Theo dõi trên

Tụ điểm văn nghệ ế ẩm mùa dịch

10/03/2020, 09:32 - Lượt đọc: 95

BT- Không chỉ ngành du lịch thất thu vì lượng khách giảm trong mùa dịch Covid-19, hiện nay ở các tụ điểm vui chơi đông người cũng trở nên vắng vẻ. Người ta ngại đến nơi đông người dù thông tin cho rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhưng tâm lý của người dân vẫn ngại đến chỗ đông người, nên tình hình kinh doanh buôn bán ít nhiều bị ảnh hưởng… 

Ế ẩm

Ở trung tâm TP. Phan Thiết, các sân chơi giải trí lành mạnh dành cho giới trung niên cũng khá nhiều, nhưng hiện đang có chung hoàn cảnh hoạt động cầm chừng đợi qua mùa dịch. Các sân chơi văn nghệ giải trí hát với nhau cũng nằm trong tâm thế đó. Các nhạc quán cũng thưa dần, vì tâm lý của khách bất an. Dù rằng nhiều nhạc quán đã rất kỹ lưỡng trong việc làm sao để an toàn cho thực khách khi đến vui chơi giải trí. Nhưng thực tế vẫn chưa thể tạo được sự yên tâm vững chắc trong mùa dịch bệnh. Không thể cầm cự vì quá vắng, nên có sân chơi hát với nhau không trụ nổi phải tuyên bố “Tạm dừng hoạt động chờ qua hết mùa dịch Covid-19. Chúng tôi tạm nghỉ để đảm bảo an toàn cũng như lo lắng của quý khách, khi nào thật sự ổn định sẽ hoạt động trở lại”. Trên thực tế không chỉ quán cà phê Góc Mơ thông báo tạm dừng chơi nhạc, mà một số quán cầm cự trong thời gian này cũng vì không muốn gián đoạn. Từ 1986, N. P, N.S hay N.X… lượng khách thưởng thức và chơi văn nghệ cũng giảm. “Nhiều anh chị khách hàng thân thiết, đột nhiên vắng hẳn, với mối quan hệ khách hàng chúng tôi cũng cố gắng liên lạc để tìm ra nguyên nhân và đều nhận được câu trả lời: Ngại dịch, nên chờ?”…

Nhiều sân khấu hát với nhau, duy trì sáng đèn 1 đêm vài khách cũng phải hoạt động, vì nếu nghỉ quá dài sẽ mất khách nên chấp nhận bù lỗ trong thời điểm này. Nhiều quán để thu hút khách đã phải làm nhiều chương trình giảm giá cho khách hàng vào những ngày cố định hay giảm trực tiếp cho khách hàng thân quen khi đến với quán.  

Âm thầm đóng cửa

Trên thực tế, các quán cà phê hát với nhau để duy trì cực khó và đó là mô hình kinh doanh không dễ làm. Nhưng, rõ ràng nó vẫn có gì đó cuốn hút nên nhiều quán mở ra liên tục. Có quán trên đường Tôn Đức Thắng mở ra hoành tráng, duy trì mỗi tuần 1 đêm duy nhất, xây dựng chất lượng chương trình hẳn hoi. Thậm chí đưa công nghệ 4.0 để PR nhưng vẫn không đủ sức thu hút khán giả đến xem và phục vụ, để rồi sau Tết Nguyên đán phải “tạm” nghỉ.

Sau đó, một phòng trà khác trên đường Võ Văn Kiệt mở ra với thực lực tài chính có thể nói “hoành tráng”, tổ chức show và đưa ca sĩ từ TP.Hồ Chí Minh về cùng với những quán quân, á quân của các cuộc thi của Bình Thuận nhưng vẫn không đủ sức níu chân khán thính giả đến nghe hàng đêm. Ở Phan Thiết, bây giờ còn rất ít người đi nghe nhạc, nói nôm na là văn hóa thưởng thức âm nhạc đang phai nhạt. Sân chơi văn nghệ bây giờ ở các tụ điểm là văn hóa thể hiện, mà không cần quan tâm đến người nghe, người thưởng thức. Họ cũng đầu tư về hình ảnh, và một tối họ có thể chạy khắp quán này đến quán khác, chỉ để được hát, được quay clip “tự sướng” nhưng không hề cảm nhận ngược lại từ hàng ghế khán giả.

Như trên đã nói, phòng trà với dàn nhạc chơi hàng đêm hoành tráng nhưng được vài tuần đã phải chuyển sang hát với nhau, hạ giá nước từ 89.000 đồng xuống còn 60.000 đồng nhưng cuối cùng vẫn không thể nào duy trì và âm thầm đóng cửa ngay sau đó. Thậm chí, họ phải sang nhượng lại toàn bộ nội thất bên trong từ chén, dĩa, ly, tách để vớt vát phần nào vốn liếng đầu tư.

Kinh doanh mô hình văn nghệ ở Phan Thiết, thời điểm này không phải là vấn đề dễ dàng. Cung nhiều hơn cầu nên phần lớn đi đâu cũng chỉ là những giọng hát đó, gương mặt thân quen đó, riết trở thành phong trào, nhưng ít ai quan tâm đến giọng hát và đầu tư cho nó, để ngày càng hay và chuyên nghiệp hơn. Điều đó, cũng là con dao 2 lưỡi khiến cho các nhạc quán nhiều phen khốn đốn, nếu không có ý tưởng tốt.

Q.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tụ điểm văn nghệ ế ẩm mùa dịch