắc hư ảo của đêm.

Từng ngày, từng tháng, từng năm đi qua. Tất cả đều là dĩ vãng. Dĩ vãng có buồn, có vui, huy hoàng hay tàn tạ… Và tôi xin mượn một câu mà tôi thích trong nhạc phẩm này để làm câu kết:

  “Dĩ vãng nào xanh hơn mắt em?”

TRẦN HỮU NGƯ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
 “Từ giã hoàng hôn trong mắt em”